Thời sự

Phó Thủ tướng: Đang chuẩn bị để xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng

Báo cáo giải trình thêm sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời chất vấn tại phiên họp chiều 11/11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá chính sách tiền tệ vừa qua hợp lý, đã ổn định hệ thống và xử lý được hai ngân hàng 0 đồng.

Trước đó, đã có ba ngân hàng được đưa vào diện bắt buộc mua lại 0 đồng, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á (DongABank).Đến cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức chuyển giao CBBank và OceanBank về Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quân Đội (MB). Còn hai ngân hàng khác là GPBank và DongA Bank dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và chuyển giao trong tương lai.

Nhấn mạnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là động lực của nền kinh tế, tuy nhiên khi nền kinh tế tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các ngân hàng, hệ thống tín dụng và hoạt động của ngân sách của nhà nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong thời gian qua rất tốt, hợp lý. Chính sách tiền tệ đã điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả; chính sách tài khóa được thực hiện mở rộng và hợp lý nên kết quả đạt được trong thời gian qua tốt.

Trong các năm gần đây, vượt thu ngân sách tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, nhờ đó, chúng ta đã giảm thuế cho các doanh nghiệp và người dân gần 800 nghìn tỷ đồng.

"Chúng ta giữ được tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và VND; xử lý được hai ngân hàng 0 đồng và chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng nữa, ổn định hệ thống, phục vụ cho nền kinh tế rất tốt", Phó Thủ tướng đánh giá.

Ông cũng cho biết những kết quả này đã giúp tăng trưởng GDP năm nay ước đạt gần 7%, CPI khoảng 3,88%, nợ công 37% GDP.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phó Thủ tướng cũng báo cáo Quốc hội, thu ngân sách đã đạt 99,4% so với dự toán Quốc hội giao và 17,78% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, thu ngân sách tăng 255.216 tỷ đồng so với năm trước, tức là năm nay có thể vượt năm ngoái 300.000 tỷ đồng. Số này dùng để đầu tư hạ tầng cơ sở như đường cao tốc và các công trình khác.

Dùng công nghệ để quản lý thị trường vàng

Về quản lý thị trường vàng, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Tài chính thường xuyên chỉ đạo cơ quan thuế phát hành 5 văn bản để hướng dẫn kê khai và nộp thuế, nên việc quản lý hóa đơn của doanh nghiệp bán vàng, các cửa hàng bán vàng không có vấn đề khó khăn và vướng mắc.

Với chất vấn của đại biểu, liên quan đến vấn đề xử lý, có một số đoàn quản lý thị trường kiểm tra và tạm đình chỉ vì không chứng minh được nguồn nguyên liệu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta chỉ xử lý khi phát hiện vàng lậu; nếu không chứng minh được vàng lậu thì không có quyền xử lý các cửa hàng vàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành sửa đổi Nghị định 24, trong đó quan tâm đến xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng. Ưu đãi thuế để hàng trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất; khi bán ra tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu.

Đối với vấn đề quản lý vàng được đại biểu nêu, Phó Thủ tướng cho biết, có tình trạng vàng miếng tăng 18 triệu/lượng (25% so với giá vàng thế giới), nguyên nhân là giá vàng thế giới cao, tâm lý, cầu tăng cao, bất động sản đóng băng, sản xuất kinh doanh khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ rủi ro… vàng trở thành nơi trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Phó Thủ tướng cho biết cơ quan quản lý sẽ áp dụng công nghệ để quản lý mua bán trên thị trường vàng sao cho minh bạch, đúng pháp luật.

"Vàng hiện không còn là thước đo của tiền tệ nhưng vẫn là kim loại quý và là nơi trú ẩn của dòng tiền nhàn rỗi nên cần quản lý chặt chẽ", Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp sắp tới, Chính phủ chỉ đạo thực hiện mua bán đúng pháp luật, minh bạch; áp dụng công nghệ thông tin để quản lý các cửa hàng và công ty; tiếp tục chống buôn lậu mạnh mẽ; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy thị trường vốn phát triển…

Phó Thủ tướng cũng cho biết sắp tới nền kinh tế sẽ cần nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống cao tốc, đường sắt cao tốc,...chuyển đổi năng lượng công bằng nên sẽ cần nguồn vốn tín dụng rất lớn. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu, chứng khoán phải là kênh chia sẻ với các tổ chức tín dụng và tiền tệ.

"Sắp tới, không chỉ cần huy động nguồn vốn trong nước mà còn nguồn vốn nước ngoài và cả hình thức đầu tư PPP để thúc đẩy phát triển nền kinh tế", ông cho biết. 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm