Thời sự

Phía sau việc bán bảo hiểm nhân thọ - kỳ 1: Vào lò đào tạo

Đại lý bảo hiểm nhân thọ (tư vấn viên tài chính bảo hiểm) đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm giới thiệu, chào mời, tư vấn quyền lợi cho khách hàng. Trong các vụ việc lùm xùm, tư vấn viên bảo hiểm được xem là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc.

Hàng loạt thông báo tuyển dụng trên trang tìm kiếm việc làm, hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội như Facebook, Zalo với nội dung: Tuyển tư vấn tài chính bảo hiểm nhân thọ, yêu cầu đam mê kinh doanh, khao khát cơ hội thăng tiến, mức thu nhập đảm bảo 15-25 triệu đồng/tháng.

Để trở thành tư vấn viên bảo hiểm, tôi liên hệ anh B (giấu tên) tự giới thiệu trưởng phòng kinh doanh cấp cao của Cty TNHH Manulife Việt Nam. Theo lời hẹn, tôi đến gặp B tại văn phòng Manulife Ba Đình, trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Sau khi điền đơn ứng tuyển, tôi được cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập trang ManuAcademy để bắt đầu hành trình huấn luyện trở thành tư vấn viên.

Phía sau việc bán bảo hiểm nhân thọ - kỳ 1: Vào lò đào tạo - Ảnh 1.

Bên trong lò luyện chứng chỉ đại lý bảo hiểm tại Manulife

Trên ứng dụng ManuAcademy có các bài học như: kiến thức chung về bảo hiểm; nguyên lý, kiến thức cơ bản về nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại hình nhân thọ; quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp đại lý bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm; pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; kỹ năng thực hành tư vấn bảo hiểm và chính sách tuân thủ của Manulife.

Một trong những thông tin nhấn mạnh tại tài liệu của Manulife khẳng định, vai trò của đại lý bảo hiểm là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp, gia tăng thị phần, doanh thu. “Tốt nghiệp” chương trình trực tuyến, chúng tôi tham gia khóa huấn luyện trực tiếp trong 2 ngày. Sáng 25/2, tại văn phòng Manulife Ba Đình, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia huấn luyện Đinh Thị Thanh G, chương trình đào tạo để vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ Đại lý bảo hiểm bắt đầu.

Mở đầu bài học, chúng tôi được giảng viên huấn luyện yêu cầu: Trong thời gian 3 phút làm quen với bạn bên cạnh trong lớp (hỏi tên, tuổi, công việc, nơi ở) với số lượng nhiều nhất có thể. Bên cạnh tôi là chị H nhân viên spa tại Gia Lâm (Hà Nội); anh T nghề tự do, anh P vừa đi xuất khẩu lao động trở về. Theo giảng viên, bài học làm quen nhau là để ứng viên mới dần thích nghi với việc bỏ qua sự ngại ngùng, từng bước làm quen với khách hàng sau này.

Sau lời giới thiệu, giảng viên bắt đầu vào bài với câu nói: Manulife là người mở hàng cho ngành bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam. Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền thông tin về Manulife lừa đảo, căng băng rôn phản đối. Nếu thực chất Manulife lừa đảo thì có tồn tại được ở Việt Nam trong gần 24 năm qua?

Trả lời câu hỏi của ứng viên xoay quanh lùm xùm giữa một ngân hàng và Manulife, giảng viên Đinh Thị Thanh G giải thích: Rủi ro của khách hàng do không tìm hiểu và gặp tư vấn viên không có tâm. Hai điều này gặp nhau trở thành lừa đảo.

Sau bài học về nguồn gốc, chúng tôi được luyện đề thi kỳ thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm của Bộ Tài chính. Đề thi thứ nhất gồm 40 câu hỏi liên quan Luật Bảo hiểm trong thời gian 60 phút. Đề thi thứ 2 với số lượng câu hỏi và thời gian tương tự nội dung thi sản phẩm liên kết đầu tư - sản phẩm Manulife đang chào bán.

Bí kíp vượt qua kỳ thi

Sau khóa học cấp tốc trực tuyến trên ứng dụng của công ty bảo hiểm nhân thọ và luyện thi trực tiếp với chuyên viên huấn luyện, ứng viên tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính sẽ chính thức được hành nghề đại lý bảo hiểm.

Sau 2 ngày ôn thi, chiều 1/3, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề Thanh Xuân (Hà Nội) thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm (còn gọi là code). Trước khi bước vào phòng thi, giảng viên dặn dò một số bí quyết tương trợ nhau và “không để ai lại phía sau”.

“Các bạn thi trên máy tính và các máy tính sát nhau, không có vách ngăn. Các bạn không được nói chuyện nhưng có thể tương trợ nhau bằng ánh mắt, hướng mắt sang máy tính của bạn để hỗ trợ. Ứng viên tuyệt đối không mang theo điện thoại vào phòng thi, không tìm kiếm thông tin trên Google của máy tính”, giảng viên dặn dò.

Lớp chúng tôi có 19 ứng viên và đều vượt qua kỳ thi Chứng chỉ đại lý bảo hiểm của Bộ Tài chính một cách thuận lợi. Câu hỏi trên đề thi đa phần thuộc ngân hàng câu hỏi chúng tôi được luyện trong 2 ngày trước đó. Tuy nhiên, cũng chính giảng viên tiết lộ, từ đầu năm 2023, khóa thi chứng chỉ của Bộ Tài chính khó hơn với câu hỏi cập nhật trong Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa ban hành.

“Những kỳ thi từ đầu năm 2023 đến nay, ứng viên trượt rất nhiều bởi hàng loạt câu hỏi bổ sung mới của Bộ Tài chính. Đích thân giảng viên phải ra tay, thi chứng chỉ để tìm hiểu câu hỏi trong bộ đề mới do Bộ Tài chính vừa cập nhật”, giảng viên G “bật mí”.

Giảng viên G tiết lộ, trước kia thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, câu hỏi chỉ trong ứng dụng Manulife. Sau khi xảy ra sự việc nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, chuyển từ tiền tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ, đề thi, quy trình thi của Bộ Tài chính chặt chẽ hơn. Với đại lý bảo hiểm là nhân viên ngân hàng, chỉ cần nửa ngày học và được cấp chứng chỉ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra lùm xùm xoay quanh biến tướng bảo hiểm thời gian qua.

Sau khi có chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chúng tôi bước vào hành trình huấn luyện từ con số 0 để tham gia Hiệp hội Bàn tròn triệu USD (danh hiệu cao nhất cho tư vấn viên bảo hiểm). Khoản hoa hồng, thưởng “khủng” cho tư vấn viên dần hé lộ và cũng chính là con dao 2 lưỡi khiến tư vấn viên vì lợi ích, bất chấp mọi cách để ký thành công hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Năm 2022, thị trường bảo hiểm có 19 doanh nghiệp nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng. Ước tính, cả nước có khoảng 900.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ.

(Còn nữa)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm