
Hai phi hành gia Suni Williams (trái) và Butch Wilmore trả lời các câu hỏi trong cuộc họp báo sau chuyến bay muộn về Trái Đất tại Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston, Texas (Ảnh: NASA).
Ngày 1/4, NASA tổ chức họp báo, với sự tham gia của Suni Williams và Butch Wilmore, hai phi hành gia vừa trở về Trái Đất sau 9 tháng "mắc kẹt" trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Trong lần đầu tiên xuất hiện trước báo giới, hai phi hành gia cùng bày tỏ sự tin tưởng vào tàu vũ trụ Starliner của Boeing, bất chấp những vấn đề kỹ thuật mà con tàu này gặp phải trong sứ mệnh có người lái đầu tiên.
Được biết, Starliner đã thực hiện nhiệm vụ Chuyến bay thử nghiệm của phi hành đoàn (CFT) vào tháng 6/2024, đưa Wilmore và Williams lên ISS.
Tuy nhiên, sự cố liên quan đến hệ thống động cơ đẩy đã buộc NASA và Boeing phải kéo dài sứ mệnh từ 8 ngày (theo kế hoạch ban đầu) thành 9 tháng để các kỹ sư có thời gian phân tích và khắc phục vấn đề.
Cuối tháng 8/2024, NASA quyết định gửi tàu Starliner trở về Trái Đất mà không có phi hành đoàn, đồng thời cho phép Williams và Wilmore ghép nhóm với các phi hành gia thuộc sứ mệnh Crew-9, do SpaceX đưa lên ISS trước đó.
Phi hành đoàn gồm 4 người đã quay trở lại Trái Đất an toàn ngày 19/3 vừa qua.
Dù chuyến bay gặp nhiều sự cố dẫn tới chậm trễ, phi hành gia Butch Wilmore khẳng định: "Chúng tôi sẽ khắc phục; chúng tôi sẽ làm cho nó hoạt động hiệu quả hơn. Boeing hoàn toàn cam kết. NASA hoàn toàn cam kết. Và với điều đó, tôi sẽ quay lại tàu ngay lập tức khi có thể".
Trước câu hỏi về ai là người phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra sự chậm trễ cho sứ mệnh, Butch Wilmore cho rằng: "Bạn có thể bắt đầu với tôi. Trách nhiệm với Boeing? Đúng. Trách nhiệm với NASA? Đúng. Tất cả các cấp trên và dưới của sứ mệnh. Tất cả chúng tôi đều có trách nhiệm. Tất cả chúng tôi đều nằm trong điều này".
Suni Williams thì tập trung vào những điểm mạnh của Starliner: "Đây là một tàu vũ trụ tuyệt vời và có nhiều khả năng mà các tàu vũ trụ khác không có. Được chứng kiến điều đó thành công và trở thành một phần của chương trình đó là một vinh dự".

Suni Williams được các nhân viên y tế chăm sóc khi vừa rời tàu hạ cánh ngày 19/3 (Ảnh: NASA).
Mặc dù có nhiều tranh cãi về chính trị xung quanh sứ mệnh, đặc biệt là từ những phát ngôn của cựu Tổng thống Donald Trump và CEO SpaceX Elon Musk, hai phi hành gia khẳng định họ luôn chuẩn bị cho mọi tình huống và tin tưởng vào quyết định của NASA.
"Chúng tôi luôn biết có một tổ chức lớn gồm các chuyên gia luôn theo dõi toàn bộ chương trình và xác định thời điểm tốt nhất để đưa chúng tôi trở về nhà. Vì thế mà chẳng có gì phải lo lắng cả", bà nhấn mạnh.
Williams từng phủ nhận cảm thấy "bị bỏ rơi" hoặc "bị mắc kẹt" trong một cuộc phỏng vấn từ xa vào tháng 2. Cô cho biết mình "vinh dự khi được ở đây và là một phần của nhóm", cũng như chung tay thực hiện "sứ mệnh khoa học ở cấp độ thế giới".
Sau trải nghiệm bay trên cả tàu vũ trụ Boeing Starliner và SpaceX Crew Dragon, 2 phi hành gia đều cho rằng mỗi tàu đều có những ưu điểm riêng. Starliner nổi bật với khả năng điều khiển thủ công linh hoạt, trong khi Crew Dragon mang đến trải nghiệm thoải mái hơn với hệ thống điều khiển tự động hiện đại.
Hiện tại, Boeing và NASA đang tiếp tục hợp tác để khắc phục các sự cố đã xảy ra của tàu Starliner. Hai phi hành gia vừa trở về Trái Đất sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thảo luận về các giải pháp kỹ thuật, nhằm đảm bảo rằng tàu vũ trụ này có thể hoạt động hiệu quả trong các sứ mệnh tương lai.
Butch Wilmore bày tỏ sự lạc quan: "Nếu chúng ta có thể tìm ra vấn đề chính với động cơ đẩy và hệ thống heli, tàu Starliner hoàn toàn sẽ sẵn sàng hoạt động trở lại". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc này sẽ cần thêm thời gian để hoàn thành.
Bất chấp những thử thách, cả hai phi hành gia đều tin tưởng vào tiềm năng của Starliner và sẵn sàng tham gia vào các sứ mệnh tiếp theo với con tàu này. Điều này cho thấy NASA và Boeing vẫn cam kết phát triển hệ thống tàu vũ trụ thương mại để mở rộng khả năng tiếp cận không gian của con người trong tương lai.