Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, ông nhận định thế nào về những tác động của việc giảm phí sử dụng đường bộ đến hoạt động kinh doanh vận tải mà Bộ Tài chính đang đề xuất?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Đề xuất của Bộ Tài chính giảm 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe vận tải hàng hóa, 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách tôi cho là cần thiết. Như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho kinh doanh vận tải trong giai đoạn này, điều này cũng sẽ khích lệ ngành vận tải tăng năng suất, tăng lưu lượng hoạt động, giảm bớt chi phí logistics, tạo điều kiện cho ngành vận tải phát triển.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, theo tôi phí đường bộ cần phải giảm nữa, bởi vì một chiếc ô tô hiện đang chịu quá nhiều loại phí rồi.
PV: Vâng, dù ít hay nhiều cũng rất quý trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều loại phí trực tiếp và gián tiếp. Dự kiến chính sách này kéo dài trong 6 tháng, theo ông, Chính phủ cần có các chính sách dài hơi thế nào để giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy: Hiện nay, ngành vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các tuyến đường nối trung tâm hay các đô thị lớn đều được đầu tư theo hình thức BOT hết rồi.
Tức là cứ ra đường là phải trả tiền, phí rất cao và nhiều tuyến cao tốc đang tiếp tục được đầu tư mở rộng ra cả nước.
Hiện nay, phí giao thông tăng lên rất cao, từ 20-30%, trong khi đó đường sắt hiện nay rất ít được đầu tư mà chỉ tập trung đầu tư cho đường bộ, cho nên gánh nặng chi phí vận tải rất lớn.
Vì vậy, theo tôi, sau 6 tháng nữa nếu tình hình còn khó khăn thì nhà nước nên tiếp tục giảm phí sử dựng đường bộ cho người dân, đối với vận tải hàng hóa cũng nên giảm 20%.
Đồng thời, nhà nước nên tập trung đầu tư phát triển đường thủy, để chuyên chở các loại hàng siêu trường siêu trọng; có kế hoạch tài khóa - tiền tệ sớm đầu tư cho đường sắt cao tốc Bắc Nam để chở cả hàng hóa và hành khách. Như vậy sẽ hiệu quả hơn và sẽ giải quyết được tận gốc những bức xúc trong vận tải hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông.
Đánh giá cao đề xuất lần này của Bộ Tài chính về giảm phí đường bộ, tuy nhiên Chủ tịch hiệp hội vận tải hành khách TP.HCM, ông Lê Trung Tính kiến nghị, nên kéo dài chính sách này trong vòng ít nhất 1 năm:
"Theo tôi đề xuất kỳ này của Bộ Tài Chính chứng tỏ thành viên Chính phủ đã nắm rõ tình hình khó khăn của ngành vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, mức giảm như vậy chưa tác động lớn đến hoạt động vận tải, tôi đề nghị Bộ Tài chính mạnh dạn hơn nữa, kéo dài cả năm 2023.
Còn về lâu dài, chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ người dân nào cũng sử dụng nó và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đến giờ này vẫn còn âm ỉ, sau 3 năm ngành vận tải gần như kiệt quệ; bên cạnh đó cuộc chiến giữa Nga và Ukraine làm cho giá xăng dầu tăng cao và công tác điều hành của nhà nước còn yếu kém đã để cho đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, gây khó khăn cho ngành vận tải"./.