Sản xuất công nghiệp tại nhà máy lốp xe tải của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng - DRC - Ảnh: TẤN LỰC
Thành phố này định hướng phát triển thành trung tâm kinh tế biển của miền Trung gắn với cảng Liên Chiểu, Tiên Sa và liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hình thành cụm liên kết kinh tế biển miền Trung
Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, các ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thành phố này còn nhiều hạn chế, thu hút công nghiệp công nghệ cao, vốn là ưu tiên phát triển, chưa đạt kỳ vọng.
Tình hình sản xuất công nghiệp phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp.
Đà Nẵng cũng chưa hình thành các doanh nghiệp 'đầu đàn' có ảnh hưởng lớn, mang tác động lan tỏa thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển. Việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có các cụm liên kết ngành quy mô lớn.
Bà Lê Thị Kim Phương, giám đốc Sở Công Thương, cho biết hiện Đà Nẵng có khoảng 110 doanh nghiệp có khả năng tham gia hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do doanh nghiệp FDI sản xuất để xuất khẩu, sản phẩm trong nước chưa đáp ứng nhu cầu các ngành sản xuất, lắp ráp.
Sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành phụ tùng ô tô tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Theo bà Phương, giai đoạn 2021-2030 Đà Nẵng định hướng phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi với trọng điểm phát triển là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, gắn với xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Cụm liên kết này tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực ưu tiên như: cảng biển container trung chuyển trong nước, quốc tế và cảng biển du lịch; vận tải biển và các dịch vụ gắn với cảng biển tại khu cảng biển Liên Chiểu - Tiên Sa - Chân Mây; công nghiệp đóng, sửa tàu biển, cơ khí chính xác, chế tạo máy, thiết bị tự động hóa với trung tâm ở Đà Nẵng; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, hóa dược, hóa phẩm tập trung ở Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế.
Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thu hút một số công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian tạo tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng và thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Hút "sếu đầu đàn" dẫn dắt phát triển
Ông Nguyễn Anh Huy, giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (Tập đoàn Trung Nam), cho rằng để phát triển được lĩnh vực công nghiệp cần phải đưa một số doanh nghiệp đầu đàn về khu vực như Samsung, LG hoặc các doanh nghiệp công nghệ lớn.
Nhà máy sản xuất thiết bị lọc dầu nhớt cho ô tô tại Công ty Hifill Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Khi những doanh nghiệp đầu đàn thâm nhập vào đây thì lập tức các doanh nghiệp phụ trợ sẽ đi theo. Tuy nhiên, để thu hút được những doanh nghiệp này thì cần xem lại hạ tầng công nghiệp hỗ trợ tại chỗ. Hiện nay chuỗi cung ứng vẫn tập trung chủ yếu tại phía Bắc hoặc phía Nam xung quanh Hà Nội và TP.HCM.
Ông Huy cho rằng để kích thích chuỗi cung ứng tại chỗ, các địa phương miền Trung phải xây dựng khu phi thuế quan cho các đối tác nhập hàng từ bên ngoài vào sản xuất phục vụ xuất khẩu.
"Khi có khu phi thuế quan sẽ có nhiều doanh nghiệp về đặt nhà máy sản xuất tại đó và tạo động lực hình thành công nghiệp hỗ trợ cho khu phi thuế quan. Rất nhiều đối tác của chúng tôi hỏi về điều đó trước khi quyết định đầu tư, nhưng rất tiếc là hiện miền Trung chưa có khu phi thuế quan nào" - ông Huy chia sẻ.
Theo Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, để phát triển công nghiệp tại miền Trung, cần xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng liên kết phát triển vùng nhằm chuyển thế mạnh kinh tế địa phương sang khai thác lợi thế toàn vùng theo quy hoạch vùng.
Trong đó, cần ưu tiên một số công trình hạ tầng giao thông như triển khai các hợp phần đầu tư để cảng Đà Nẵng trở thành cảng đầu mối khu vực (cảng Liên Chiểu). Cảng Chu Lai (Quảng Nam) và cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) thực hiện vai trò hỗ trợ chức năng cửa ngõ của vùng.
Cảng Quy Nhơn (Bình Định) gắn với vai trò liên kết các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan. Triển khai xây dựng đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ 40B nối Quảng Nam với Kon Tum, quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi với Măng Đen (Kon Tum), quốc lộ 19 nối Bình Định với Gia Lai để kết nối các tỉnh Tây Nguyên vào sự liên kết kinh tế với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.