Liên quan đến nghi vấn thông tin tài khoản của nghệ sĩ Võ Nguyễn Hoài Linh mở tại ngân hàng MB bị lộ, đến chiều 27/5, đại diện MB cho biết đã phát hiện một cá nhân làm việc tại ngân hàng để lộ thông tin của khách hàng.
"Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, MB cam kết sẽ có các biện pháp nghiêm khắc đảm bảo tuyệt đối tuân thủ các Quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin của khách hàng. Ngân hàng sẽ có biện pháp kỷ luật thỏa đáng cá nhân để lộ/lọt thông tin, không tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp, không tuân thủ Quy định của pháp luật, Quy định của ngân hàng" - đại diện ngân hàng nói.
Về phương thức xử lý của MB đối với cá nhân vi phạm, theo vị đại diện, Ngân hàng đã đình chỉ công việc cá nhân vi phạm và sẽ tổ chức thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất cá nhân vi phạm, đồng thời ngân hàng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.
Chia sẻ trên báo Lao động, luật sư Ngô Việt Bắc, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết tại Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình... Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể hóa bằng quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý...”. Do đó, hành vi tiết lộ bí mật tài khoản của Hoài Linh là hành vi vi phạm pháp luật.
Hình ảnh thông tin tài khoản ngân hàng của Hoài Linh bị phát tán.
Trao đổi với báo Lao động, luật sư cho biết việc nhân viên ngân hàng để lộ thông tin tài khoản của khách hàng đã vi phạm Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Theo quy định tại Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp:
(1) Theo yêu cầu của khách hàng hoặc khách hàng cho phép;
(2) Theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (tòa án, công an, cơ quan thuế,...);
(3) Cho việc phục vụ hoạt động nội bộ.
Nói cách khác, ngoại trừ 3 trường hợp trên, thông tin của khách hàng phải được được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng bảo mật tuyệt đối, không được tiết lộ hoặc cung cấp cho bất kỳ cá nhân nào dưới mọi hình thức.
Với vi phạm của nhân viên ngân hàng MB nói trên, có thể áp dụng xử phạt theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 47, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cụ thể, hành vi “Làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng”.
Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này, căn cứ theo Điều 52 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra, mà người thực hiện còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 năm đến 5 năm. Đồng thời, bên vi phạm nếu gây thiệt hại cho người bị tiết lộ thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.