Tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc bất ngờ phát hiện vật thể nặng nặng 66 tấn, dài 27 mét, cao 4 mét. Sau khi dùng công nghệ để phân tích, đây là kho báu đá mã não lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại ở Trung Quốc, được hình thành từ 8.000 năm trước.
Trong công nghệ phân tích đá quý, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích. Cùng với đó là hệ thống phân loại tự động áp dụng công nghệ thị giác nhân tạo. Thị giác nhân tạo ở đây là sử dụng robot thay thế mắt người để đo lường và phán đoán. Công nghệ này giúp tiến hành phân tích quang học tự động về màu và phân loại chính xác theo tiêu chuẩn.
Trong quá trình phân loại, thiết bị sử dụng ống kính có độ phân giải cao để thực hiện mô hình 3D của đá quý. Hệ thống có thể đo các đặc điểm nhỏ nhất của đá quý, bao gồm các khớp nối của các mặt và độ lệch của các mặt.
Trên thực tế, việc đánh giá đá quý bằng trí tuệ nhân tạo hiện nay vẫn còn hạn chế nhưng công nghệ này đã tạo ra hiệu quả và tính nhất quán mà nhiều chuyên gia đều công nhận. Các chuyên gia tin rằng, tiếp tục vượt qua các ranh giới đổi mới trong lĩnh vực phân tích đá quý thì Trung Quốc sẽ đạt nhiều thành tựu mới trong xác định, phân tích đá quý.
Nhờ công nghệ, Trung Quốc không chỉ xác định được mã não khổng lồ mà còn xác định được một khu vực lớn tại tỉnh Liêu Ninh có chứa mã não. Cụ thể, một khu đất rộng 1.352 ha đã biến thành công trường để khai thác mã não. Đồng thời, khu vực này được quy hoạch xây dựng một khu sinh thái bao gồm quảng trường, bảo tàng, trung tâm hội nghị và triển lãm, các tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng, phòng trưng bày, con đường lát đá mã não.
Trong khai thác mã não, Trung Quốc đã nghiên cứu và ứng dụng robot và các công nghệ khác vào khai thác. Theo đó, Trung Quốc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số cùng với việc xây dựng một hệ thống khai thác thông minh ra quyết định thông minh và thực thi tự động.
Quá trình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ và giám sát tài nguyên sẽ được thực hiện tự động. Việc nâng cấp và chuyển đổi thông minh trong khai thác tài nguyên, khoáng sản được chia thành ba bước: Thứ nhất, nâng cấp công nghệ và thiết bị của các hệ thống cụ thể và từng bước hiện thực hóa việc nội địa hóa các hệ thống điều khiển thiết bị cốt lõi; thứ hai, thực hiện nâng cấp và chuyển đổi nền tảng mạng, trung tâm dữ liệu… để tích hợp các quy trình sản xuất và quy trình môi trường thông tin; thứ ba, thiết lập quy trình làm việc thông minh trong kinh doanh có liên quan thông qua bigdata, trí tuệ nhân tạo…
Liêu Ninh, Trung Quốc là tỉnh rất giàu tài nguyên mã não, chiếm hơn 50% trữ lượng của Trung Quốc, trữ lượng tiềm năng đã được xác định là khoảng 2-5 triệu tấn. Khoảng 90% sản phẩm mã não được bán tại các điểm du lịch và cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở Trung Quốc được sản xuất tại Liêu Ninh.
Zhong Huabang, một chuyên gia đá quý nổi tiếng ở Trung Quốc nhận định: "Tài nguyên đá mã não của Trung Quốc nói chung và khu vực Liêu Ninh nói riêng có nhiều màu sắc, hoa văn đẹp và hình dạng đa dạng. Nhiều mã não quý giá có thể cũng được tìm thấy tại Liêu Ninh. Tại đây, kho báu đá mã não rất phong phú và hầu hết các thân quặng vẫn chưa được khai thác".
Ngoài nguồn tài nguyên mã não phong phú, nghề chạm khắc mã não ở Liêu Ninh rất nổi tiếng. Vào năm 2006, các tác phẩm chạm khắc mã não ở tỉnh Liêu Ninh đã được phê duyệt để đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên tại Trung Quốc.
Việc chạm khắc mã não tại Liêu Ninh, Trung Quốc chủ yếu được thực hiện bằng tay, quy trình hoàn chỉnh khá phức tạp, được chia thành bảy quy trình: lựa chọn vật liệu, bóc vỏ, thiết kế, chạm khắc ban đầu, chạm khắc tinh xảo, đánh bóng và thiết lập.