Khoa học ghi nhận loài ong biết hợp tác để giải quyết vấn đề chúng gặp phải, nhưng liệu bộ não nhỏ bé của chúng có vai trò gì trong tinh thần đồng đội này không, hay chỉ đơn thuần là hành vi bẩm sinh?
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu ở Phần Lan đã cho những con ong vò vẽ chơi với Lego - một trong những món đồ chơi phổ biến nhất thế giới.
Olli Loukola, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học Oulu, cho biết họ rất ngạc nhiên trước cách những con ong cân nhắc đến chuyển động của một con ong khác, sau đó phối hợp với chuyển động của chúng trong quá trình tương tác với những viên Lego. Hành động này thể hiện trí thông minh xã hội đáng kinh ngạc của loài ong.
Ngoài nhiệm vụ xếp Lego, các nhà nghiên cứu cũng tạo ra một thử thách khác cho nhóm ong. Họ cho chúng chạm vào một cánh cửa trong suốt ở cuối đường hầm để tiếp cận được mật hoa.
Họ nhận thấy con ong đầu tiên đến được cánh cửa nhiều khả năng quay đi nếu "đồng đội" của nó bị giữ lại phía sau, và nó chỉ tiến về phía cửa khi thấy "đồng đội" đã đi đúng hướng.
"Nghiên cứu này cho thấy hành vi hợp tác phức tạp của côn trùng sống theo bầy đàn có thể vượt xa khả năng bẩm sinh hoặc cố định. Chúng thậm chí còn có khả năng học các hành vi thường liên quan đến động vật như linh trưởng và cá heo", James Dorey, một nhà khoa học sinh học ở Úc, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận xét.
Các nhà khoa học cho biết sẽ cần nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu chính xác những gì ong vò vẽ chú ý đến trong các nhiệm vụ hợp tác, và chúng hiểu vai trò của đồng loại đến mức nào. Tuy nhiên, nhìn chung nghiên cứu đã góp phần xác nhận sự thông minh của loài ong, thậm chí vượt xa những gì mà chúng ta thường nhắc đến.
Những phát hiện của nghiên cứu cũng giúp con người hiểu sâu hơn về hành vi của ong vò vẽ, từ đó ứng dụng trong các lĩnh vực như robot và nông nghiệp.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society ngày 1-5.