Theo đó, từ kết quả khai quật, khảo cổ học tại Thành nhà Hồ cho thấyrõ nét về quy hoạch kiến trúc và cách thức xây dựng, bố trí các kiến trúc kinh thành của một triều đại phong kiến quân chủ Việt Nam những năm cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.
![]() |
Từ những bức tường thành và cổng thành còn tồn tại hiện hữu, khảo cổ học đã phát hiện nhiều kiến trúc quan trọng trong Thành nhà Hồ như: Điện Hoàng Nguyên (chính điện); Đông Thái Miếu; Tây Thái Miếu; Nền Vua; Hào Thành; đường Hoàng Gia; cấu trúc tường thành, cổng thành... cùng hệ thống di vật, hiện vật vô cùng độc đáo và giá trị. |
![]() |
Khảo cổ học đã xác định móng và tường Thành nhà Hồ được xây dựng bằng việc kết hợp nhiều loại vật liệu khác nhau, với 3 lớp được liên kết chặt chẽ bao gồm: Lớp ngoài là các khối đá lớn, lớp giữa được gia cố bởi các khối đá tự nhiên chèn ốp theo từng lớp đá xây mặt thành phía bên ngoài, lớp trong cùng được kết cấu bởi các lớp đất sét trộn sỏi cuội, đá dăm, được đầm, nện chắc chắn theo từng lớp và có độ dốc thoải vào bên trong tạo trụ đỡ chịu lực cho toàn bộ phần tường đá phía ngoài. Phần móng được gia cố bởi nhiều lớp đá và đất sét nền trộn sỏi cuội và những khối đá móng tạo sự vững chắc cho toàn bộ phần tường thành. |
![]() |
Đàn tế Nam Giao Tây Đô là một kiến trúc quan trọng tổng thể khu di sản Thành nhà Hồ. Khai quật, khảo cổ học đã xác định được cơ bản diện mạo của một đàn tế cổ với nền móng kiến trúc còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Hàng loạt kiến trúc quan trọng và độc đáo riêng có cũng đã được xuất lộ qua khai quật, khảo cổ học như: Giếng Vua, đường Thần Đạo, Viên Đàn, hệ thống nền móng các cấp nền đàn, hệ thống cống thoát nước...cùng nhiều hiện vật độc đáo và giá trị như: Đầu chim phượng mỏ vẹt, gạch ngói trang trí... |
![]() |
Qua khai quật, vị trí của Hào Thành được xác định nằm cách chân thành từ 60 đến 90m; quy mô được xác định với chiều rộng là 50m, chiều dài khoảng 4km bao quanh toàn bộ tòa thành đá; cấu trúc của Hào Thành được xác định với phần lòng hào và phần bờ kè bằng đá cổ trải đều 4km bao quanh tạo sự bền vững cho cấu trúc của Hào Thành. Hào Thành được xác định là một kiến trúc chỉnh thể, thống nhất bao quanh toàn bộ khu vực Hoàng Thành Thành nhà Hồ với quy mô rộng lớn, kiến trúc độc đáo, một bộ phận dựa trên địa hình tự nhiên và được mở rộng tạo nền gia cố chân thành cũng như bảo vệ cho toàn bộ tòa thành. |
![]() |
Quá trình khai quật khảo cổ tại khu vực cửa Nam và trong thành Nội của di sản thế giới Thành nhà Hồ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một con đường (đường Hoàng Gia) được lát nguyên bằng đá phiến với quy mô rất lớn. Con đường này chạy thẳng vào trục chính của kinh thành Tây Đô. |
![]() |
Việc khai quật, khảo cổ học tại khu vực các cổng thành đã xuất lộ rõ quy mô, kiến trúc của các cổng thành Thành nhà Hồ. Đặc điểm nổi bật và khác biệt của Thành nhà Hồ đó là bốn cổng thành và bốn bức tường thành đều được xây dựng bằng đá chắc chắn và uy nghiêm. Các cổng thành được xây dựng thành hình vòm cuốn với các khối đá lớn có mặt cắt hình thang cân (hay gọi là hình múi bưởi) và không sử dụng chất kết dính. Phía trong các cổng thành được chế tác hoàn chỉnh với kiến trúc của phần khung cửa, cối cửa, nền móng cửa hoàn toàn được lát bằng đá xanh nguyên khối...phía trên các cổng thành phía Nam và phía bắc được bố trí kiến trúc vọng lâu với các lỗ chân cột và hệ thống thoát nước được bố trí rất quy chuẩn và bài bản. |
![]() |
Khai quật, khảo cổ học khu trung tâm của Thành nhà Hồ cũng đã xác định một kiến trúc trung tâm hoàn chỉnh, bao gồm một tòa chính điện được bố trí 9 gian với kiến trúc cực kỳ hoành tráng thể hiện qua chiều dài và rộng của các bước gian và hệ thống chân tảng và móng cột đặc trưng thời Hồ. Kiến trúc chính điện được xác định có quy mô lớn nhất được khảo cổ học phát hiện cho tới ngày nay. Hệ thống hiện vật, di vật được phát lộ tại khu vực này đa phần được trang trí hình rồng và hệ thống gạch, ngói lợp, ngói trang trí nhuộm men vàng mang đặc trưng mà chỉ có chính điện nơi Hoàng đế thiết triều mới được phép sử dụng. Các vật liệu kiến trúc nêu trên được phát lộ duy nhất tại khu vực khai quật này mà không thấy ở bất kỳ kiến trúc nào từng khai quật trong nội thành nhà Hồ, đã minh chứng rất rõ nét rằng đây là Chính Điện của kinh thành Tây Đô... |
![]() |
Theo các nhà khoa học, những phát hiện khảo cổ quan trọng trên đã minh chứng rõ nét Thành nhà Hồ là một kinh đô cổ được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, bài bản, quy chuẩn với đầy đủ đền đài, miếu mạo, cung điện, đường xá và được sử dụng xuyên suốt trong nhiều triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị - quân sự của quốc gia và khu vực lúc bấy giờ. |
Thành nhà Hồ (còn gọi là Thành Tây Đô) thuộc khu vực địa giới hành chính ở 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Đây là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn. Ngày 27/6/2011, Thành nhà Hồ chính thức được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật, giải mã được nhiều bí mật về quá trình xây dựng công trình cũng như các giá trị khác...