Anh Phan Minh Đức (SN 1992, cựu học sinh chuyên Lý của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) là Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10. Thành tích này đã đưa anh trở thành thí sinh đầu tiên của Hà Nội giành chiến thắng chung cuộc của Đường Lên Đỉnh Olympia sau 10 lần tổ chức.
Sau đó, Phan Minh Đức nhận học bổng 35.000 USD, du học ngành Tài chính Kế toán tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc). Khi đi du học, anh thường được các cựu thí sinh Olympia gọi với biệt danh là “ông tổ nghề rửa bát”. Trong những năm tháng du học, bên cạnh việc học tập, anh Đức từng phải trải qua nhiều công việc lao động khác nhau để trang trải chi phí sinh hoạt.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc, anh tiếp tục nhận được lời mời nghiên cứu sau đại học và được chuyển thẳng lên học tiến sĩ ngành Kinh tế năng lượng tại ĐH Swinburne, Australia. Tuy nhiên, sau 2,5 năm, anh quyết định dừng việc học tiến sĩ vì cảm thấy không phù hợp với ngành học này. Tháng 6/2022, anh theo học thạc sĩ ngành Hệ thống thông tin doanh nghiệp, định hướng chuyển đổi số.
Trong những năm tháng học tập tại nước ngoài, anh Phan Minh Đức đã không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức ở môi trường quốc tế và nung nấu một mong muốn, trở về cống hiến cho quê hương. Đến năm 2024, Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 đã quyết định trở về nước. Về Việt Nam, anh Phan Minh Đức thành lập dự án giáo dục Future Class, một trung tâm ôn luyện SAT, IELTS và trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Đến nay, đã khoảng 1 năm Quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 trở về nước sinh sống và lập nghiệp. Nhân dịp đầu năm, hãy cùng chúng tôi lắng nghe những chia sẻ, câu chuyện đặc biệt và niềm mong mỏi của cống hiến cho giáo dục của anh Phan Minh Đức khi quyết định trở về quê hương.
Chào anh Minh Đức, chúng ta gặp nhau vào thời điểm mới bước sang đầu năm mới. Nhìn lại năm cũ một chút, có cột mốc đặc biệt nào anh muốn chia sẻ?
Có thể nói, 2024 đối với tôi là một năm bản lề với nhiều cột mốc quan trọng cả trong đời sống cá nhân và công việc. Sau nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi đã có cơ hội quay trở về Việt Nam, cùng với đó là những bước chuyển lớn trong cuộc sống, từ việc thay đổi môi trường làm việc đến những cơ hội hợp tác mới. Tôi thấy rất hài lòng và phấn khởi khi dự án giáo dục do nhóm chúng tôi sáng lập đã có bước đầu phát triển, tạo ra được những giá trị nhất định cũng như được nhiều người đón nhận.
Chắc mọi người cũng thấy được có nhiều sự thay đổi trong cuộc sống nói chung và trong giáo dục nói riêng. Tôi rất vui khi có thể đưa những góc nhìn, kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian du học ở Úc về áp dụng và phát triển trong nước. Thêm vào đó, việc xây dựng được một đội ngũ gồm hơn 30 thành viên là các bạn trẻ đam mê, giàu nhiệt huyết và mong muốn mang lại những giá trị mới cũng là cột mốc đặc biệt và là động lực làm việc của tôi mỗi ngày.
Được biết, năm 2024, đang học tập và làm việc ở nước ngoài, anh quyết định lựa chọn quay trở về nước. Điều gì thôi thúc anh quyết định quay trở về Việt Nam?
Tôi nhận thấy, môi trường giáo dục tại Việt Nam đang thay đổi rất nhanh cùng nhiều sự thay đổi lớn. Việc quan sát, học hỏi mô hình và cách thức các nước phát triển triển khai hoạt động giáo dục, từ đó điều chỉnh để phù hợp với môi trường và văn hóa Việt Nam là cách mà chúng tôi đang tiếp cận để triển khai dự án.
Tôi nghĩ rằng những trải nghiệm và bài học khi sinh sống và làm việc hơn 13 năm tại nước ngoài bao gồm cả những điều tích cực và hạn chế, cũng là một dạng “vốn” khi đầu tư phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người bạn thân thiết của tôi cũng quyết định quay trở về sau khi hoàn thành việc học, có cả những trường hợp đã có công việc ổn định và có hai quốc tịch cũng trở về nước sinh sống, làm việc.
Nhưng lý do thôi thúc tôi trở về không chỉ ở công việc, mà ở cả cá nhân, xin được chia sẻ là tôi cũng đã gặp được một nửa của mình và có kế hoạch lập gia đình trong tương lai gần.
Nhiều năm học tập và làm việc ở nước ngoài, khi đưa ra quyết định trở về quê hương để phát triển, anh đã cân nhắc các yếu tố như thế nào?
Khi đưa ra quyết định quay về, tôi không tránh khỏi lo lắng và trăn trở. Hiện tôi 32 tuổi và có 13 năm sống tại Úc, nghĩa là gần một nửa thời gian tôi sống tại đây nên cũng rất tâm tư, suy nghĩ. Không biết khi trở về sẽ gặp những khó khăn gì? Thách thức thế nào? Liệu mình có hòa nhập được không?
Tôi cũng phải cân bằng các yếu tố như mức thu nhập, cơ hội phát triển sự nghiệp, tiềm năng của thị trường, bên cạnh đó là mong muốn về một cuộc sống được gần gũi bố mẹ, anh chị em, bạn bè.
Như tôi đã từng chia sẻ, tôi luôn có suy nghĩ khi ở Úc tôi sẽ là một du học sinh bình thường như hàng nghìn bạn du học sinh khác. Nhưng khi về Việt Nam tôi có cơ hội để tạo ra nhiều giá trị hơn, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho mọi người xung quanh. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu không làm bây giờ, thì có lẽ sau này mình sẽ hối tiếc. Vì vậy, tôi quyết định trở về và bắt đầu hành trình của mình ở quê hương Việt Nam.
Và đã là 1 năm quay trở về, anh thấy cuộc sống, công việc của mình có sự thay đổi như thế nào?
Cuộc sống của tôi thay đổi khá nhiều. Thứ nhất, nhịp sống ở Việt Nam sôi động hơn so với nơi tôi sống trước đây ở Úc, nhưng chính sự sôi động này lại thúc đẩy tinh thần tôi mỗi ngày.
Thứ hai, công việc của tôi không còn chỉ xoay quanh giảng dạy và làm chuyên môn, mà còn là quản lý đội ngũ, kết nối với đối tác, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó tôi cũng tham gia nhiều chương trình cộng đồng, những buổi tọa đàm, chia sẻ với các bạn học sinh sinh viên.
Với khối lượng công việc như vậy, đôi lúc tôi không có đủ thời gian dành cho bản thân và gia đình. Điều này trái ngược với cuộc sống của tôi bên Úc, nhưng qua một năm tôi đã dần sắp xếp và thích nghi với nhịp sống này.
Được biết, khi về Việt Nam, anh đã thành lập, khởi nghiệp với một dự án giáo dục. Anh có thể chia sẻ về dự án này?
Dự án giáo dục Future Me của chúng tôi đã ra đời từ năm 2019 khi cả nhóm sáng lập đang sinh sống và học tập tại Úc trong giai đoạn dịch Covid. Khi đó dự án hoạt động 100% online và tập trung vào chương trình định hướng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn học sinh, sinh viên.
Còn năm ngoái khi trở về Việt Nam, chúng tôi có triển khai dự án trực thuộc Future Me mang tên Future Class, với định hướng phát triển những mô hình và chương trình học hiện đại, giúp học sinh trang bị những kỹ năng phục vụ cho tương lai.
Đội ngũ chúng tôi bao gồm khối chuyên môn các thầy, cô giáo và các anh chị cố vấn cùng nhau xây dựng chương trình học riêng, cùng xây dựng giáo trình, tài liệu, tham gia đào tạo về nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó có đội ngũ vận hành là những bạn trẻ năng động, nhiệt huyết không ngại thử nghiệm những điều mới.
Chắc hẳn là ở nước ngoài hay khi về nước, anh cũng đã nhận được nhiều lời mời làm việc rất tốt. Anh cân nhắc như thế nào khi từ chối nhiều cơ hội để hiện thực hoá đam mê theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình?
Khi về nước thì tôi cũng có may mắn nhận được một số lời mời làm việc tại các tập đoàn lớn và các trường tư/ trường quốc tế, đây đều là những cơ hội mà tôi rất trân trọng. Tuy nhiên sau khi cân nhắc thì tôi có mong muốn được phát triển những sản phẩm riêng một cách chủ động và tự do như mình kỳ vọng, thêm nữa là tôi cũng muốn thử thách bản thân nên đã quyết định tự làm.
Hiện nay, tôi cũng là đối tác của chính những đơn vị mời tôi làm việc. Tôi nghĩ nếu đã tạo giá trị thực tế thì việc làm ở đâu hay cách thức thế nào cũng không quan trọng vì cuối cùng vẫn là người học sẽ nhận được gì.
Vậy điều gì khiến anh quyết định chọn lĩnh vực giáo dục là sự nghiệp mình theo đuổi và anh đặt những mục tiêu như thế nào cho sự nghiệp giáo dục của mình?
Xuất phát từ niềm tin rằng giáo dục là nền tảng cho mọi sự phát triển. Bên cạnh việc khoa học công nghệ đang khiến mọi thứ thay đổi quá nhanh, để chuẩn bị cho một tương lai biến động, khó dự đoán thì việc giúp một thế hệ trẻ không chỉ giỏi kiến thức mà còn vững vàng kỹ năng, tư duy sẽ mang lại lợi ích lâu dài, bền vững.
Kỳ vọng của tôi cùng nhóm sáng lập đó là xây dựng được Future Me thành một tổ chức giáo dục đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Từ các chương trình học quốc tế đến nền tảng công nghệ dạy học, không chỉ giảng dạy kiến thức cho học viên mà còn đào tạo cho giáo viên và các nhân sự trong ngành giáo dục.
Mong muốn lớn nhất của chúng tôi trong năm tiếp theo đó là ổn định được đội ngũ nhân sự, nâng cao trình độ của nhóm chuyên môn và hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó là có thêm các nguồn lực, đối tác mới giúp cho dự án được phát triển ổn định.
Cái tên Future Me cũng là thông điệp mà nhóm thành viên sáng lập muốn gửi gắm, mang hàm ý là giúp các bạn học sinh có thể trở thành phiên bản tốt nhất mình có thể trở thành trong tương lai.
Khi quản lý, vận hành, phát triển và giảng dạy trong dự án giáo dục Future Class, có câu chuyện, kỷ niệm đặc biệt nào mà anh đặc biệt muốn chia sẻ?
Mặc dù chỉ mới chính thức phát triển từ giữa năm 2024 nhưng Future Class cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, có thể kể đến như việc tổ chức thành công 02 chương trình lớp SAT cộng đồng, đây là các lớp học miễn phí dành cho các bạn học sinh mới tìm hiểu về SAT và chưa có điều kiện kinh tế. Các lớp học này thì Future Class hợp tác triển khai với Khan Academy Vietnam và cũng được nhiều báo đài đưa tin. Học sinh của Future Class cũng đã có nhiều bạn đạt mức điểm 1450+ cũng là mức điểm tương đối cao với SAT. Với mức điểm này các bạn hoàn toàn có thể xét tuyển vào các trường đại học trong nước hoặc đi du học.
Những kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là giai đoạn đầu tiên khi mới bắt đầu phát triển sản phẩm, khi đó thì mọi người hoàn toàn làm việc với nhau bằng nhiệt huyết và tin tưởng vào một ngày sản phẩm sẽ được đón nhận. Khi đó thì chúng tôi không có lương và tất nhiên là chưa có văn phòng riêng mà phải làm việc tại nhà của một bạn trong nhóm, ngồi làm việc trên bàn ăn và buổi trưa thì trải thảm dưới sàn để nghỉ.
Có một giai đoạn tôi ở bên Úc để giải quyết công việc, do chênh lệch về múi giờ nên hàng ngày làm việc cùng cả nhóm xong là 11h giờ tối giờ Việt Nam và cũng là 3h sáng tại Úc, sáng hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường. Tất nhiên những việc trên thì cũng không có gì quá khó khăn khi so sánh về điều kiện với nhiều dự án khởi nghiệp khác, nhưng cũng là những ngày đầu đáng nhớ.
Điều gì khiến anh cảm thấy vui và tự hào nhất khi trở về và quyết định thực hiện một dự án giáo dục?
Khi làm việc trong lĩnh vực này, tôi hay hỏi mọi người về khái niệm thế nào là một “sản phẩm giáo dục”, đa số mọi người sẽ trả lời là chương trình học hay về khóa học kèm theo hồ sơ kinh nghiệm của giáo viên. Ở Future Class thì chúng tôi định nghĩa ngược lại, đó là sản phẩm giáo dục sẽ là quá trình giúp một học sinh đạt được mục tiêu học tập của mình, với kết quả phản ánh đúng năng lực của học sinh đó để từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp cho tương lai.
Có thể nói, niềm vui lớn nhất là biết rằng những gì chúng tôi làm hôm nay có thể tạo ảnh hưởng tích cực đến tương lai của các bạn học sinh.
Được biết, Future Class có những lớp học SAT. Theo anh, vì sao các học sinh bây giờ nên học SAT?
SAT là một kỳ thi chuẩn hóa và được nhiều nước trên thế giới công nhận và sử dụng, SAT là tiêu chí đánh giá đầu vào của nhiều trường đại học top đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam những năm gần đây thì SAT ngày càng được biết đến nhiều hơn và luôn trong tình trạng thiếu điểm thi, lý do chính là các trường đại học top đầu Việt Nam cũng dùng chứng chỉ SAT bên cạnh chứng chỉ IELTS như một phương thức xét tuyển.
Vậy nên từ chỗ là chứng chỉ dành cho các bạn có ý định du học Mỹ, nhiều học sinh có nền tảng tiếng Anh tốt cũng lựa chọn SAT như một con đường để đi đến những trường đại học trong nước.
Bài thi SAT không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn kiểm tra khả năng tư duy logic, khả năng đọc – hiểu và sử dụng tiếng Anh học thuật. Việc ôn luyện SAT cũng giúp học sinh có nền tảng toán và ngôn ngữ tốt hơn, phục vụ học tập và công việc sau này
Đã 15 năm anh đoạt quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2010. Với anh, việc đạt danh hiệu quán quân Olympia năm ấy có ý nghĩa như thế nào với anh?
Đó là một dấu mốc rất đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Danh hiệu quán quân Olympia không chỉ mở ra cho tôi cơ hội du học Úc, mà còn là bước đầu tiên một hành trình rất dài sau đó.
Ở Việt Nam là nhà vô địch Olympia, nhưng khi đến Australia hay sang các nước khác, chúng tôi là du học sinh bình thường như hàng nghìn người khác. Chúng tôi vẫn phải cố gắng, phấn đấu từng ngày, thậm chí còn áp lực hơn để đáp ứng được kỳ vọng của mọi người
Anh nổi tiếng trong giới du học sinh tại Australia khi chăm chỉ làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, với biệt danh “ông tổ ngành rửa bát”. Anh có thể chia sẻ chi tiết thêm về biệt danh này?
Thật ra, khi mới sang Úc, để trang trải chi phí sinh hoạt, tôi từng làm rất nhiều công việc khác nhau, bạn bè đùa gọi tôi là “ông tổ ngành rửa bát” vì tôi đã giới thiệu công việc này cho nhiều bạn du học sinh khác. Với một du học sinh chưa có nhiều kỹ năng làm việc thì tôi thấy đây cũng là một việc làm thêm có mức thu nhập tương đối tốt, có thể giúp các bạn trang trải phần nào cuộc sống.
Với tôi, việc đó không có gì đáng xấu hổ cả. Ngược lại, tôi rất tự hào vì mình đã học được tính tự lập, trân trọng công sức lao động và trưởng thành hơn rất nhiều qua những công việc tay chân ấy.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về cuộc sống của mình khi đi du học, sinh sống và làm việc ở nước ngoài?
Cuộc sống du học ban đầu không dễ dàng, nhất là về tài chính và việc thích nghi văn hóa. Tôi phải học cách quản lý thời gian, sắp xếp việc học với lịch làm thêm, làm sao để cân bằng và không kiệt sức. Nhớ lại khoảng thời gian đó, tôi làm thêm đủ các việc, từ lao động chân tay, phát tờ rơi, rửa xe, rửa bát..., đến việc tổ chức sự kiện cho khách sạn 5 sao, làm bartender, công việc nấu nướng trong bếp…
Tôi cũng có cơ duyên với lĩnh vực giáo dục khi năm 2 đã được làm trợ giảng cho giáo sư ở một số môn học, và từng trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho các bạn sinh viên khóa sau.
Sau đó thì tôi được giới thiệu công việc gia sư môn Toán và môn Khoa học cho các bạn học sinh học phổ thông tại Úc, có những giai đoạn lịch của tôi kín đến mức không nhận thêm các lớp mới do người quen giới thiệu.
Đặc biệt là những ngày Tết như thế này, những ngày ấy, đón Tết xa nhà, anh có cảm xúc hay kỷ niệm gì đặc biệt?
Những ngày cận Tết xa quê, tôi thường rất nhớ không khí gia đình, nhớ hương vị Tết cổ truyền. Nhớ nhất chắc là mâm cơm tất niên, câu chuyện vui ngày Tết và khoảnh khắc quây quần bên nhau. Ở Úc, tôi và các bạn du học sinh thường tụ họp lại, nấu những món Việt như bánh chưng, nem rán… để không quên hương vị quê nhà.
Lúc ấy, anh có gặp phải nhiều khó khăn, áp lực?
Ngoài những áp lực mà du học sinh nào cũng gặp phải đó là là nỗi nhớ nhà và gánh nặng tài chính, vì chi phí sinh hoạt ở Úc khá cao. Bên cạnh đó là áp lực học hành, nỗi sợ thất bại, nỗi lo không theo kịp chương trình học, không đạt thành tích tốt.
Các thí sinh Olympia như tôi thì có thêm áp lực chính từ sự quan tâm của mọi người. Cứ đến mỗi mùa chung kết Olympia, nhiều người lại đặt câu hỏi: “Các quán quân Olympia đang làm gì, ở đâu, đã thành đạt hay chưa, có đóng góp gì cho đất nước hay không? Có người còn gọi “Đường lên đỉnh Olympia là nơi tuyển chọn nhân tài cho nước Úc". Mỗi lần đọc được những bình luận như vậy mình cũng thấy hơi buồn.
Nhưng chính những áp lực ấy lại giúp bản thân mình được “lớn lên”, nhất là khi ở một nơi xa gia đình, không nhiều người thân thích thì việc duy nhất mình có thể làm là tự mình sốc lại tinh thần để đối mặt với những khó khăn đó.
Anh thấy, điều mình được nhận lớn nhất là gì sau khi trở thành Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2010?
Tôi nghĩ cái lớn nhất không chỉ là suất học bổng hay danh hiệu, mà là cơ hội để tiếp cận một môi trường quốc tế năng động, cũng như gặp gỡ nhiều người giỏi trong nhiều lĩnh vực. Tôi cũng học được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thử thách.
Bên cạnh đó, danh hiệu này cũng giúp tôi được mọi người biết đến nhiều hơn, đâu đó là việc có tiếng nói hơn khi tôi bắt tay làm các dự án và gặp gỡ các đối tác, bởi mọi người cũng có sự thiện chí và ủng hộ nhất định.
Nếu có một bạn trẻ hỏi anh “Làm thế nào để giỏi như anh Đức, là Quán quân Đường lên đỉnh Olympia?”, anh sẽ trả lời như thế nào?
Tôi luôn tin rằng “giỏi” không phải là một đích đến, mà là kết quả của hành trình không ngừng học hỏi và trau dồi. Tôi vẫn hay khuyên các bạn học sinh hãy luôn tò mò với những điều mới mẻ, tự tạo cho mình động lực học tập và quan trọng nhất là phải giữ tinh thần không ngại học hỏi và rèn luyện khả năng tự học.
Thực sự chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một người “giỏi” bởi theo tôi định nghĩa “giỏi” đó là từ kiến thức mình học được kết hợp với năng lực của bản thân, từ đó tạo ra giá trị gì hoặc giúp ích được bao nhiêu người trong thực tế. Tôi chưa “giỏi” vì cũng giống các bạn, tôi cũng đang đi trên hành trình này.
Vậy nên các bạn đừng “giỏi như anh Đức” mà nên “giỏi hơn anh Đức”.
Với anh, ai là người có sức ảnh hưởng lớn nhất với anh trên hành trình học tập và sự nghiệp của mình?
Gia đình chính là chỗ dựa lớn nhất và có sức ảnh hưởng sâu sắc nhất với tôi, từ cách sống đến thái độ học tập. Bố mẹ luôn ủng hộ mọi quyết định của tôi, kể cả khi tôi muốn “tự bươn chải” ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng chịu ảnh hưởng từ những người thầy, người cô tâm huyết. Họ giúp tôi hiểu rằng học không chỉ để lấy điểm, mà còn để mở mang tầm nhìn và phát triển bản thân, vượt qua những giới hạn mà trước đây mình tự đặt ra.
Những bài học quý giá mà anh nhận ra trên hành trình của mình là gì?
Tôi nghiệm ra rằng, luôn giữ tinh thần học hỏi, thế giới thay đổi rất nhanh, nên cần không ngừng tiếp thu kiến thức mới. Tiếp theo, cần kiên trì và chủ động, vì hành công chỉ đến khi ta bền bỉ và dám đương đầu với khó khăn.
Đặc biệt là cho đi để nhận lại, sống có trách nhiệm với cộng đồng, với những người xung quanh, ta sẽ nhận lại giá trị bền vững. Bên cạnh đó, cũng cần có tư duy mở và linh hoạt, trong một thế giới biến động, kỹ năng thích ứng là rất quan trọng.
Trong suốt chặng đường học tập, làm việc và phát triển của bản thân, anh có thường đặt ra cho mình những câu hỏi?
Tôi hay tự hỏi: “Hôm nay mình có gì hơn so với ngày hôm qua?”. Nghe có vẻ đơn giản nhưng điều này nhắc tôi tự kiểm tra xem mình có đang “giậm chân tại chỗ” hay không. Hơn nữa trong một thế giới phát triển quá nhanh và ngày càng cạnh tranh thì việc dừng lại không chỉ là đứng yên mà còn là bị bỏ lại phía sau.
Được biết, anh còn tham gia các hoạt động hướng nghiệp. Theo anh, người trẻ bây giờ cần phải làm như thế nào để xác định được đam mê, sự nghiệp mà mình theo đuổi?
Đầu tiên, các bạn cần chủ động trải nghiệm, thử sức ở nhiều môi trường, lĩnh vực khác nhau để khám phá bản thân.
Thứ hai, nên lắng nghe phản hồi từ những người đã thành công (và cả thất bại), người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đó, thầy cô, gia đình...
Thứ ba, hãy tự hỏi: “Mình thật sự thích điều gì? Mình sẵn sàng bỏ thời gian và công sức để theo đuổi điều gì?”
Thứ tư, đam mê không đến từ việc làm những gì mình thích, mà đến từ những việc mình không thích, những khó khăn hay thậm chí là nỗi đau nhưng mình vẫn vượt qua.
Cuối cùng, đam mê không phải lúc nào cũng “xuất hiện” ngay, mà cần được xây dựng dần thông qua quá trình nỗ lực, trải nghiệm và học hỏi.
Là người có sức ảnh hưởng đến các bạn trẻ, lại là một người làm giáo dục, anh có lời khuyên, chia sẻ như thế nào đến các bạn trẻ?
Tôi muốn khuyên các bạn trẻ hãy dám ước mơ và hành động vì ước mơ ấy, bởi đó là động lực đến từ bên trong bạn, nó cho bạn sự say mê để làm việc, phát triển bản thân một cách vô điều kiện.
Hãy trân trọng cơ hội học tập, rèn luyện năng lực tư duy, kỹ năng tự học và nên có ít nhất một ngoại ngữ.
Đừng sợ sai, đừng ngại vấp ngã, vì không cần phải đúng quá nhiều, không cần phải có nhiều thành công nhỏ mới đi đến được thành công lớn
Năm mới đến, anh đặt ra những mong muốn, kỳ vọng như thế nào cho mình?
Cá nhân tôi muốn trau dồi thêm những kỹ năng về quản lý, lãnh đạo và hợp tác để có thể phát triển đội ngũ chuyên môn một cách nhanh hơn, lớn mạnh hơn theo cả chiều rộng và chiều sâu.
Tôi cũng mong mình có cơ hội học hỏi, rèn luyện và hoàn thiện hơn về nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, vì kiến thức chuyên môn ít nhiều cũng chỉ là một phần trong hoạt động giáo dục.
Cuối cùng, tôi mong mình có thể truyền cảm hứng cho các thành viên trong dự án cũng như tất cả các bạn trẻ, giúp họ có niềm tin vào bản thân, khát vọng và sự say mê trong học tập và công việc.
Tôi mong rằng những câu chuyện của mình có thể phần nào truyền thêm động lực cho các bạn trẻ, giúp họ vững tin hơn trên con đường học tập và phát triển sự nghiệp. Chúc quý độc giả một năm mới tràn đầy sức khỏe và thành công!
Trân trọng cảm ơn anh đã chia sẻ!