Theo lệnh của tòa án, hôm 10-8, ông Trump đến trình diện tại văn phòng Tổng chưởng lý New York Letitia James, liên quan đến cáo buộc gian lận tại tập đoàn của gia đình ông.
Sau khi có mặt, ông Trump cho biết: "Tôi từ chối trả lời các câu hỏi dựa trên quyền và đặc quyền dành cho mọi công dân theo hiến pháp Mỹ".
Trong tuyên bố, ông Trump nói từng tự hỏi nếu vô tội, vì sao có người dùng quyền không trả lời câu hỏi theo tu chính án thứ 5. Cựu tổng thống nói đã nhận ra mình không có lựa chọn nào khác.
Ông Trump nói: "Khi gia đình tôi, công ty tôi, tất cả người xung quanh tôi trở thành mục tiêu của một cuộc "săn phù thủy" vô căn cứ và sặc mùi chính trị, được hậu thuẫn bởi các luật sư, công tố viên và truyền thông tin giả, tôi không có lựa chọn khác".
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rời khỏi Tháp Trump đến văn phòng Tổng chưởng lý New York sáng 10-8. Ảnh: AP
Do đó, ông Trump đã kích hoạt quyền từ chối trả lời theo Tu chính án thứ năm của Hiến pháp Mỹ. Tu chính án này quy định người được triệu tập có thể từ chối trả lời những câu hỏi mà câu trả lời có thể được sử dụng để buộc tội họ.
Báo The New York Times dẫn lời luật sư Ronald Fischetti của ông Trump cho biết ông chỉ trả lời một câu hỏi (về tên của mình) vào đầu cuộc gặp tổng chưởng lý. Sau đó, ông đọc một tuyên bố cáo buộc bà Letitia James, người ngồi đối diện ông ấy khi đó, đã có hành động "tiêu diệt" ông. Sau đó, khi bà James hỏi về hoạt động kinh doanh của Trump Organization, ông Trump lặp đi lặp lại rằng "cùng một câu trả lời" từ khoảng 9 giờ 30 phút đến khoảng 15 giờ chiều.
Tổng chưởng lý Letitia James đang tiến hành cuộc điều tra dân sự nhằm xác định xem ông Trump có thổi phồng giá trị của các bất động sản do ông nắm giữ hay không. Ảnh: AP
Tháng 12-2021, Tổng chưởng lý Letitia James gửi trát triệu tập cho ông Trump, con trai Donald Trump Jr. và con gái Ivanka, yêu cầu họ cung cấp lời khai trong cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của gia đình. Văn phòng của bà James nghi ngờ tập đoàn Trump từng khai khống giá trị một số tài sản để đảm bảo các khoản vay ngân hàng và trốn thuế.
Luật sư của gia đình Trump phản đối trát triệu tập của Tổng chưởng lý New York tại hai tòa án ở Manhattan nhưng không thành, khi thẩm phán yêu cầu cựu tổng thống và hai con hợp tác với công tố viên.
Việc ông Trump phải ra làm chứng trước yêu cầu của tòa án New York diễn ra chỉ hai ngày sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu tổng thống Mỹ ở bang Florida hôm 8-8.
Hiện tại, phía Tổng chưởng lý New York vẫn chưa đưa ra bất cứ phát ngôn nào sau tuyên bố của ông Trump. Cựu Tổng thống Trump nói ông đã bị ngăn cản vào dinh thự Mar-a-Lago ở Florida và bày tỏ nghi ngờ đặc vụ FBI có thể gài bằng chứng ở đây.
Ngoài cuộc điều tra ở New York, Trump Organization còn đang đối mặt với vụ việc do biện lý quận Manhattan dẫn đầu. Tháng 7-2021, Trump Organization và giám đốc tài chính lâu năm của tổ chức này, Allen Weisselberg, đã không nhận tội trước tòa án New York về 15 tội danh gian lận và trốn thuế.
Theo Reuters, ông Trump hiện vẫn là tiếng nói có ảnh hưởng nhất của Đảng Cộng hòa và một số nhà quan sát cho rằng cuộc khám xét của FBI chỉ giúp ông củng cố thêm vị thế đối với các cử tri Đảng Cộng hòa.