Không phải ngẫu nhiên mà Inamori Kazuo được tôn sùng là một trong những huyền thoại của giới thương nghiệp ở xứ sở mặt trời mọc.
Năm 27 tuổi, Inamori Kazuo thành lập Tập đoàn Kyocera. Chỉ trong 10 năm dưới sự quản lý tài ba của ông, từ một xưởng nhỏ, Kyocera trở thành một trong 500 công ty hàng đầu thế giới. Ở tuổi 52, Inamori Kazuo lấn sân sang lĩnh vực công nghệ cao còn khá mới mẻ với bản thân. Công ty viễn thông thứ hai cũng nằm trong top 500 công ty hàng đầu thế giới.
Cũng chính tỷ phú này là người đã “ra tay” cứu hãng hàng không Nhật Bản JAL khỏi bờ vực sụp đổ. Chỉ 424 ngày sau khi Inamori tiếp quản công việc, tình hình JAL bắt đầu khởi sắc, chuyển từ lỗ thành lãi và quay trở lại hàng ngũ top 500 thế giới.
Có thể nói, những thiên tài kinh doanh như vậy trên thế giới không nhiều. Thành công đến với Inamori không chỉ đơn giản bằng tài năng thiên phú, mà phần lớn nhờ vào sự chăm chỉ và nỗ lực phi thường của bản thân ông. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, ông đã có những cái nhìn sâu sắc về quản trị kinh doanh, về nhân sinh và về thành bại trong cuộc đời.
Từng chiêu mộ hàng vạn nhân viên trong suốt chặng đường dài khởi nghiệp, ông đã có những chia sẻ thẳng thắn về cách chọn nhân viên và quản trị doanh nghiệp. Dưới đây là những lời khuyên của ông dành cho những nhà lãnh đạo trẻ.
Tỷ phú Inamori Kazuo cho rằng những nhà lãnh đạo chỉ muốn chọn những người tài có năng lực và trình độ xuất sắc mà xem những nhân viên bình thường nhưng có tư cách tốt là không có giá trị, là những nhà lãnh đạo thiển cận. Theo ông, trên thực tế, những nhân viên bình thường nhưng luôn trung thành và tận tụy đó mới chính là tài sản quý giá nhất của công ty. "Người khôn ngoan thể hiện sự khôn ngoan của mình, người không khôn ngoan thể hiện bằng mồ hôi của họ".
Có những nhân tài xuất chúng, doanh nghiệp như “hổ mọc thêm cánh thêm cánh”, giúp công ty phát triển. Tuy nhiên, nhân viên có thể gắn bó trọn đời, đồng hành và hỗ trợ lâu dài cho sự phát triển của công ty lại là những nhân viên bình thường nhất. Sự bền vững của doanh nghiệp phụ thuộc vào những người chăm chỉ và tận tụy như họ.
Ngoài ra, những nhân viên làm việc tốt nhưng không có bằng cấp cũng cần được chú ý. Theo tỷ phú Inamori Kazuo “bằng cấp rất quan trọng” nhưng không có nghĩa là họ không có năng lực. Nếu xem nhẹ những người này, tập thể có khả năng sẽ tan rã.
Dựa trên kinh nghiệm trên thương trường của bản thân, “thần kinh doanh Nhật Bản” cũng chia sẻ bí quyết tuyển chọn “cánh tay phải” cho các nhà lãnh đạo. Theo ông, một nhà lãnh đạo cần lưu ý đến 3 điều kiện quan trọng khi chọn cấp phó cho mình:
1. Phẩm chất tốt
Inamori Kazuo cho rằng một lãnh đạo thông minh là người biết chọn ra những người có chính trực, nghiêm túc làm cấp phó cho mình. Họ có thể không tài giỏi bằng một số người nhưng họ cần phải là người biết tạo dựng mối quan hệ, được mọi người yêu quý để làm cầu nối giữa cấp trên và cấp dưới. Người này cần có “nhân”, “chính” và" trung thực ". Những người thiếu phẩm chất trên dù có năng lực thì cũng chỉ biết thể hiện mình, không quan tâm đến xung quanh, không thể dùng được.
2. Hiểu biết về công việc kế toán
Kế toán ở đây là kế toán quản trị cần có khi điều hành doanh nghiệp. Người này cần phải có khả năng tính toán vững vàng, hiểu rõ các khoản mục trên bảng cân đối kế toán, báo cáo lãi lỗ… Có như thế mới có thể nhằm nắm bắt các vấn đề về thực trạng, đặc biệt thực trạng tài chính của doanh nghiệp, qua đó phục vụ công tác quản trị nội bộ và ra quyết định quản trị.
3. Phải giỏi lắng nghe
Theo tỷ phú Inamori Kazuo, người biết lắng nghe là người giỏi tập hợp trí tuệ của đám đông để từ đó đưa ra những quyết định hợp lý. Trong các khả năng của một nhà lãnh đạo, tố chất hàng đầu là tầm nhìn. Do đó, cánh tay phải của họ cũng phải biết nhìn xa trông rộng, thận trọng, bản lĩnh vững vàng, xử sự công minh vị tha. Trí tuệ và tài hùng biện chỉ đứng hàng thứ tư.
(Theo Zhihu)