"10 năm trước, tình hình hoàn toàn khác hiện tại", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hôm 29/2, đề cập tới tiềm năng kinh tế của các quốc gia thành viên khối BRICS so với nhóm các nền kinh tế phát triển G7.
Cụ thể, ông chủ điện Kremline cho biết, năm 2022, các nước BRICS vượt qua G7 về tỷ trọng GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) với tỷ lệ lần lượt là 31,5% và 30,3%.
Trong đó, PPP là thước đo phổ biến để so sánh năng suất kinh tế và mức sống giữa các quốc gia dựa trên sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ. So sánh với 10 năm trước, vào năm 1992, tỷ trọng GDP của BRICS chỉ ở mức khoảng 16,5%.
Tổng thống Putin ước tính đến năm 2028, tỷ trọng của BRICS sẽ tăng lên 36,6% vào năm 2028, còn G7 sẽ giảm xuống 27,8%.
Thông tin được ông Putin đưa ra khi đọc Thông điệp Liên bang tới Quốc hội Liên bang, cơ quan lập pháp quốc gia của Nga. Bài phát biểu diễn ra tại Gostiny Dvor, trung tâm thủ đô Moskva (Nga).
Bài phát biểu được ông Putin đưa ra trong bối cảnh Nga chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống hai tuần tới. Ông Putin tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, cạnh tranh với lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Leonid Slutsky, nghị sĩ Vladislav Davankov và nghị sĩ Nikolay Kharitonov.
Nhóm BRICS gồm các nền kinh tế mới nổi, trước đây gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và mở rộng vào năm 2023 khi kết nạp thêm Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ả Rập Xê-út cũng được mời gia nhập khối và chuẩn bị trở thành thành viên. Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến BRICS và một số quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập khối kinh tế này.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ trọng GDP toàn cầu của các nước G7 (bao gồm Canada, Pháp, Nhật Bản, Ý, Mỹ, Anh và EU) tính theo PPP liên tục giảm trong nhiều năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống 30,39% vào năm 2022. IMP dự đoán con số này sẽ giảm xuống còn 29,44% trong năm 2024.