Giá vàng trong nước bỏ xa thế giới
Giá vàng thế giới đang đứng im chờ báo cáo tác động tới xu hướng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) như báo cáo chỉ số tiêu dùng cá nhân. Thế nhưng ngày cuối cùng của tháng 2, thị trường vàng trong nước lại chứng kiến sự tăng giá chóng mặt của cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn.
Sáng 29/2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hai lần điều chỉnh tăng giá vàng miếng. Lúc 9h50, giá mỗi lượng vàng miếng SJC tăng thêm 700.000 đồng cả hai chiều mua - bán, lên 78 - 80 triệu đồng/lượng. Đây là mức cao nhất của giá vàng miếng từ đầu năm 2024 nhưng chưa bằng đỉnh được lập vào ngày 26/12 năm ngoái.
Tuy nhiên, mức 80 triệu đồng/lượng không giữ được lâu. Khi giá vàng miếng lên gần đỉnh cũ, lượng bán ra tăng khiến giá vàng miếng đảo chiều giảm chỉ sau nửa tiếng. Lúc 10h10, SJC niêm yết giá 77,7 - 79,7 triệu đồng/lượng và kết thúc phiên giao dịch trong ngày về còn 77,5 - 79,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn liên tục được điều chỉnh tăng từ sáng đến chiều. Tại SJC, giá nhẫn trơn lên 64,1 - 65,3 triệu đồng. Bảo Tín Minh Châu nâng giá vàng nhẫn lên gần 65,4 - 66,5 triệu đồng lượng mua vào - bán ra. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.
Giá vàng trong nước đang tăng nhanh và mạnh hơn thế giới từ đầu tuần đến nay. Hiện, giá vàng thế giới mỗi ounce neo quanh mức 2.036 USD. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 61 triệu đồng/lượng. Theo đó, vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 18,7-19 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn cao hơn 4-5 triệu đồng/lượng.
Sau gần 2 tháng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu có biện pháp đối với thị trường vàng, giá vàng trong nước vẫn ngày càng trở nên đắt đỏ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, trong bối cảnh giá vàng thế giới được dự báo tăng khi những biến động về chính trị, bầu cử tổng thống Mỹ, khủng hoảng Ukraine…, đặc biệt chính sách tiền tệ của Fed, nhiều chuyên gia dự báo giá vàng trong nước sẽ lập kỷ lục mới nếu không có sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước.
Nguồn cung khan hiếm
Giá vàng tăng bất thường, nhất là mặt hàng nhẫn tròn trơn liên tục lập kỷ lục mới trong khi sức mua thời điểm này không lớn như ngày vía Thần Tài cách đây 10 ngày. Nhiều cửa hàng đã thông báo hết vàng nhẫn.
Những ngày này, tại nhiều cửa hàng vàng có tiếng trên các "phố vàng" ở Hà Nội như: Hà Trung (Hoàn Kiếm), Giang Văn Minh (Ba Đình), Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng)…, khách hỏi mua nhẫn tròn trơn đều thông báo hết hàng hoặc không có hàng. Tại chi nhánh SJC miền Bắc trên phố Giang Văn Minh, nhân viên ở đây cho biết, không còn nhẫn tròn trơn. Khi PV hỏi loại vàng miếng SJC 1 chỉ cũng nhận được câu trả lời không có. Trên phố Trần Nhân Tông, loại vàng nhẫn 1 chỉ cũng được nhiều cửa hàng thông báo hết hàng.
Tình trạng thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang trong đó có vàng nhẫn đã được Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị và cảnh báo từ nửa cuối năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân giá vàng nhẫn tăng mạnh suốt từ năm 2023.
Khoảng 10 năm nay, doanh nghiệp trong nước có hai cách để sản xuất vàng nữ trang và mỹ nghệ, trong đó có nhẫn tròn trơn. Doanh nghiệp mua lại vàng theo hóa đơn bán ra của các doanh nghiệp hoặc mua theo hóa đơn của doanh nghiệp khai thác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mua vàng theo bảng kê hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn hay còn gọi vàng trôi nổi.
10 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định 24, doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, nguồn thu mua vàng trên thị trường là nguồn duy nhất để doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, điều này đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế phải dùng nguồn vàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc để chế tác vàng nữ trang. Có nhiều vụ buôn lậu vàng được Bộ Công an triệt phá, nhất là các vụ với số lượng lớn gần đây, dẫn đến không thể phủ nhận thực tế hằng năm có lượng lớn vàng lậu chảy vào Việt Nam và được tiêu thụ.
Ông Khánh cho rằng, việc siết các vụ buôn lậu và điều tra của Bộ Công an gần đây khiến nhiều doanh nghiệp trong nước e ngại. Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh vàng nhập hàng có hóa đơn nguồn gốc rõ ràng nên không có vàng sản xuất vàng nhẫn.
Ngoài ra, nhu cầu có phần tăng lên của người dân với nhẫn tròn trơn, theo nhiều chuyên gia, cũng khiến mặt hàng này nhanh chóng khan hàng vào dịp cao điểm. Một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn khi họ đang chờ đợi các quy định mới về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không hoặc các cách thức can thiệp để giảm chênh lệch giá vàng miếng so với giá vàng thế giới, theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời, trong bối cảnh lãi suất thấp, nhiều người chuyển sang đầu tư vàng.
Dù giá vàng SJC hay vàng nhẫn tăng mạnh những ngày này nhưng người dân mua vàng vào ngày vía Thần Tài vẫn lỗ bởi các doanh nghiệp để mức mua vào - bán ra chênh cao. Theo đó, giá vàng miếng SJC chênh 2 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn 1,1 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.