Tài chính

Ông Powell đã nói gì trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ và tại sao điều đó lại quan trọng với thị trường tài chính?

Chưa quyết định nào được đưa ra

6 tháng 1 lần, ông Powell vừa có phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện và Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ để nói về những gì FED đang làm và tác động của nó với nền kinh tế. Dựa vào những gì vị Chủ tịch FED nêu ra, có thể thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn dự kiến nhưng lạm phát cũng cho thấy “sự bền bỉ” hơn so với những gì mà người ta vẫn nghĩ.

Ông Powell cho biết ông và các chủ tịch Cục dự trữ liên bang địa phương đã sẵn sàng đối phó với các vấn đề của nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất và sẽ tăng nhanh hơn nữa nếu cảm thấy cần thiết. Dù vậy, ông Powell vẫn khẳng định chưa có quyết định nào được đưa ra trước cuộc họp vào 22/3 của FED. Mọi quyết định đều phải dựa trên những con số thực tế từ nền kinh tế, vốn sẽ được công bố trong tuần tới.

Ông Powell đã nói gì trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ và tại sao điều đó lại quan trọng với thị trường tài chính? - Ảnh 1.

Việc ông Powell nói rằng cơ quan này có thể tiếp tục tăng lãi suất với biên độ lớn khiến nhiều nhà đầu tư kinh ngạc. “Nếu tất cả các dữ liệu đều chỉ ra cần thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, chúng tôi sẽ sẵn lòng nâng biên độ tăng lãi suất”, ông Powell nói trước các nhà lập pháp nhưng vẫn thận trọng để thị trường hiểu là chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.

Dù ông Powell tránh khẳng định bất cứ điều gì, thị trường vẫn nghĩ rằng FED có thể tăng lãi suất thêm 0,5% vào tháng 3 nếu dữ liệu được công bố trong những ngày tới cho thấy nền kinh tế vẫn đang nóng. Năm ngoái, FED thực hiện 4 lần tăng lãi suất 0,75 nhưng đã hạ biên độ xuống còn 0,5% sau cuộc họp tháng 12 và 0,25% trong cuộc họp tháng 2. Một số quan điểm cho rằng FED có thể duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Ở thời điểm hiện tại, mọi sự chú ý đang đổ dồn về báo cáo việc làm, dự kiến được công bố ngày 10/3 cùng số liệu lạm phát mới, dự kiến được công bố ngày 14/3.

Lãi suất còn có thể cao hơn

Trong 2 ngày điều trần, ông Powell nói với các nhà lập pháp ở cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ rằng: “Dữ liệu kinh tế mới nhất đang mạnh hơn dự kiến, điều này cho thấy mức lãi suất cuối kỳ có thể cao hơn những suy đoán trước đó”. Một cảnh báo nhưng vậy cho thấy khả năng FED sẽ nâng lãi suất lên từ 5-5,25%.

Sự kiên cường của nền kinh tế khiến FED lo ngại rằng những nỗ lực hạ nhiệt của họ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Điều này cũng khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng lãi suất cuối kỳ của FED có thể đạt 5,5% trong năm 2023. Số ít thì lo ngại lãi suất có thể lên tới 6,25%.

Ông Powell đã nói gì trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ và tại sao điều đó lại quan trọng với thị trường tài chính? - Ảnh 2.

Thực tế, FED hy vọng lãi suất cao làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, bao gồm cả hạ nhiệt thị trường việc làm để kìm hãm đà tăng trưởng tiền lương nhằm hạ nhiệt lạm phát. FED dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ có thể sẽ tăng cao. Tuy nhiên, ông Powell từ chối nói rằng FED muốn điều đó.

Chủ tịch FED nhấn mạnh chu kỳ kinh tế hiện nay rất khác so với những chu kỳ trước. Đại dịch đã làm xáo trộn mọi thứ và thị trường việc làm có thể chậm lại đáng kể mà không dẫn đến tình trạng sa thải nhân công trên diện rộng. Trong cuộc tranh luận gay gắt với Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Đảng viên Đảng Dân chủ Massachusetts, ông Powell cũng nhấn mạnh rằng sẽ rất tồi tệ cho người lao động nếu FED không kiểm soát được lạm phát.

“Lạm phát đang ở mức cực cao và nó gây tổn hại nặng nề cho người lao động Mỹ. Chúng tôi đang thực hiện biện pháp duy nhất để có thể ghìm cương lạm phát”, ông Powell nói.

Trần nợ là rủi ro lớn

Ông Powell cũng được hỏi về cuộc tranh luận sắp tới trong Quốc hội Mỹ nhằm nâng trần nợ quốc gia của Mỹ. Chính phủ Liên bang Mỹ đã đạt tới trần nợ vào ngày 19/1 và đang phải sử dụng các biện pháp kế toán đặc biệt nhằm đảm bảo việc thanh toán các hóa đơn không bị gián đoạn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ dự kiến sẽ “lực bất tòng tâm” vào mùa hè này nếu trần nợ công không được nâng lên.

Ông Powell đã nói gì trong 2 ngày điều trần trước Quốc hội Mỹ và tại sao điều đó lại quan trọng với thị trường tài chính? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện và những người Dân chủ đang chiếm đa số ở Thượng viện và giành quyền lãnh đạo Nhà Trắng, lại đang bất đồng sâu sắc trong việc tìm ra tiếng nói chung. Phía đảng Cộng hòa khẳng định họ sẽ không đồng ý tăng trần nợ công trừ khi Chính quyền của Tổng thống Joe Biden phải cắt giảm sâu chi tiêu, điều mà Tổng thống nói rằng ông sẽ không bao giờ làm.

Các nhà phân tích cảnh báo viễn cảnh nước Mỹ không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công sẽ tạo ra một “thảm họa tài chính”, đủ làm chao đảo thị trường toàn cầu chứ không riêng ở Mỹ. Và viễn cảnh đó cũng là bài toán khó cho FED trong việc điều hành chính sách lãi suất.

“Quốc hội tăng trần nợ chính là giải pháp duy nhất. Không ai nên cho rằng FED có thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ khi không thể thanh toán các hóa đơn”, Chủ tịch FED nhấn mạnh.

Tham khảo: NYTimes

Cùng chuyên mục

Đọc thêm