Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 26-4, ông Dương Công Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank, đã trả lời về vấn đề này.
Ông Minh cho biết Sacombank phải hoàn được vốn điều lệ, và nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì khi đó mới đủ điều kiện chia cổ tức.
"Theo quy định pháp luật, phải hoàn được vốn điều lệ thì mới tái cơ cấu thành công. Chúng tôi đã xử lý xong Khu công nghiệp Phong Phú, đã bán khoản nợ. Họ đã thanh toán một nửa số tiền mua nợ.
Hiện nay, quan trọng là hoàn vốn điều lệ và xử lý nợ xấu. Còn số nợ liên quan đến ông Trầm Bê phải chờ Chính phủ cho phép. Chắc chắn trong năm nay sẽ hoàn thành việc này. Nếu như hoàn được vốn, Sacombank sẽ hoàn thành tái cơ cấu trong năm nay", ông Dương Công Minh nói.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng đang thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập. Vướng mắc cuối cùng còn lại liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê.
Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng, với lợi nhuận chưa phân phối lên đến gần 18.400 tỉ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Do đó, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo.
"Hội đồng quản trị rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang rất nỗ lực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức. Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá cổ phiếu STB của Sacombank đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua cũng phần nào bù đắp cho cổ đông", bà Diễm nói.
Tại đại hội, nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về dư nợ tại Bamboo Airways.
Tổng giám đốc Sacombank thông tin, dư nợ của Bamboo Airways tại ngân hàng tới ngày 25-4 còn lại 3.583 tỉ đồng và nằm nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn). Trước đây, khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo Airways và tài sản của Tập đoàn FLC. Nhưng sau khi nhóm cổ đông mới vào Bamboo Airways, ngân hàng đã thuyết phục họ đưa thêm tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Do vậy, hiện dư nợ của Bamboo Airways được đảm bảo bằng 100% bất động sản mới, cộng thêm bất động sản cũ và các cổ phiếu trước đây đã thế chấp.
"Chắc chắn khoản vay của Bamboo Airways không thể nào mất vốn. Tài sản đảm bảo mà chúng tôi nhận là tài sản tại TP.HCM và có giá trị, thanh khoản cao", bà Diễm nói.
-
Sacombank ‘ngâm’ cổ tức: Cổ đông mong, vì sao ngân hàng chưa chia?ĐỌC NGAY
Còn với Công ty cổ phần LDG (doanh nghiệp có lãnh đạo vừa bị bắt), có dư nợ tính tới 24-4-2024 tại Sacombank là 690 tỉ đồng và thuộc nợ nhóm 1. Ngân hàng đã trích lập dự phòng theo đúng quy định. Các tài sản đảm bảo, theo bà Diễm cho biết, là bất động sản có giá trị rất cao.
Tại đại hội, cổ đông cũng chất vấn vì sao Sacombank đặt kế hoạch lợi nhuận 2024 quá thấp. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết mục tiêu này là thấp so với các ngân hàng khác, tuy nhiên phù hợp với bối cảnh ngân hàng dành nguồn lực tái cấu trúc.
"Chiến lược của Sacombank là phát triển an toàn, bền vững. Kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng trên dự báo vốn vay thấp.
Vì tín dụng toàn ngành quý 1 chỉ tăng 0,26%, rủi ro nợ xấu cũng tăng. Do đó định hướng của Sacombank là đồng hành khách hàng để cung ứng vốn ra thị trường.
Đồng thời, Sacombank cũng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4.300 tỉ đồng trong năm 2024", bà Diễm cho biết thêm.