Doanh nghiệp

Ông chủ của nhà máy điện gây thiệt hại cho EVN hơn 900 tỷ đồng có quy mô thế nào?

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo); ông Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện) cùng 9 đồng phạm khác về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Được ưu ái về giá, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam của Trung Nam Group được xác định đã gây thiệt hại cho tập đoàn EVN hơn 900 tỷ đồng

Được ưu ái về giá, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam của Trung Nam Group được xác định đã gây thiệt hại cho tập đoàn EVN hơn 900 tỷ đồng

Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam với công suất thiết kế 450 MW do Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam làm chủ đầu tư (DN thuộc Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group)) được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh, thay vì giá 7,09 Uscents/kWh, qua đó gây thiệt hại cho tập đoàn EVN hơn 900 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam được thành lập tháng 7/2017 với số vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng do 3 cổ đông tổ chức góp vốn là Công ty CP Thủy điện Trung Nam KRông Nô góp 1,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam góp 1,5 tỷ đồng và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam góp 7 tỷ đồng, tương đương 70% vốn góp.

Đến tháng 6/2018, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Thủy điện Trung Nam KRông Nô và Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam mỗi doanh nghiệp góp 150 tỷ đồng tương đương 15% vốn góp. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam góp 700 tỷ đồng, tương đương 70% vốn góp. Ông Nguyễn Tâm Thịnh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) được thành lập từ tháng 11/2004, hiện là một tập đoàn đa ngành với hàng chục công ty thành viên, gồm 5 lĩnh vực hoạt động là Năng lượng, Hạ tầng, Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử.  

Cùng với việc mở rộng về quy mô hoạt động, những năm gần đây Trungnam Group cũng liên tục tăng mạnh về vốn điều lệ. Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vào tháng 12/2020, Trungnam Group tăng mạnh vốn điều lệ từ 4.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng, cơ cấu góp vốn cụ thể của các cổ đông không được tiết lộ.

Đến tháng 4/2021, Trungnam Group tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 14.825 tỷ đồng. Trong lần thay đổi vốn điều lệ gần nhất vào tháng 1/2021, Trungnam Group tăng vốn điều lệ từ 14.825 tỷ đồng lên hơn 20.940 tỷ đồng. Trong lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp mới nhất, Chủ tịch Nguyễn Tâm Thịnh sinh năm 1973 được bổ nhiệm là người đại diện theo pháp luật thay cho Tổng giám đốc Nguyễn Tâm Tiến.

Trong khi đó, theo số liệu từ báo cáo tài chính năm 2022 được công bố với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trungnam Group có vốn chủ sở hữu hơn 27.914 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần tương đương số nợ hơn 68.110 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,82 lần trong năm 2021 lên 0,87 lần tương đương dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là hơn 24.285 tỷ đồng.

Trong khi nợ phải trả và nợ trái phiếu tăng mạnh thì lợi nhuận của Trungnam Group lao dốc trong năm 2022. Cụ thể, sau khi ghi nhận lãi hơn 1.634 tỷ đồng trong năm 2021, sang năm 2022, lợi nhuận của Trungnam Group giảm chỉ còn 255 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm