CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - NVL) phát đi thông báo cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị tư vấn như EY - Parthenon, Công ty luật YKVN đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện nhằm ứng phó với tình hình khó khăn hiện tại.
Một trong những thay đổi đáng chú ý được đưa ra là ông Bùi Thành Nhơn sẽ trở lại với cương vị là Chủ tịch HĐQT Novaland và là người đại diện pháp luật. Novaland dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại "vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức".
Trước đó, vào tháng 1/2022, ông Nhơn đã chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐQT cho ông Bùi Xuân Huy. Khi đó, ông Nhơn cho biết sẽ trao quyền xây dựng chiến lược phát triển cho bộ máy điều hành quản lý mới, còn mình tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ NovaGroup.
Việc ông Nhơn trở lại, theo thông cáo là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup - cổ đông lớn nhất của Novaland đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Novaland sẽ xin ý kiến cổ đông để thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên từ 7 xuống 5 trước khi bầu lại thành viên HĐQT.
Ông Bùi Thành Nhơn cho biết sẽ trở lại làm Chủ tịch của Novaland
Mới đây, Chủ tịch đương nhiệm Novaland là ông Bùi Xuân Huy đã có thư gửi khách hàng. “Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và đang cùng với cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu (Ernst & Young, KPMG, Công ty Luật YKVN) làm việc ngày đêm để giúp NVL rà soát, cân đối lại dòng tiền để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án trọng điểm đang triển khai như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án bất động sản trung tâm Tp.HCM”.
Novaland là một trong 8 tổng công ty thành viên của NovaGroup – tiền thân là Công ty TNHH Thành Nhơn do ông Nhơn thành lập năm 1992. Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Novaland đang có tổng tài sản xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. Doanh thu chín tháng đầu năm đạt hơn 7.900 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.050 tỷ đồng.
Sau thông tin NovaGroup sẽ chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu để có nguồn tiền cân đối tài chính, NVL đảo chiều đi lên và đang có chuỗi tăng trần hai phiên liên tiếp lên 23.350 đồng/cp (kết phiên giao dịch ngày 30/11).
Không chỉ bứt phá về giá, giao dịch cổ phiếu NVL cũng bùng nổ với khối lượng giao dịch thoả thuận kỷ lục gần 72 triệu đơn vị trong phiên 30/11, cộng thêm hơn 23 triệu cổ phiếu giao dịch trên kênh khớp lệnh thì KLGD trong phiên đạt 95 triệu đơn vị. Tổng cộng giá trị giao dịch trên NVL đạt hơn 2.100 tỷ đồng, chiếm hơn 1/9 thanh khoản sàn HoSE.
Trước đó, phiên 22/11 vừa ghi nhận kỷ lục về thanh khoản khớp lệnh của NVL khi gần 129 triệu đơn vị được giao dịch, ứng với giá trị 3,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% thanh khoản khớp lệnh trên HoSE.
Như vậy, sau quãng giảm sàn 17 phiên liên tiếp, 2 phiên tăng trần gần nhất giúp thị giá NVL lấy lại gần 10% giá trị từ đáy, tương ứng vốn hóa thị trường lấy lại gần 6.000 tỷ đồng. Dù vậy, mức vốn hóa hơn 45.500 tỷ đồng doanh nghiệp bất động sản này ở thời điểm hiện tại đã giảm tới 75% so với đỉnh đạt được hồi tháng 6/2021.