Tài chính

Ôm nợ 5.000 tỷ đồng, GreenFeed Việt Nam của ông Lý Anh Dũng kinh doanh ra sao?

Thoát lỗ trong nửa đầu năm 2024

Theo thông tin định kỳ được công bố, Cổ phần GreenFeed Việt Nam ghi nhận bức tranh tài chính có nhiều điểm cải thiện tích cực ngay trong trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, công ty báo lãi 655 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với khoản lỗ gần 20 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của GreenFeed Việt Nam đạt 4.574 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của GreenFeed.

Tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2024 của GreenFeed.

Đáng nói, đi cùng với tình hình kinh doanh cải thiện là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty cũng sụt giảm so với kỳ trước; từ 1,56 xuống còn 1,11 lần. Như vậy, tổng nợ phải trả của công ty tính đến cuối tháng tháng 6/2024 đạt 5.077 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu là khoảng 700 tỷ đồng.

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), GreenFeed Việt Nam hiện đang lưu hành một lô trái phiếu duy nhất có mã GFVCH212800, phát hành vào ngày 3/11/2021, với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 84 tháng và sẽ đáo hạn vào ngày 15/06/2028. Trái phiếu này có lãi suất phát hành là 6,53%/năm và được trả lãi định kỳ mỗi 6 tháng.

Theo GreenFeed, số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được dùng để đầu tư, mở rộng quy mô mảng kinh doanh chăn nuôi heo giống và heo thương phẩm, đồng thời mở rộng mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Ngày 17/6/2024, GreenFeed Việt Nam đã mua lại 300 tỷ đồng trong tổng số 1.000 tỷ đồng trái phiếu còn lưu hành của lô GFVCH212800, giảm dư nợ xuống còn 700 tỷ đồng.

Năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi của công ty ghi nhận đạt 1,4 triệu tấn.

Năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi của công ty ghi nhận đạt 1,4 triệu tấn.

Theo báo cáo bền vững năm 2023 của GreenFeed, doanh thu của công ty đạt 22.584 tỷ đồng; trong đó đóng góp vào ngân sách 527 tỷ đồng. Cũng trong năm 2023, sản lượng thức ăn chăn nuôi của công ty ghi nhận đạt 1,4 triệu tấn; 500 tấn phân bón hữu cơ được cung cấp cho người dân. Công ty đã vận hành 12 nhà máy và 43 trang trại.

"Tay chơi" thuần Việt trong ngành chăn nuôi

Năm 2003, ông Lý Anh Dũng đã thành lập Greenfeed chuyên hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Đến năm 2009, công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần, bắt đầu vận hành các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Campuchia.

Sang năm 2019, công ty rẽ hướng sang mảng thực phẩm với sự ra mắt thương hiệu thịt mát G và các sản phẩm chế biến. Sang năm 2021, thông qua khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng từ IFC, GreenFeed Việt Nam tiếp tục mở rộng hoạt động chăn nuôi và sản xuất thịt heo.

Trong năm 2022, công ty đã thực hiện mạnh mẽ hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) với Công ty TNHH LeBoucher và Công ty sản xuất thuốc thú y Việt Thọ. Trong hơn 20 năm vận hành, công ty đã liên tục mở rộng và vận hành các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam Campuchia, Myanmar, Lào.

Ông Lý Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT GreenFeed Việt Nam.

Ông Lý Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT GreenFeed Việt Nam.

Ngoài GreenFeed Việt Nam ông Lý Anh Dũng còn là Chủ tịch Công ty TNHH Thương Mại Quang Dũng (QDFeed), doanh nghiệp được thành lập từ năm 1999, chuyên kinh doanh các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Lý Anh Dũng còn được biết đến là người đồng sáng lập CTCP Phân phối công nghệ Quang Dũng (QDTek). QDTek là công ty phân phối hạ tầng công nghệ thông tin, IT, thiết bị giám sát an ninh, viễn thông và hạ tầng điện tại Việt Nam.

Mặc dù liên tục mở rộng trong nhiều năm qua, nhưng quy mô của Greenfeed Việt Nam vẫn còn khá lép vế so với các "ông lớn" cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán cũng như các tập đoàn lớn đến từ nước ngoài.

Theo một thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, chỉ có khoảng 85 nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài (32%) nhưng chiếm đến 65% thị phần, trong khi doanh nghiệp Việt chiếm ưu thế về số lượng nhưng lại nắm miếng bánh thị phần rất nhỏ, chỉ còn khoảng 35%.

Trong đó, một trong những "đối thủ" của GreenFeed phải kể đến là CP Group - "gã khổng lồ" ngoại tấn công vào thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam từ rất sớm vào năm 1993. Đến nay, CP đang giữ vị trí là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất, dẫn đầu thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam với 9 nhà máy trên toàn quốc…

Năm 2023, ngành chăn nuôi đạt tăng trưởng 5,72% và trong vòng 10 năm qua, ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 4 - 6%.

Năm 2023, ngành chăn nuôi đạt tăng trưởng 5,72% và trong vòng 10 năm qua, ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 4 - 6%.

Theo Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi là một trụ đỡ quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2023, ngành chăn nuôi đạt tăng trưởng 5,72% và trong vòng 10 năm qua, ngành luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 4 - 6%.

Ngành chăn nuôi không chỉ đảm bảo sinh kế cho hàng triệu hộ gia đình, mà còn cung cấp thực phẩm cho 100 triệu người dân, hơn 10 triệu khách du lịch và góp phần xuất khẩu. Doanh thu toàn ngành chăn nuôi năm 2023 đạt hơn 33 tỷ USD, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% vào tổng GDP quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi, sau Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga và Tây Ban Nha.

Trong giai đoạn 2019 - 2023, số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh của nước ta không thay đổi nhiều, khoảng 260 - 270 nhà máy, sản xuất khoảng 21 triệu tấn thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh. Điều này cho thấy rằng, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang tối ưu hóa, tăng năng suất và chất lượng.

Trong bối cảnh đó, bức tranh tài chính có nhiều điểm tích cực của GreenFeed Việt Nam cho thấy khả năng mở rộng và tăng trưởng của công ty trong ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, mặc dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn lớn nước ngoài…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm