Tài chính

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" xé thỏa thuận: Toàn EU hành động, Kiev lộ kế hiểm nhất để chặn Nga

Quyết định "xé thỏa thuận"

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 12/12 đưa tin, tập đoàn năng lượng OMV (Áo) vừa tuyên bố chấm dứt hợp đồng dài hạn với tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) sau khi phía Nga ngừng giao hàng vào tháng trước.

Hợp đồng này vốn được 2 phía ký kết vào năm 2006 và có hiệu lực tới năm 2040 nhưng nay đã bị cắt đứt. OMV giải thích cho quyết định của mình rằng "Gazprom Export đã vi phạm nghiêm trọng nhiều nghĩa vụ hợp đồng trong thời gian qua".

Chính phủ Áo hiện sở hữu 31,5% cổ phần của OMV, trong khi chính phủ Nga nắm giữ khoảng 50% cổ phần của Gazprom. Do đó, các vấn đề xảy ra không chỉ đơn thuần là tranh chấp giữa hai tập đoàn, mà đã kéo theo phản ứng từ chính phủ hai nước.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" xé thỏa thuận: Toàn EU hành động, Kiev lộ kế hiểm nhất để chặn Nga- Ảnh 1.

OMV đã quyết định xé thỏa thuận với Gazprom, đại diện cho đòn giáng của Áo nhằm vào Nga. Ảnh: Inventure

Trước đó, hôm 13/11, OMV cho biết đã được trọng tài phán quyết thắng kiện tại Đức trong vụ kiện chống lại Gazprom vì không cung cấp khí đốt đúng quy định cho đơn vị của OMV ở Đức năm 2022. Khoản bồi thường mà Gazprom phải trả lên tới 230 triệu euro (gần 6.000 tỷ đồng tiền Việt Nam). OMV tuyên bố sẽ thực hiện các bước để thi hành ngay phán quyết này.

Không lâu sau, tập đoàn Áo đã tịch thu lượng khí đốt trị giá 230 triệu euro từ Gazprom trong tháng 10. Đây là lần đầu tiên, một khách hàng trong Liên minh châu Âu (EU) không trả tiền mua khí đốt cho Gazprom.

Phản ứng trước diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích hành động của OMV khi không thanh toán tiền khí đốt cho Gazprom là "không đẹp và không công bằng". Bà nói Nga "không có ý định làm từ thiện trong trường hợp này".

Thủ tướng Áo tuyên bố "không để Nga đe dọa"

"Chúng tôi thông báo chấm dứt hợp đồng cung cấp khí đốt tự nhiên dài hạn với Gazprom Export do liên quan tới việc tập đoàn Nga có nhiều vi phạm cơ bản về nghĩa vụ hợp đồng. Quyết định chấm dứt này có hiệu lực ngay lập tức" – OMV thông báo.

Theo Reuters, bước đi này của OMV đã chính thức chấm dứt mối quan hệ gắn bó hơn 50 năm với tập đoàn Nga.

OMV vốn là một trong số ít những khách hàng còn lại ở châu Âu mua khí đốt Nga. Gazprom đã mất gần hết khách hàng ở châu lục này sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ năm 2022. Do đó, đây cũng đồng thời được xem là đòn giáng nhằm vào trụ cột kinh tế của Nga.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" xé thỏa thuận: Toàn EU hành động, Kiev lộ kế hiểm nhất để chặn Nga- Ảnh 2.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer tuyên bố "không để Nga đe dọa". Ảnh: Financial Times

Không bao lâu sau thông báo của OMV, Thủ tướng Áo Karl Nehammer tuyên bố nước này "sẽ không để mình bị Nga đe dọa".

"Người Nga muốn sử dụng năng lượng như một vũ khí chống lại chúng ta. Rất tiếc, nó không hiệu quả. Gazprom đã không làm đúng như hợp đồng, vì thế, thỏa thuận vốn được kéo dài tới năm 2040 đã bị OMV cắt đứt ngay lập tức. Nguồn cung năng lượng của chúng ta vẫn an toàn vì chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Áo sẽ không để mình bị Nga đe dọa" – Ông Nehammer viết trên mạng xã hội X, đồng thời "gắn tag" tài khoản chính thức của tập đoàn OMV.

Người đứng đầu Bộ Khí hậu Áo Leonore Gewessler cũng hoan nghênh quyết định của OMV. Bà cho biết đây là một bước tiến lớn hướng tới sự độc lập về năng lượng của Áo.

Theo tờ The Economist, Áo từng là "người bạn tốt nhất" của Nga ở phương Tây và được coi là "pháo đài Alpine thực sự của Tổng thống Putin". Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên căng thẳng.

Toàn EU hành động chống Nga

Bên cạnh việc Áo cắt đứt thỏa thuận với Gazprom, Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/12 tuyên bố sẽ đưa hàng chục tàu chở dầu và khí đốt cho Nga vào "danh sách đen" ngay sau khi các quan chức trong khối hoàn tất thỏa thuận.

Đây là gói trừng phạt thứ 15 của EU nhằm vào Nga kể từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine tháng 2/2022. Gói trừng phạt mới sẽ cấm thêm 52 tàu chở dầu tiếp cận các cảng EU, nâng tổng số tàu trong "danh sách đen" lên 79.

Trước đó, trong ngày 10/12, 10 quốc gia EU đã viết một lá thư chung, trong đó kêu gọi áp các hạn chế mới với khí đốt tự nhiên, nhôm và nhiên liệu hạt nhân của Nga.

Nước từng là "pháo đài của ông Putin" xé thỏa thuận: Toàn EU hành động, Kiev lộ kế hiểm nhất để chặn Nga- Ảnh 3.

EU đã thông qua gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, và Kiev có thể tiến hành "đòn giáng nghiêm trọng nhất" nhằm vào Moscow ngay ngày 1/1/2025. Ảnh: CBC

Gói trừng phạt mới sẽ chính thức được phê duyệt khi các Ngoại trưởng EU họp vào thứ Hai tới (16/12).

Tiến trình thông qua tạm bị hoãn vào tuần trước sau khi Latvia và Lithuania sử dụng quyền phủ quyết để đề nghị EU nên chấm dứt thêm một điều khoản cho phép các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, giờ đây, thỏa thuận đã đạt được sự đồng thuận của tất cả 27 thành viên.

"Đại diện các nước vừa thống nhất về gói trừng phạt thứ 15 để phản ứng lại hành động của Nga tại Ukraine" - chủ tịch Hungary của Hội đồng châu Âu năm 2024 thông báo trên mạng xã hội X.

Trước đó, vào cuối tháng 11, Bộ tài chính Mỹ đã đưa Gazprombank – tổ chức tài chính duy nhất được chính phủ Nga chỉ định tiếp nhận các khoản thanh toán khí đốt – vào danh sách trừng phạt. Theo tờ Euractiv (Bỉ), điều này đã tạo ra "cơ hội quyết định" để EU chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Theo tờ Novaya Gazeta (Nga), sự đổ vỡ đột ngột trong quan hệ giữa Gazprom và OMV đã khiến nhiều phía trong thị trường khí đốt bất ngờ, đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế - chính trị của Nga tại châu Âu.

Tuy nhiên, theo tờ này, "đòn giáng nghiêm trọng nhất vào vị thế của Nga trên thị trường năng lượng châu Âu" sẽ là việc Moscow buộc phải dừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine vào năm sau. Một nguồn tin thân cận với OMV cho biết, Kiev đang có kế hoạch chặn khí đốt Nga ngay ngày 1/1/2025. Đây cũng là lý do khiến tập đoàn Áo phải tịch thu sớm lô khí đốt của Nga.

Trong trường hợp này, nhiều nước châu Âu sẽ không thể nhập khẩu khí đốt theo con đường thông thường. Họ sẽ phải mua nhiên liệu từ các nước láng giềng châu Âu hoặc hy vọng mở rộng các "dòng chảy" khác từ phía nam - qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước vùng Balkan.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm