Tài chính

Nước NATO nhận tín hiệu 60 tỷ đô từ Vành đai, Con đường: Trung Quốc làm lung lay vị thế hàng đầu của Nga?

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 14/1 đưa tin, Chủ tịch Văn phòng Xúc tiến Đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ A. Burak Daglioglu cho biết Trung Quốc quan tâm đến việc đầu tư khoảng 60 tỷ USD để hỗ trợ nâng cấp mạng lưới đường sắt của Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Việc này được các hãng vận chuyển hàng hóa châu Âu coi là một cách để "bỏ qua" Nga - một trung tâm vận tải lớn - khi chiến sự ở Ukraine vẫn tiếp diễn.
 
Nước NATO nhận tín hiệu 60 tỷ đô từ Vành đai, Con đường: Trung Quốc làm lung lay vị thế hàng đầu của Nga?- Ảnh 1.

Trung Quốc sẽ đầu tư 60 tỷ USD để nâng cấp mạng lưới đường sắt của Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu biến nơi này thành tuyến đường thương mại chính giữa Trung Quốc và châu Âu. Ảnh: Anadolu

 
Ông Daglioglu cho biết, danh sách cần nâng cấp bao gồm tiến hành điện khí hóa, xây dựng các tuyến đường sắt nội địa mới, một cây cầu đường sắt ở thành phố kết nối lục địa Á-Âu Istanbul và một tuyến đường sắt cao tốc từ Istanbul đến thủ đô Ankara.
 
Ông Daglioglu nói với tờ SCMP rằng, Công ty TNHH Đầu máy xe lửa Chu Châu (CRRC) của Trung Quốc đã có một nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và năm ngoái họ đã cho ra mắt "tàu điện ngầm nhanh nhất" của nước này trên hệ thống giao thông công cộng tại Istanbul.
 
Các nhà thầu khác dự kiến sẽ nộp hồ sơ dự thầu trong một quá trình đấu thầu mở sẽ sớm được bắt đầu.
 
“Họ quan tâm đến các dự án này”, ông Daglioglu phát biểu bên lề Diễn đàn Tài chính Châu Á được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) hôm 13/1. “Miễn là họ đưa ra giá thầu cạnh tranh, họ sẽ được chào đón tham gia. Các khoản đầu tư vào đường sắt có tiềm năng rất lớn.”
 
Tờ Tazabek (Kyrgyzstan) bình luận vào ngày 15/1 rằng, khoản đầu tư này thách thức vị thế của Nga như một trung tâm vận tải lớn và tận dụng sự gián đoạn trong các tuyến vận tải hàng không của Nga.
 
Jayant Menon - thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore - cho biết, Trung Quốc hy vọng mạng lưới đường sắt Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp vận chuyển hàng hóa đến và đi châu Âu, đồng thời nói thêm rằng chiến sự Nga - Ukraine kéo dài gần 3 năm đã ngăn cản các hãng vận chuyển châu Âu sử dụng những tuyến đường chạy thẳng qua hoặc gần hai quốc gia đang có xung đột này.
 
Một tuyến đường xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ được coi là phương thức nhanh hơn để kết nối hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc với châu Âu.
 
Nhưng quốc gia Á-Âu này đại diện cho một “mắt xích yếu” trong mạng lưới đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu trừ khi nó được phát triển thêm, Menon cho biết. “Một sự cố trong mắt xích có nghĩa là cả mạng lưới không hoạt động.”
 
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Nghị viện châu Âu, các chuyến tàu chở hàng của châu lục này vẫn có thể đi qua Nga một cách hợp pháp mặc dù Moscow bị trừng phạt nặng nề, nhưng các công ty hậu cần đang lựa chọn những tuyến đường sắt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Georgia vì thận trọng.
 
Theo tính toán của công ty nghiên cứu thị trường Statista, vào năm 2023, hàng hóa được vận chuyển bởi Hệ thống Đường sắt Cao tốc Trung Quốc - Châu Âu (CR Express) qua nhiều quốc gia đã đạt khoảng 1,9 triệu TEU (đơn vị tương đương với 1 container 20 feet), so với mức chỉ 1.400 TEU vào năm 2011.
 
Nước NATO nhận tín hiệu 60 tỷ đô từ Vành đai, Con đường: Trung Quốc làm lung lay vị thế hàng đầu của Nga?- Ảnh 2.

Một tuyến đường xuyên qua Thổ Nhĩ Kỳ được coi là phương thức nhanh hơn để kết nối hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc với châu Âu. Ảnh: CR Express

 
Sự thay đổi trong các tuyến thương mại
 
Tờ Dagens (Thụy Điển) nhận định, những nâng cấp này nhằm mục đích biến Thổ Nhĩ Kỳ thành tuyến thương mại chính giữa Trung Quốc và châu Âu, giảm nhu cầu về các tuyến vận tải đi qua Nga. Điều này phù hợp với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nhằm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi bằng cơ sở hạ tầng hiện đại.
 
Với khoản đầu tư này, Trung Quốc đang củng cố vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác thương mại quan trọng của nước này, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Nga.
 
Các công ty dầu khí nhà nước của Trung Quốc cũng đang dần chuyển hướng sang Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ để tìm nguồn cung dầu thô, tránh lệnh trừng phạt Nga của Mỹ.
 
Chủ tịch Văn phòng Xúc tiến Đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ Daglioglu cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã bắt đầu các dự án trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là xe điện và năng lượng. 
 
Theo thông báo vào tháng 11/2024 của văn phòng này, tính đến giữa năm 2024, đầu tư của 1.300 công ty Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt 6 tỷ USD.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm