Thời sự

Nước mắt người mẹ Việt Nam anh hùng của liệt sĩ thời bình

Ngược nguồn sông Lam, chúng tôi tìm về nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim (trú xóm 4, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An).

Con trai độc nhất của mẹ đã dũng cảm quên mình cứu người vào năm 2015 khi đang học lớp 11, tròn 18 tuổi. Lúc ấy, mẹ Kim mới 51 tuổi.

Quên thân cứu người trên dòng sông sâu

Trong căn nhà Đại đoàn kết của mẹ, bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Anh Tuấn (học sinh Trường THPT Thanh Chương 3, nguyên quán xã Thanh Văn, đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, các bằng khen, giấy khen, huy hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng... được treo trang trọng.

Những ngày này, bà con lối xóm cũng sang phụ mẹ Kim lau dọn bàn thờ, chỉnh trang căn nhà, chuẩn bị mâm cỗ để thắp nén hương tri ân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7. Khi nói về liệt sĩ Nguyễn Anh Tuấn, mẹ Kim và nhân dân quê hương rất tự hào về “người con hiếu thảo, vượt nghèo học giỏi, đã quên mình cứu người”...

Nước mắt người mẹ Việt Nam anh hùng của liệt sĩ thời bình - 1

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim trước bàn thờ con trai độc nhất - liệt sĩ Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: ĐẮC LAM

Ký ức về vụ đuối nước ở bến đò Già, về sự dũng cảm hy sinh của Tuấn luôn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.

Gần trưa 19-7-2015, mẹ Kim cùng con trai ra sông Lam cào bắt hến để làm thức ăn và bán lấy tiền mua gạo. Khi đang mò bắt hến, Tuấn phát hiện em Đặng Hoàng Anh (10 tuổi) đi cào hến bị đuối nước ở khu vực bến đò Già trên sông Lam.

Không chút ngần ngại, Tuấn liền bơi ra giữa dòng nước dữ, cứu được em Đặng Hoàng Anh vào bờ an toàn. Rồi Tuấn lại phát hiện anh Trần Văn Sơn (22 tuổi, cùng trú xã Cát Văn) cũng đang đuối nước, chới với giữa dòng sông Lam. Dù đuối sức nhưng Tuấn tiếp tục bơi ra tìm, cứu anh Sơn.

Lúc ấy Tuấn đang học lớp 11, cơ thể bé nhỏ hơn anh Sơn và trúng vùng nước xoáy nên cả Tuấn và anh Sơn đều kiệt sức, bị dòng nước nhấn chìm cả hai.

Mẹ Kim nhớ lại: “Khi mẹ và mẹ của Sơn, mẹ của Hoàng Anh phát hiện thì Tuấn và Sơn đều đã bị nước nhấn chìm, mất sức. Ba người mẹ cố tìm cứu các con mình nhưng đành bất lực trước dòng nước sông Lam vừa sâu vừa rộng”.

Mong muốn có đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ Kim

Xã Cát Văn có 22 mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, hiện có ba mẹ còn sống. Hai mẹ đã có hai đơn vị nhận phụng dưỡng. Còn mẹ Kim tuổi ít nhất trong ba người, đang tự đi lại, chăm sóc bản thân được nhưng khi có tuổi thì chắc chắn sẽ vất vả hơn, chúng tôi mong muốn có đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ Kim.

Ông TRẦN VĂN THẢO, Chủ tịch UBND xã Cát Văn

Khi mọi người vớt đưa thi thể Tuấn về, mẹ Kim khóc gào gọi tên con rồi ngất xỉu. Mọi người đến viếng, ai cũng khóc khi thấy hoàn cảnh hai mẹ con ở trong ngôi nhà cấp bốn đang xuống cấp thấm dột, khó khăn. Trong sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chia sẻ, đùm bọc của bà con chòm xóm, người thân, mẹ Kim vượt qua mất mát đau thương, dần ổn định cuộc sống.

Ước mơ vào bộ đội dang dở

Mẹ Kim kể về cuộc đời gian truân, vất vả của hai mẹ con. Tốt nghiệp THPT, cô gái Kim lên huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) làm công nhân ở đội cam 2, nông trường 3-2. Tại đây, mẹ Kim nảy nở tìm cảm và yêu thương một nam công nhân. Hai năm sau, hai người nên duyên và cùng chuyển vào làm việc ở nông trường Ea Ba (Phú Yên). Năm 1998, mẹ Kim sinh con trai và đặt tên con Nguyễn Anh Tuấn.

Rồi người cha bỏ hai mẹ con mà ra đi. Khó khăn chồng chất, mẹ Kim ôm con rời Phú Yên trở về quê nhà.

Nước mắt người mẹ Việt Nam anh hùng của liệt sĩ thời bình - 2

Cuộc sống thường ngày của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Kim. Ảnh: ĐẮC LAM

Khi về quê, mẹ Kim được cha và các anh em cắt cho một miếng đất và giúp dựng căn nhà cấp bốn để hai mẹ con ở. Mỗi khi có bão vào, hai mẹ con khăn gói đến nhà khác xin tá túc bởi sợ nhà sập. Ai thuê gì làm nấy, buổi trưa mẹ Kim đi mò cua, bắt ốc hoặc ra sông Lam cào hến. Mẹ Kim an phận làm mẹ đơn thân nuôi con ăn học.

Mẹ Kim quệt nước mắt kể: “Tuấn lớn lên, ngoan lắm, rất thương mẹ, có nghị lực. Nhớ lại, mẹ thương con nhất là lúc Tuấn đang học lớp 8, mẹ bị bệnh phải đi bệnh viện mổ và về nhà nằm một chỗ. Tuấn vừa học vừa chăm mẹ rồi đi bắt hến, mò cua, đặt trúm bắt lươn để mẹ con có gạo ăn. Khi lên lớp 10 Tuấn hứa với mẹ là “con sẽ gắng học để có giấy khen” và nó đã làm được khi hai năm liên tục là học sinh tiên tiến. Rồi Tuấn tâm sự về ước mơ lớn lên “đi làm bộ đội”. Biết được hoàn cảnh khó khăn, Tuấn nói với mẹ: “Học xong lớp 12 mẹ cho con đi bộ đội nhé, hoàn thành nghĩa vụ con sẽ đăng ký thi vào đại học, học viện quân sự”.

Nhưng ước mơ của Tuấn chưa thành thì Tuấn đã dũng cảm hy sinh.

Sau khi Tuấn hy sinh, với sự giúp đỡ của mọi người, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, ngôi nhà Đại đoàn kết được xây lên. Ngôi nhà hai gian, một gian làm nơi thờ phụng Tuấn và một gian làm phòng ngủ của mẹ Kim.

Ba năm sau, vào năm 2018, Nguyễn Anh Tuấn được công nhận là liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuấn là con trai độc nhất của mẹ nên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Kim.

Nhìn bạn bè của Tuấn, mẹ lại nhớ con mà khóc

Lúc được Nguyễn Anh Tuấn cứu sống, Hoàng Anh mới 10 tuổi và nay em đã là chàng thanh niên ở tuổi 17. Thời gian qua, những ngày lễ, tết, ngày trái gió trở trời, Hoàng Anh đều sang thăm hỏi, động viên, thay anh Tuấn chăm sóc mẹ Kim.

Mẹ Kim cho hay bà con nơi đây hằng ngày đều đến trò chuyện, động viên mẹ. Có những buổi sáng vì trời trở gió, mẹ mệt nên dậy muộn, xóm giềng lại lo lắng liền sang gõ cửa hỏi thăm. Vào ngày lễ, học sinh Trường THPT Thanh Chương 3, bạn học cũ của liệt sĩ Tuấn cũng thường ghé thăm động viên, giúp đỡ mẹ Kim.

“Bạn học của Tuấn nói chúng con rất muốn ghé thăm mẹ thường xuyên nhưng nhìn chúng con mẹ lại nhớ, suy nghĩ về bạn Tuấn rồi lại ngồi khóc, làm các con cũng khóc theo...” - mẹ Kim nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm