Băng tan tại phía bắc Greenland - Ảnh: AFP
Nghiên cứu cho thấy lượng băng tổng thể tan chảy từ Greenland sẽ khiến mực nước biển dâng ít nhất 27cm. Với sự phát thải carbon tiếp diễn, sự tan chảy của các dải băng khác cùng sự giãn nở nhiệt của đại dương, mực nước biển dâng nhiều mét là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Hàng tỉ người đang sống tại các vùng duyên hải nên lũ lụt do nước biển dâng sẽ là một trong những tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Nghiên cứu mới nói trên đã sử dụng các phép đo vệ tinh về lượng băng mất đi tại Greenland và hình dạng của dải băng này từ năm 2000 đến năm 2019, báo Guardian đưa tin.
Dữ liệu này cho phép các nhà khoa học tính toán mức độ ấm lên toàn cầu cho đến nay đã đẩy dải băng Greenland khỏi trạng thái cân bằng, trạng thái mà lượng tuyết rơi đủ bù đắp cho lượng băng tan đi.
Nghiên cứu chỉ ước tính mực nước dâng tối thiểu, 27cm, từ sự tan băng tại Greenland. Ông Jason Box, trưởng nhóm nghiên cứu và là nhà khoa học thuộc Viện Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), nhận định mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao hơn vì khí hậu chắc chắn sẽ tiếp tục ấm lên.
Ưu điểm của nghiên cứu là cung cấp một ước tính chắc chắn về việc mực nước biển dâng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên phương pháp được nhóm nghiên cứu sử dụng không tính được thời gian để Greenland tan 110.000 tỉ tấn băng khiến mực nước biển dâng 27cm.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng điều này có thể xảy ra vào năm 2100.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu vụ tan băng kỷ lục năm 2012 tại Greenland trở thành một hiện tượng thường xuyên vào cuối thế kỷ này, lượng băng tan tại dải băng Greenland sẽ làm mực nước biển dâng tới 78cm.
Tiến sĩ William Colgan, làm việc tại GEUS, nhấn mạnh sự khác biệt giữa con số 78cm và 27cm, và cho rằng chúng ta vẫn có thể làm nhiều thứ để giảm thiểu thiệt hại từ sự tan băng, bao gồm thực hiện thỏa thuận Paris.