Một tuần làm việc bao nhiêu ngày mới hợp lý?
Đương nhiên câu trả lời lý tưởng nhất là “0 ngày”. Hoặc mong ước chớp mắt một cái là đến cuối tuần để có thể ngủ một giấc ngon.
Thế mà trong guồng quay công việc ở thời đại mới, thế giới có một đất nước bắt đầu thực hiện chế độ một tuần làm việc 4 ngày/tuần.
Nước Anh thí điểm chế độ làm việc 4 ngày/tuần
Ở những năm 1960, người ta đã vẽ ra viễn cảnh vào thế kỷ 21, con người sẽ làm việc một tuần 14 tiếng. Số giờ lao động đều do máy móc đảm nhiệm. Nhưng đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn tuân theo chế độ thời gian làm việc 5 ngày/tuần.
Đương nhiên, dịch bệnh đã khiến mô hình này không còn hiệu lực, khiến nhiều quốc gia bắt đầu thử nghiệm mô hình làm việc mới. Trong số đó có Vương quốc Anh đã chính thức triển khai thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày không giảm lương của nhân viên vào ngày 6/6.
Khoảng 70 doanh nghiệp Anh với hơn 3.300 nhân viên đã bắt đầu thử nghiệm kéo dài 6 tháng để kiểm tra liệu tuần làm việc 4 ngày có ảnh hưởng đến năng suất tiêu chuẩn hay không.
Theo cam kết của Công Đảng Anh trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019, số giờ làm việc mỗi tuần được giảm xuống 32 giờ trong vòng 10 năm. Anh sẽ đi tiên phong trong áp dụng dự án thí điểm mô hình làm việc 4 ngày/tuần.
Mô hình này dựa trên tỷ lệ 100:80:100, có nghĩa là trả 100% lương trong khi chỉ làm việc trong 80% thời gian nhưng vẫn phải hoàn thành 100% năng suất.
Trước Anh, Iceland đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm quy mô lớn từ năm 2015 đến năm 2019, cố gắng giảm tuần làm việc từ 40 giờ xuống còn 35 giờ mà không giảm lương. Thử nghiệm được thực hiện trên 2.500 công nhân, chiếm 1% tổng dân số lao động của Iceland, bao gồm hơn 100 nơi làm việc như bệnh viện, văn phòng, nhà trẻ và các dịch vụ xã hội...
Kết quả của thử nghiệm đã thành công rực rỡ. Tình trạng sức khỏe của nhân viên được cải thiện đáng kể, năng suất và cung cấp dịch vụ vẫn được duy trì và thậm chí cải thiện tốt hơn.
Theo kết quả thử nghiệm cuối cùng, làm việc 4 ngày/tuần có nhiều lợi ích, chẳng hạn như: sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, ít căng thẳng và kiệt sức, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và con cái, hiệu quả công việc cao hơn và công ty điều chỉnh quy trình làm việc để giảm thiểu thời gian họp...
Kể từ đó, 86% công việc ở Iceland đã được rút ngắn thời gian làm việc. Kể từ đó, chính phủ Tây Ban Nha và Scotland cũng đã bắt đầu thử nghiệm trên toàn quốc đối với tuần làm việc 4 ngày.
Những nỗ lực này giúp chúng ta có cơ hội nhìn lại lịch sử:tại sao mô hình làm việc 5 ngày một tuần lại là điều bình thường được xã hội chấp nhận?
Tuần làm việc 5 ngày bắt nguồn từ đâu?
Không giống như ngày, tháng và năm, bản thân 7 ngày trong tuần là sự phân chia thời gian dựa trên các hiện tượng tự nhiên. Cuối tuần là một phát minh của nền văn minh công nghiệp hiện đại và nó chỉ xuất hiện cách đây một thế kỷ.
Cuối tuần ban đầu chỉ là Chủ nhật, vì ở Anh, Chủ nhật là lúc mọi người đi nhà thờ, không ai làm việc vào ngày này. Đối với những người không theo tôn giáo, Chủ nhật là một cơ hội tuyệt vời để vui chơi giải trí.
Khi mọi người tận hưởng Chủ nhật quá vui vẻ, thứ Hai bắt đầu tuần làm việc mới bỗng nhiên không thể thích ứng. Vì vậy đông đảo công nhân đã kéo dài tinh thần nghỉ ngơi sang thứ Hai, cùng rủ rê nhau trốn việc.
Không chỉ thế, những người lao động thuộc mọi tầng lớp đều coi thứ Hai là ngày lễ. Điều này khiến các chủ doanh nghiệp không khỏi bức xúc.
Trước tình hình này, chủ nhà máy đã phải thỏa hiệp với công nhân và ấn định nghỉ chiều thứ Bảy.
Nửa ngày nghỉ của thứ Bảy được đặt dưới cái tên khoa trương là "thời gian giải trí hợp pháp cho người lao động".
Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng kể từ đó, ngày nghỉ chiều thứ Bảy và Chủ nhật được cố định là ngày nghỉ cuối tuần.
Năm 1908, nhà máy đầu tiên áp dụng hệ thống 5 ngày một tuần xuất hiện tại Mỹ, ban đầu là để thu hút người Do Thái đầu quân cho nhà máy, kết hợp thứ Bảy và Chủ nhật thành hai ngày nghỉ cuối tuần. Cuộc Đại khủng hoảng toàn cầu năm 1930 đã củng cố mô hình 5 ngày làm việc, nỗ lực nhằm tăng hiệu suất làm việc bằng cách rút ngắn giờ làm, đồng thời cũng giải quyết vấn đề tiêu thụ nhiều năng lượng.
Tương tự, đại dịch Covid-19 đã và đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ mô hình làm việc. 4 ngày/tuần là một trong những nỗ lực để mọi người cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi.
Đồng thời, ở cấp độ kinh tế vĩ mô, những ngày nghỉ cuối tuần kéo dài cũng sẽ kích thích tiêu dùng, cũng như doanh thu và lợi nhuận trong dịch vụ ăn uống, du lịch công cộng, có lợi cho nền kinh tế.
Làm việc 4 ngày/tuần liệu có hợp lý?
Song nếu đặt góc độ suy xét ra khỏi phạm vi Tây Âu, tuần làm việc 4 ngày đang gây tranh cãi.
Thứ nhất, làm việc 4 ngày/tuần có nghĩa là số giờ làm việc giảm từ 40 giờ ban đầu xuống còn 32-35 giờ. Tuy nhiên, một số quốc gia đã áp dụng việc tăng giờ làm việc hàng ngày để đổi lấy thêm một ngày nghỉ.
Nhiều người đi làm ở Manchester đang xem xét tính đúng đắn của mô hình 5 ngày/tuần để áp dụng trở lại.
Các thành viên của quốc hội Romania đã đề xuất cho nhân viên nghỉ 3 ngày với tiền đề kéo dài thời gian làm việc mỗi ngày lên 10 giờ.
Lý do phản đối đề xuất này rất đơn giản, bởi vì trong cùng một khối lượng công việc, sau 8 giờ làm việc hằng ngày, nhân công bắt đầu tiến vào tình trạng mỏi mệt và năng suất giảm mạnh.
Những người phản đối cuộc thí điểm mô hình 4 ngày/tuần hiện nay ở Anh cho rằng thời gian làm việc ngắn hơn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế cả nước, đẩy người Anh vào tình trạng trì trệ kinh tế tập thể.
Song, mô hình 4 ngày/tuần của Anh đang có những kết quả khả quan. Dự kiến trong thời gian tới, nghiên cứu sẽ đánh giá tác động của mô hình làm việc mới lên năng suất lao động, bình đẳng giới, môi trường làm việc cũng như sức khỏe người lao động. Đến cuối tháng 11, các doanh nghiệp sẽ ra quyết định về việc có nên tiếp tục áp dụng mô hình này hay không.
(Nguồn: Zhihu)