Chieko Asakawa là thành viên IBM và là giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Carnegie Mellon. Bà hiện đang nghiên cứu phát triển trợ lý nhận thức để giúp người khiếm thị tiếp cận thông tin trong đời thực, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ.
Mở cửa sổ ra thế giới
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường, những tưởng tuổi thơ của Asakawa cứ thế mà yên bình trôi đi. Nhưng tai ương ập đến khi bà mới 11 tuổi. Do một tai nạn khi đi bơi, thị lực của bà dần xấu đi rất nhiều. Và đến năm 14 tuổi, Asakawa đã hoàn toàn không nhìn thấy gì.
“Thời điểm tôi bị mù, hoàn toàn không có máy tính cá nhân, không có Internet, không có điện thoại thông minh. Thậm chí không có một thiết bị nào để ghi chú bằng chữ nổi Braille. Tôi đã phải sử dụng máy đánh chữ Braille, ”Asakawa nói.
“Một thành viên trong gia đình đã phải đọc to sách giáo khoa để tôi có thể tự viết lại bằng chữ nổi Braille. Để tra một từ tiếng Anh bắt đầu bằng 's', tôi phải xem qua nhiều phần của từ điển Braille Anh-Nhật. Tôi không nhớ chính xác có bao nhiêu quyển, nhưng có lẽ cũng phải gần 100 quyển. Có lẽ đó cũng chính là thời điểm mà tôi bắt đầu tìm kiếm khả năng tiếp cận của người khiếm thị với thế giới này. ”
Vào những năm 1990, bà đã tạo ra một trình duyệt có tiếng nói, cho phép người khiếm thị truy cập Internet bằng cách sử dụng bản dịch chuyển văn bản thành giọng nói. Nhờ thế, người khiếm thị có thể đọc tin tức, báo mạng và sách như bất cứ người dùng Internet thông thường nào khác.
Khi cùng làm việc với các nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon (CMU), bà tiếp tục phát triển các công nghệ nhằm giúp người khiếm thị “nhìn” và tương tác nhiều hơn với thế giới xung quanh. Và rõ ràng Asakawa không hề đơn độc với ước vọng tăng cường khả năng tiếp cận cho những người yếu thế. Có hơn 7 tỷ người trên Trái đất, và khoảng một phần ba trong số đó là người tàn tật, cao tuổi hoặc mù chữ - những người sẽ cần đến những công cụ hỗ trợ như của Asakawa.
Một khách hàng khiếm thị từng nói với Tiến sĩ Asakawa rằng trình duyệt đã mở ra một thế giới mới cho anh. Sau hơn hai mươi năm phát triển, trình duyệt đã được cải tiến đáng kể khi phát âm rõ ràng hơn và một số cảm xúc thậm chí còn được thêm vào để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Để người khiếm thị “nhìn thấy” thế giới thực
Chieko Asakawa đã sớm nhìn ra tiềm năng của những tiến bộ trong điện toán di động, mạng cảm biến Internet vạn vật và tầm nhìn máy tính. Bà đã làm việc với Viện Robotics của Đại học Carnegie Mellon để cố gắng kết hợp các cảm biến Internet vạn vật, điện thoại thông minh và công nghệ nhận thức với nhau để tạo ra một thế hệ công cụ hỗ trợ mới cho người khiếm thị.
Sự kết hợp của những công nghệ này được gọi là trợ lý nhận thức. Có thể kể đến một ứng dụng được phát triển trên nền tảng trợ lí nhận thức này như NavCog. NavCog sử dụng các cảm biến và công nghệ nhận thức hiện tại để định vị vị trí của người dùng, xác định hướng đối diện của họ và thu thập thông tin về môi trường xung quanh bằng cách “thì thầm” vào tai họ thông qua tai nghe hoặc báo rung đến điện thoại thông minh.
Các nhà nghiên cứu đang khám phá nhiều tính năng khác, chẳng hạn như phát hiện những người đang tiếp cận và tâm trạng của họ. Tiến sĩ Asakawa hy vọng rằng với sự trợ giúp của công nghệ, những người khiếm thị có thể nhận ra bạn bè đang đi về phía mình, chào họ bằng tên và biết được cảm xúc của họ khi trò chuyện. Một ngày không xa, bà hy vọng những người khuyết tật như mình có thể tự tin thuyết trình trên sân khấu mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.
Tiến sĩ Asakawa và cộng sự muốn phát triển một thế hệ công cụ hỗ trợ mới cho nhiều tình huống, địa điểm - trung tâm mua sắm, sân bay, bệnh viện, sân vận động, văn phòng, v.v. Người bình thường cũng có thể sử dụng nhiều công cụ hữu hiệu, chẳng hạn như ứng dụng dành cho người già dễ bị lạc, hoặc xe lăn bán tự động dành cho những người gặp khó khăn khi đi lại. Nhóm nghiên cứu sẵn sàng chia sẻ các công cụ của mình để khám phá thêm nhiều ý tưởng mới với các nhà nghiên cứu, nhà phát triển và người dùng.
Miễn là bạn không từ bỏ, mọi thứ đều có thể
Tiến sĩ Asakawa học văn học Anh ở trường đại học. Sau khi gia nhập IBM, bà đã lấy được bằng Tiến sĩ của Đại học Tokyo sau 3 năm. Trong phần hỏi đáp, một sinh viên đã hỏi Tiến sĩ Asakawa làm thế nào để bà vượt qua những khó khăn khi vừa học vừa làm, chuyển từ văn học Anh sang khoa học máy tính. Bà trả lời rằng bản thân học từ 9 giờ tối đến nửa đêm mỗi ngày, và làm việc trong thời gian còn lại. Bà sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Asakawa nói với các sinh viên rằng mọi thứ đều có thể làm được, chỉ cần ta kiên cường.
Tiến sĩ Asakawa cũng nói với các sinh viên rằng mỗi người đều sẽ gặp phải những thử thách trong cuộc sống, chỉ có ai không từ bỏ dễ dàng và tiếp tục theo đuổi đến cùng mới có thể thành công. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đồng đội trong cuộc trò chuyện của mình.