Xã hội

Nữ nhân viên ngân hàng mang thai 16 tuần mắc COVID-19: Triệu chứng nhẹ nhưng không nên chủ quan!

Trong những ngày gần đây, ghi nhận tại Hà Nội cho thấy số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng có xu hướng tăng nhẹ, với nhiều trường hợp lây nhiễm trong cùng gia đình. Dù các triệu chứng không còn quá nghiêm trọng như các đợt dịch trước, người dân vẫn được khuyến cáo không nên chủ quan.

Một gia đình 7 người cùng mắc COVID-19

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lan Anh (28 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hiện tại gia đình chị đang có 7 thành viên cùng sinh sống. "Vì mình là giáo viên, hàng ngày tiếp xúc với khá nhiều học sinh. Triệu chứng ban đầu là thấy cơ thể mệt mỏi đau người. Sau đó đến chồng mình cũng có các biểu hiện tương tự kèm theo sốt, mệt phải nghỉ làm ở nhà. Tuy nhiên mình không hề nghĩ đến trường hợp bản thân mắc COVID-19". 

Chị Lan Anh cho biết, phải đến Chủ nhật vừa rồi (tức 18/5) con gái chị cũng có biểu hiện sốt cao tương tự. Khi test nhanh, chị mới phát hiện cả gia đình đều dương tính COVID-19.

Theo chị, đợt này các triệu chứng rõ rệt là mỏi mệt, ho khan kèm theo khó thở. Sau khi khỏi bệnh, cả nhà vẫn tiếp tục bị ho có đờm. Riêng chồng chị phải sử dụng thêm viên uống Panadol để giảm mệt mỏi. Việc mắc bệnh khiến cả nhà phải nghỉ học, nghỉ làm để cách ly và chăm sóc lẫn nhau. May mắn là do rơi vào cuối tuần nên công việc không bị ảnh hưởng nhiều vì các triệu chứng của COVID-19 cũng không quá nặng. 

"Gia đình mình cũng đã lây nhiễm chéo sang các anh chị ở cùng nhà. Nhưng mọi người cũng chỉ mắc trong 3-4 ngày sau đó test lại thì thấy 1 vạch. May mắn cả nhà không ai phải nhập viện điều trị, nếu quá mỏi người thì uống thêm Panadol, uống nước tía tô. Riêng con gái mình triệu chứng nặng hơn chút thì bị sốt, phải uống hạ sốt 3 lần trong nửa ngày. Bạn ấy có mũi nên mình vệ sinh mũi, ăn đồ ấm... và sau khi cắt sốt thì bé có vui chơi bình thường". 

Thai phụ mắc COVID-19: "Lần mắc này triệu chứng nhẹ hơn, giống cúm thông thường"

Một trường hợp khác là chị Thúy Quỳnh (nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) hiện đang mang thai ở tuần thứ 16. Dù đã từng mắc COVID-19 trước đó, chị vẫn không khỏi lo lắng khi que test hiện hai vạch đậm.

Nữ nhân viên ngân hàng mang thai 16 tuần mắc COVID-19: Triệu chứng nhẹ nhưng không nên chủ quan!- Ảnh 1.

Thấy có biểu hiện sổ mũi, đau họng kèm sốt nhẹ, chị Quỳnh đã mua thanh test về để kiểm tra COVID-19 cũng như cúm A, cúm B

"Tuần trước tôi xuất hiện vài triệu chứng giống cảm cúm thông thường như sổ mũi, đau rát họng, đau đầu và ngạt mũi. Đôi lúc có sốt nhẹ. Vì đang mang thai nên tôi cẩn trọng, mua que test về để kiểm tra COVID-19 cũng như cúm A, cúm B", chị Quỳnh chia sẻ.

So với lần mắc trước, chị cho biết các triệu chứng lần này nhẹ hơn rất nhiều, không sốt cao hay ho nhiều. 

Dù vậy nhưng do lo lắng cho sức khoẻ của hai mẹ con và tránh lây nhiễm sang những người xung quanh, Quỳnh chủ động xin nghỉ ở nhà để cách ly và hồi phục sức khỏe.

"Tôi chỉ xông gừng sả, không uống thuốc. Bác sĩ cho biết ở tuần thai thứ 16, thai nhi đã hình thành cơ bản nên ít nguy cơ hơn so với 12 tuần đầu. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn phương án nếu sốt cao, nhưng may mắn là không xảy ra. Sau khi khỏi bệnh, tôi đã đi siêu âm, thăm khám lại đầy đủ và mọi thứ đều ổn định", chị Quỳnh cho biết.

Chị mất khoảng 4–5 ngày để hồi phục hoàn toàn và không lây nhiễm cho người thân trong gia đình. "Theo tôi, ở thời điểm hiện tại, COVID-19 giống như một loại cúm thông thường, không còn quá đáng sợ như trước.

Tuy nhiên, mọi người cũng cần chú ý để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Việc đeo khẩu trang ở nơi đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân và tiêm vaccine đầy đủ vẫn là những biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, khi có triệu chứng như sốt, ho hoặc mệt mỏi kéo dài, mỗi người nên chủ động nghỉ ngơi và đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", chị Quỳnh nói.

 5 biện pháp hiệu quả phòng chống dịch COVID-19 

Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.

Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Các tin khác

Cái chết của vũ trụ được dự đoán sẽ đến sớm hơn nhiều

Một nghiên cứu mới cho thấy vũ trụ của chúng ta có thể đang chết nhanh hơn nhiều so với suy nghĩ của các nhà khoa học, nhưng nó vẫn sẽ tồn tại trong một thời gian dài đáng kinh ngạc. Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một tuổi thọ lý thuyết tối đa được cập nhật cho vũ trụ dựa trên dự đoán nổi tiếng nhất của Stephen Hawking về hố đen rằng cuối cùng chúng sẽ bốc hơi.

Vietlott lại tìm ra vé số trúng độc đắc tiền tỷ

Vietlott vừa tìm thấy 1 vé số trúng độc đắc Jackpot 2 gần 3,7 tỷ đồng ở loại hình xổ số Power 6/55 vào tối nay. Hai kỳ quay liền trước của sản phẩm Power 6/55, Vietlott cũng liên tiếp tìm ra vé số trúng Jackpot tiền tỷ.

"Ông trùm" đứng sau Telegram giàu cỡ nào?

Pavel Durov - tỷ phú đứng sau ứng dụng nhắn tin Telegram - đã gây dựng khối tài sản khổng lồ nhờ sáng lập và phát triển một trong những nền tảng liên lạc phổ biến bậc nhất toàn cầu.