Tiết trời oi ả trong buổi gặp CEO Lê Hoàng Diệp Thảo một ngày đầu tháng ba không làm tắt đi nụ cười duyên dáng, mà còn thúc đẩy thêm nguồn năng lượng vốn đã tràn đầy cho từng lời chia sẻ của vị ‘nữ tướng cà phê’.
Cuộc trò chuyện thú vị trôi qua rất nhanh với nữ doanh nhân đang sở hữu một thương hiệu cà phê Việt có mặt tại 120 nước trên thế giới, người có một phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh, có lối ứng xử mềm mại, lạc quan trước mọi biến động của dòng chảy cuộc đời.
Khởi nghiệp trong ngành cà phê từ thập niên 90, đến nay bà Lê Hoàng Diệp Thảo dường như đang ở độ tuổi chín muồi nhất của người phụ nữ và ngày càng chứng minh được bản lĩnh vượt trội của mình trên thương trường.
Hỏi về mối lương duyên đầu tiên khi ‘chạm ngõ’ với cà phê Việt, người phụ nữ bồi hồi kể lại:
Sinh ra và lớn lên giữa mảnh đất thủ phủ của cà phê, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã sớm có những cảm nhận rõ ràng về nguồn lợi của loại nông sản này cho phố núi.
Đặc biệt, trong quá trình làm việc tại tổng đài 1080, bà càng có thêm nhiều cơ hội được tìm hiểu về ngành cà phê. Suốt 5 năm làm nghề, bà đã phải giải đáp hàng trăm ngàn cuộc gọi tham vấn về cà phê.
Điều này bắt buộc bà phải am hiểu rõ thông tin để đưa ra các hồi đáp chính xác nhất cho khách hàng của mình.
Từ sự mê đắm với hạt cà phê, bà còn đau đáu với câu chuyện làm thế nào để hạt cà phê tránh cảnh “được mùa mất giá”. Bởi từ nhỏ, bà đã tận mắt chứng kiến giá cà phê rất thấp và bấp bênh. Trong hệ sinh thái cà phê hay chuỗi giá trị toàn cầu, phân đoạn của người nông dân chỉ nhận được một giá trị rất nhỏ.
“Lúc đó, trong hiểu biết của mình, tôi thấy có nhiều thương hiệu cà phê rất nổi tiếng nhưng đất nước của họ không trồng cà phê như Thụy Điển, Mỹ… Tôi luôn băn khoăn tại sao họ làm được mà mình lại không làm được điều đó?”, bà Diệp Thảo chia sẻ.
Băn khoăn ấy thôi thúc bà Diệp Thảo phải tiếp tục 'dấn thân' vào ngành cà phê.
Động lực ban đầu thôi thúc bà chính là để giúp người nông dân có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nguồn thu nhập của họ từ cà phê được trả tốt hơn.
Trong thời gian làm việc tại tổng đài 108, bà đã từng biết đến thông tin một ly cà phê Espresso được bán với giá 5 USD, trong khi một ký cà phê chỉ có giá 5.000 đồng. Mong muốn của bà là tìm cách để thay đổi nhanh nhất sự bất bình đẳng này.
Bà dồn tâm huyết để thành lập công ty với khát khao mang đến một chuỗi cà phê lớn, giúp cho nhiều người khởi nghiệp thành công, tạo nên trào lưu uống cà phê và tăng mức tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.
Ban đầu, việc phân phối không hề dễ dàng bởi chúng tôi thường xuyên bị từ chối, hệ thống siêu thị khi ấy cũng không bán cà phê. Thế nhưng sau gần ba thập niên, cà phê đã 'phủ kín' nhiều kệ hàng và chiếm 20-30% tổng sản phẩm trong siêu thị.
Trong ngành cà phê thế giới dường như có một 'luật ngầm' là không nhắc đến cái tên Robusta Việt Nam, trong khi trên thực tế là mọi ly cà phê đều có chứa hạt cà phê này.
"Tôi tập trung quảng bá Robusta với mong muốn sao giá trị thật của Robusta phải được nhìn nhận, từ đó các đối tác quốc tế sẽ mua nó với giá xứng đáng hơn", bà Diệp Thảo chia sẻ.
Sau đó, vì một biến cố lớn trong cuộc đời cách đây hơn 6 năm, bà Diệp Thảo buộc phải khởi nghiệp lần thứ hai với thương hiệu King Coffee. Nguồn vốn lớn nhất của bà lúc đó là kinh nghiệm hơn 25 năm trong ngành cà phê cũng như danh tiếng đã tạo dựng được không chỉ trong nước mà cả trên thế giới.
Nhờ xác định được thế và lực của chính bản thân, bà nhanh chóng đưa cà phê Việt Nam chinh phục những thị trường khó tính nhất, trước khi trở lại Việt Nam, rồi lại tiến ra toàn cầu.
Trong quá trình xây dựng đế chế cà phê Trung Nguyên, bà Diệp Thảo đã nghiên cứu cách làm thực tiễn của nhiều thương hiệu đa quốc gia, học hỏi cách những thương hiệu này vươn mình vượt ra khỏi biên giới quốc gia, cách phát triển các chuỗi hàng hóa…, từ đó chắt lọc và ứng dụng vào thực tế để lèo lái King Coffee tiến ra biển lớn.
Quyết tâm mang cà phê Việt chinh phục thế giới được bà Diệp Thảo gửi gắm vào trong chính tên thương hiệu cà phê của mình. King Coffee có nghĩa là 'Cà phê Vua', là loại cà phê ngon nhất, hảo hạng nhất, được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới.
Và, vị nữ doanh nhân sinh ra tại phố núi Gia Lai đang bước từng bước thật chắc chắn trên bậc thang tiến đến 'ngôi báu' của ngành cà phê thế giới.
Kể từ lần đầu được giới thiệu tại thị trường Hoa Kỳ năm 2015 đến nay, King Coffee đã có mặt tại hơn 120 quốc gia, trong đó có những thị trường nổi tiếng khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Trung Đông…
Những bịch cà phê King Coffee hiện cũng đã nằm trên kệ hàng của các hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới như Wallmart, Cosco; có mặt trong hệ thống bán lẻ của Carrefour (được xem như Walmart của khu vực EU) hay chuỗi siêu thị Lulu Hypermarket tại khu vực Trung Đông.
Những gói cà phê King Coffee cũng đã xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon, Alibaba, TMall… và trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất.
Năm 2020, King Coffee trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia triển lãm lớn nhất thế giới Expo 2020 tổ chức tại Dubai, UAE. Đây là sự kiện đã có lịch sử hơn 170 năm, được ví như “Olympic” của giới doanh nhân toàn cầu, và chỉ được tổ chức mỗi 5 năm 1 lần.
Được trở thành đại diện cho nước nhà tham dự sự kiện tầm cỡ quốc tế này là một vinh dự lớn, cũng là lời khẳng định cho sự thành công của King Coffee trên trường quốc tế.
King Coffee còn được tạp chí Global Brands Magazine của Anh quốc bầu chọn là “Thương hiệu cà phê phát triển nhanh nhất trên thị trường quốc tế”.
Cuối năm 2021, King Coffee đã giúp Việt Nam chính thức trở thành quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới cả về sản lượng lẫn năng suất do tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới công nhận.
Đây “chiến tích” đáng tự hào của ngành cà phê Việt Nam nói chung và King Coffee nói riêng. Qua đó cắm cột mốc chắc chắn của cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.
Giữa năm 2022, King Coffee được Tạp chí Global Business Reviews bình chọn là thương hiệu cà phê tăng trưởng nhanh nhất tại UAE.
Những thành công kể trên của King Coffee như cắm một cột mốc vững chắc cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Tiếp nối với những niềm tự hào của mình, bà Diệp Thảo đã cho biết chiến lược phát triển của King Coffee trong giai đoạn tới chỉ gói gọn trong 2 chữ: 'Everytime, Everywhere'.
Những biến động hiện tại trên thế giới có thể sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm trên toàn cầu gia tăng trong thời gian tới. Đó cũng chính là cơ hội lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để tận dụng, khai thác, bà Thảo nói.
"Ở đâu có internet, chúng tôi giới thiệu cà phê tới đó", bà Diệp Thảo nhấn mạnh. Cũng từ đó, ứng dụng điện tử King Coffee Super App ra đời, tiếp cận hàng triệu người dùng, đưa các sản phẩm của Việt Nam đến tận từng ngóc ngách của thị trường.
"Super App chính giải pháp tốt để giúp các thương hiệu, doanh nghiệp, các nhãn hàng đi ra thị trường dễ dàng hơn", bà Thảo chia sẻ.
Bà cũng cho biết sắp tới sẽ lấy mô hình kinh doanh này nhân ra trên thị trường quốc tế.
Kinh tế dần phục hồi tốt, doanh nhân cũng đón nhận các cơ hội mới để định hình doanh nghiệp mình vững chãi hơn. Bản thân King Coffee đến nay đã phục hồi tốt, doanh số tăng trưởng tốt trở lại và cao hơn thời điểm trước khi xảy ra Covid-19.
"Với hơn 25 năm gầy dựng sự nghiệp ở ngành cà phê, sau biến cố gia đình, tôi bắt đầu lại với King Coffee và xác định rõ chiến lược phát triển theo chiều rộng. Việt Nam trồng được cà phê ngon nhất nhì thế giới", bà Diệp Thảo chia sẻ.
Chiến lược này được hiện thực hóa bằng việc tham gia giới thiệu sản phẩm King Coffee tại Triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai kéo dài từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022. Tại sự kiện quốc tế quy tụ 192 quốc gia và vùng lãnh thổ này, King Coffee đã giới thiệu những tinh túy cà phê Việt đến các nhà mua hàng và đã kết nối bán cà phê vào hơn 120 thị trường.
Cũng theo bà Diệp Thảo, ở từng thời điểm đều có cơ hội. Nếu nhìn vào từng miếng bánh nhỏ, có thể thấy cơ hội rất bé và nhiều người cạnh tranh ở đó. Vì vậy, đừng chỉ nhìn vào cơ hội trong nước mà nên nhìn rộng ra, vươn ra thế giới sẽ thấy cơ hội lớn hơn rất nhiều.
Vấn đề là doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, xác định con đường của mình, lấy chữ tín làm đầu, bền bỉ xây dựng, vượt qua mọi thử thách để đi đến cùng.
Chuyện bận rộn kinh doanh và những chuyến công tác dài ngày có khiến bà xao lãng việc chăm sóc gia đình? "Hạnh phúc là thước đo của thành công. Quan trọng là mình biết cách sắp xếp thời gian cho con cái và những nhu cầu của bản thân”, bà Diệp Thảo vui cười chia sẻ.
Tự nhận mình là người phụ nữ Việt Nam truyền thống nên đối với bà Diệp Thảo, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng, là mối quan tâm lớn nhất của bà sau công việc.
Bà Diệp Thảo chia sẻ về thời gian khi mới thành lập King Coffee, khó khăn lớn nhất của bà không đến từ nguồn vốn, thị trường, tiếp thị, kinh nghiệm, kiến thức hay bất kỳ yếu tố chuyên môn nào khác, vì bà đã tích lũy và trau dồi những điều này sau hơn 20 năm gắn bó với Trung Nguyên.
Thứ khiến bà lo lắng nhất là làm sao để cân bằng quỹ thời gian dành cho công việc và gia đình. Vì khi ấy, bà còn phải chăm sóc con nhỏ.
Có một thói quen được bà Diệp Thảo duy trì hơn 25 năm nay, đó là không nhận cuộc hẹn công việc nào vào buổi tối. Quan điểm của bà là, thời gian ban ngày phải dành hết tâm sức cho công ty riêng, nhưng buổi tối phải là thời gian bà dành trọn vẹn cho gia đình.