Cô Lưu ở Hà Nam, Trung Quốc là một doanh nhân. Mỗi đợt công việc kinh doanh thuận lợi, thu về khoản lãi lớn, cô Lưu đều trích ra một ít và gửi vào thẻ ngân hàng. Không chỉ gửi tiết kiệm, người phụ nữ này còn chi thêm 200.000 NDT (gần 700 triệu đồng) để mua một chứng chỉ quỹ nhằm thu lợi bền vững thay vì đầu tư mạo hiểm. Sau 3 năm tích góp, trong thẻ ngân hàng của cô Lưu đã có 2,05 triệu NDT (hơn 7,1 tỷ đồng) tiền tiết kiệm. Đây là một số tiền rất lớn vào thời điểm năm 2008.
Cũng trong năm này, con gái của cô Lưu chuẩn bị lập gia đình. Để có tiền mua nhà làm quà cưới cho con, người phụ nữ này quyết định đến ngân hàng để rút toàn bộ tiền trong thẻ. Khi biết cô Lưu muốn rút một số tiền lớn, giao dịch viên cho biết cô cần phải điền giấy rút tiền và đặt lịch hẹn trước khi có thể nhận được tiền.
Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, cô Lưu về nhà và chờ đợi. Đến ngày hẹn, người phụ nữ này đến ngân hàng để nhận số tiền 2,05 triệu NDT của mình. Tuy nhiên lúc này, cô lại được nhân viên thông báo: “Tiền trong tài khoản đã được rút. Thẻ của chị chỉ còn 100 NDT thôi (hơn 300.000 đồng).”
Nghe được tin này, cô Lưu như chết lặng. Sau nhiều lần yêu cầu nhân viên kiểm tra lại tài khoản, cô Lưu cũng phải chấp nhận toàn bộ số tiền 2,05 triệu NDT tích góp trong nhiều năm qua đã “không cánh mà bay”. Dẫu vậy, nữ doanh nhân này chắc chắn rằng mình chưa từng rút tiền nên việc tiền trong tài khoản của cô biến mất là vô lý. Cô đã yêu cầu phía ngân hàng đưa ra lời giải thích tuy nhiên thứ cô nhận lại không phải là một câu trả lời mà là sự né tránh.
Sau đó, cô Lưu đã yêu cầu phía ngân hàng kiểm tra camera ngày mà khoản tiền của cô bị rút đi nhưng bị nhân viên từ chối với lý do cần phải bảo mật thông tin khách hàng. Thậm chí, họ đã nhờ nhân viên an ninh đưa cô Lưu ra ngoài vì cho rằng cô đang cản trở hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Bất mãn với thái độ vô trách nghiệm của nhân viên ngân hàng, cô Lưu quyết định trình báo vụ việc cho cảnh sát và nhờ họ giúp tìm lại số tiền đã mất. Cảnh sát sau khi tiếp nhận vụ việc đã nhanh chóng tìm ra sự thật và đưa nó ra ánh sáng.
Theo đó, khi kiểm tra hồ sơ gửi và rút tiền, cảnh sát xác thực việc cô Lưu đã gửi 2,05 triệu NDT vào tài khoản ngân hàng liên quan. Đồng thời, họ cũng phát hiện tiền của người phụ nữ này đã bị một người chuyển đi. Người này hóa ra là anh Tôn, nhân viên quản lý quầy của ngân hàng nói trên.
Sau khi xác định được mục tiêu, cảnh sát đã tìm ra nơi ở của Tôn và bắt giữ anh ta. Tại nhà của người đàn ông này, họ đã tìm thấy 1 triệu NDT (hơn 3,4 tỷ đồng) được rút ra từ tài khoản của cô Lưu trong két sắt. Số tiền còn lại đã bị anh ta tiêu hết.
Tại đồn cảnh sát, đối tượng họ Tôn đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Anh ta khai rằng: “Tôi đã chiếm đoạt tiền của cô Lưu và đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong 2 năm qua lao dốc nên tôi đã lỗ hơn 1 triệu NDT.”
Lúc này, cô Lưu yêu cầu phía ngân hàng phải chịu một phần trách nghiệm liên quan trong vụ việc này. Tuy nhiên đối phương vẫn giữ thái độ như cũ vì cho rằng nhân viên họ Tôn đã từ chức nên không liên quan gì đến họ. Cuối cùng, cô Lưu không còn cách nào khác đành khởi kiện ngân hàng ra tòa, mong nhận được sự công bằng xứng đáng.
Theo Điều 6 Luật Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, ngân hàng thương mại có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trước sự xâm phạm của bất kỳ đơn vị, cá nhân nào. Dù nhân viên họ Tôn đã nghỉ việc nhưng theo điều tra, anh ta vẫn là quản lý quầy của ngân hàng khi sự việc xảy ra. Do đó, toà án cho rằng ngân hàng với tư cách là người sử dụng lao động cũng cần phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này và phải bồi thường thiệt hại do cô Lưu.
Về đối tượng họ Tôn, người ngày lợi dụng chức vụ để chiếm giữ trái phép tài sản ngân hàng, bị cấu thành tội tham ô, chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Với tội danh này, anh ta đã bị kết án 7 năm tù và bị phạt 100.000 NDT (hơn 348 triệu đồng).
(Theo Sohu)