NSND Thụy Vân (sinh năm 1940, quê Ninh Bình) xuất thân trong gia đình truyền thống lẫy lừng cả lĩnh vực giáo dục và nghệ thuật, với những tên tuổi như GS.NGND Nguyễn Lương Ngọc (cha), GS.NSND Nguyễn Đình Quang (chú ruột), và PGS.NGND Nguyễn Lương Tiểu Bạch (em trai).

NSND Thuỵ Vân với vai chính trong "Nổi gió", ghi dấu tên tuổi trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Khi còn học cấp 3, Thụy Vân từng nuôi ước mơ trở thành đạo diễn nhưng không được nhận vào trường Điện ảnh vì lý do còn trẻ và thiếu kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, bà lại trúng tuyển vào lớp diễn viên Điện ảnh khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam.
Sự nghiệp diễn xuất của NSND Thụy Vân thật sự thăng hoa khi bà đảm nhận vai nữ chính - chị Vân trong bộ phim Nổi gió (1966) của đạo diễn Huy Thành. Bộ phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên, khắc họa cuộc đấu tranh nội tâm và sự lựa chọn con đường cách mạng của hai chị em Vân và Phương ở hai chiến tuyến. Nổi gió xuất sắc giành giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I năm 1970.
Trong vai diễn để đời này, NSND Thụy Vân thể hiện tài tình vẻ đẹp nền nã, kiên trung và đức tính bất khuất của người phụ nữ Nam bộ. Một trong những phân cảnh gây ấn tượng mạnh mẽ và ám ảnh nhất là nhân vật chị Vân bị địch tra tấn bằng cách quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt.

Phân cảnh đốt tay ám ảnh trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Sinh thời, NSND Thụy Vân từng chia sẻ bà vẫn thấy rùng mình mỗi khi nhớ lại cảnh quay đầy đau đớn này. Để thực hiện cảnh quay, đoàn phim quấn lớp gạc, thạch cao và bông tẩm dầu lên tay bà. Cảnh này được yêu cầu phải quay "một đúp ăn ngay" mà không có diễn tập trước, đòi hỏi sự dũng cảm và chuyên nghiệp phi thường từ nữ diễn viên.
" Tôi vẫn không hiểu sao hồi đó hăng hái đến thế khi chưa hề được tập dượt. Đoàn phim cử một người ôm thùng nước to đứng cạnh tôi, khi đạo diễn hô cắt, tôi lập tức nhúng tay vào đó. Giờ nói diễn lại chắc tôi không làm được", Thụy Vân từng chia sẻ.
Vào thời điểm nghe mẹ kể chuyện, chị Ngô Anh Đào - con gái NSND Thuỵ Vân tò mò, hỏi rằng liệu bà có sợ không vì đó là một cảnh quay đầy nguy hiểm. Song, cố diễn viên trả lời: "Không, lúc ấy mẹ không sợ. Vì đã hóa thân trọn vẹn, lúc ấy mẹ nghĩ mình là chị Vân". Phân đoạn này trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Không chỉ riêng cảnh tra tấn, NSND Thụy Vân còn đối mặt với nhiều thử thách khác trong quá trình quay Nổi gió, điển hình là cảnh chèo đò trên sông giữa cơn giông bão thật sự. Cả đoàn phim phải chờ đợi hơn một tháng để có được cảnh quay này, khi thiên nhiên "phù hợp" với yêu cầu kịch bản.
Nữ nghệ sĩ từng kể: "Thuyền chòng chành giữa gió to, sấm sét đì đoàng trên đầu, còn tôi thì lạnh buốt vẫn phải diễn vẻ mặt hân hoan, vững tay chèo lái đúng như tinh thần chủ đạo của phim".
Để nhập vai chân thực nhất, dù không phải người con Nam Bộ, NSND Thụy Vân dành thời gian về sống tại nông trường Quý Cao, Hải Phòng cùng những người miền Nam tập kết ra Bắc học hỏi lối sống, cách chèo thuyền và đi chân đất trên cầu khỉ. Sự hóa thân trọn vẹn, giàu cảm xúc của bà được đánh giá là một thành công lớn, khó ai có thể làm được, biến nhân vật chị Vân trở thành biểu tượng của đội quân tóc dài.
Quá trình quay Nổi gió diễn ra trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, đoàn làm phim nhiều lần phải di tản khẩn cấp khi máy bay Mỹ đến ném bom. Tuy nhiên, tình yêu nghề và khát vọng làm nên bộ phim cách mạng ý nghĩa tiếp thêm sức mạnh cho NSND Thụy Vân và cả ê-kíp vượt qua mọi khó khăn, để Nổi gió trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển.
Bộ phim tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong lòng khán giả trên khắp cả nước. NSND Thụy Vân từng chia sẻ một kỷ niệm xúc động, minh chứng cho tình cảm mà khán giả miền Nam dành cho bà qua vai diễn chị Vân.

NSND Thụy Vân có niềm vinh dự lớn lao khi được gặp Bác Hồ.
Bà kể có những người đã vượt đường sá xa xôi từ miền Nam ra tận nhà bà ở phố Châu Long, Hà Nội, chỉ để nhắn nhủ lời của các bà má miền Nam thời đó. Họ mong muốn, sau ngày đất nước thống nhất, sẽ được ra Hà Nội để nhận NSND Thụy Vân làm con gái, nhận là người con của quê hương Bến Tre. Đây là kỷ niệm mà nữ nghệ sĩ không bao giờ quên.
Đạo diễn Huy Thành cũng từng hồi tưởng, bộ phim Nổi gió vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và khen ngợi là rất hào hùng, xúc động. Đặc biệt, NSND Thụy Vân còn có niềm vinh dự lớn lao khi được gặp Bác Hồ. Bà đã có cơ hội ngồi cạnh Bác và trực tiếp trò chuyện về bộ phim - một kỷ niệm thiêng liêng trong cuộc đời và sự nghiệp của nữ nghệ sĩ.
Trong chương trình Cine7, TS Ngô Anh Đào - con gái của cố NSND Thụy Vân mang đến nhiều kỷ vật của bà đến trường quay. Trong đó có những tấm ảnh đầy quý giá mà cố diễn viên chụp lúc đóng phim Nổi gió , khi bà vào Phủ Chủ tịch và được chụp chung với Bác Hồ.
Sau thành công của Nổi gió, bà tiếp tục tham gia hàng loạt bộ phim như Rừng xà nu, Hai người mẹ, Xa và gần, Làng nổi, Cơn lốc đen, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng Tám... Những bộ phim của bà đều gây được tiếng vang lớn. Đặc biệt, vai diễn bà tư sản Thuận Thành trong bộ phim Xa và gần giúp Thụy Vân giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ VII năm 1985, còn bộ phim giành giải Bông sen vàng.

NSND Thuỵ Vân qua đời vào năm 2023 để lại nhiều niềm tiếc thương trong lòng công chúng.
Ngoài diễn xuất, NSND Thụy Vân còn chứng tỏ tài năng ở lĩnh vực đạo diễn và sáng tác thơ. Bộ phim Cơn lốc đen do bà đạo diễn từng giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988). Tập thơ Từng giọt ngọt đời của bà cũng nhận được nhiều sự yêu mến từ độc giả.
Bộ phim cuối cùng bà tham gia là Bí mật thành phố cấm (1991). Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho nền nghệ thuật nước nhà, NSND Thụy Vân đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2019.
Ở tuổi xế chiều, NSND Thụy Vân ít xuất hiện trước công chúng, dành thời gian cho cuộc sống riêng. Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, NSND Thụy Vân qua đời ở tuổi 83, vào năm 2023. Dù đã ra đi, hình ảnh một người phụ nữ kiên cường, hết mình vì nghệ thuật, đặc biệt là vai diễn "chị Vân Nổi gió" huyền thoại, vẫn sẽ mãi sống trong ký ức và trái tim những người yêu điện ảnh Việt Nam.