Là một nhà thiết kế nội thất, theo Thái Công, đâu là sự khác nhau giữa sang trọng và xa xỉ?
Ồ, chúng cách nhau rất xa. Sang trọng vượt lên trên cả sự đắt tiền. Để được sang trọng, chúng ta cần nhiều yếu tố như trí tuệ, sự thông minh, sự tử tế, lịch lãm. Sự sang trọng đến từ phong thái và thần thái nhiều hơn. Còn xa xỉ, chúng ta có thể mua được bằng tiền.
Thú vị ở chỗ, tiền, mua được xa xỉ nhưng chưa chắc mua được sự sang trọng! Tôi theo nghề thiết kế nội thất hơn 20 năm, thí nghiệm đủ loại và đặc điểm chung là bất cứ công trình nào tôi xắn tay vào làm đều mang tinh thần sang trọng.
Đâu là phong cách Thái Công chưa bao giờ thực hiện?
Sến súa. Thái Công chưa bao giờ thực hiện phong cách sến. Tôi rất sợ sự sến súa
Theo anh thế nào là “sến”?
Sến là tất cả những gì giả tạo. Với Thái Công, những món đồ nội thất trong nhà, nếu đã là vàng thì phải là vàng thiệt, gỗ là gỗ thiệt, da là da thiệt, vải phải là vải thiệt và tinh tế Không bao giờ có chuyện lấy vật liệu nhựa rồi sơn mạ vàng lên và biến thành vàng được. Tất cả những gì trong không gian nhà bạn phải là đồ thiệt, tôn trọng chất liệu nguyên bản của nó. Đó là nơi không chứa đựng sự giả lả, lừa dối.
Đối với Thái Công, những yếu tố nào tạo nên một không gian sống lý tưởng?
Không gian sống lý tưởng là một không gian nói được văn hoá của chủ nhà. Bước chân vào ngôi nhà đó, bạn hiểu được phông nền kiến thức, văn hoá, hiểu được gu nghệ thuật, âm nhạc, thậm chí ẩm thực của gia chủ. Chưa hết, ngôi nhà ấy phải phản ánh tinh thần, có giá trị khích lệ sự phát triển tương lai của những đứa con sinh trưởng ở đó. Tất nhiên, ngôi nhà cần sự ấm cúng, thoải mái khiến người sử dụng cảm thấy thư thái nhất, tận hưởng nhất. Ví dụ như chiếc ghế sofa khi chủ nhà ngồi lên, nếu chỉ để tôn vinh cái ghế đẹp, đắt tiền thì chiếc ghế ấy chẳng khác gì món đồ ở tiệm nội thất; Quan trọng là chiếc ghế sofa hay bất cứ vật dụng khác trong nhà đều tạo nên sự ấm cúng, đẹp, xài được và giúp chủ nhân của ngôi nhà đẹp hơn, sang hơn.
Trong một ngôi nhà, theo Thái Công căn phòng nào quan trọng nhất?
Phòng ngủ - là căn phòng được chúng ta hưởng thụ một cách THẬT nhất. Người biết yêu bản thân thật sự mới biết cách nâng niu phòng ngủ. Ba má tôi từng dạy tôi rằng, phải yêu bản thân mình trước, phải mạnh mẽ trước, mình mới có thể giúp đỡ, bao dung với người khác được. Trong thiết kế nhà của tôi, hàm chứa quan điểm đó: Phòng ngủ phải đẹp nhất, được chăm chút kỹ lưỡng nhất, đó chính là cách chúng ta nâng niu, trân trọng chính bản thân mình.
Nhiều người có suy nghĩ rằng phòng khách cần sự phô trương, trau chuốt cho người ngoài tới hoan hô, trầm trồ, còn phòng ngủ không có ai bước vào nên không cần dụng công làm đẹp. Nhưng, tôi nghĩ khác, “hãy cho tôi xem phòng ngủ của bạn, tôi sẽ biết bạn là ai. Tôi sẽ biết bạn có đang sống thật với chính mình hay những gì bạn thể hiện chỉ là lớp áo màu mè, phô diễn!”.
3 phong cách thiết kế nội thất được coi là trendy nhất hiện tại dưới nhìn nhận của anh?
Tôi làm nội thất không theo hướng trendy. Trendy gắn với thời trang nhiều hơn, một năm thay đổi 2 lần theo xu hướng, còn nội thất phải có ý nghĩa vượt thời gian. Nhìn vào món đồ đó có thể biết nó thuộc giai đoạn lịch sử nào, thuộc thời kỳ, thập niên nào. Phong cách nội thất có thể thay đổi nhưng không nhanh như thời trang. Nội thất không có giá trị tức thời, bám trend mà nên là – phải là giá trị lâu bền.
Thương hiệu cá nhân, và thương hiệu sản phẩm, với Thái Công, cái nào quan trọng hơn?
Thương hiệu hình thành khi chúng ta tạo nên được sản phẩm đẹp, chất lượng, có giá trị chứ không phải xây từ một thương hiệu ảo. Thương hiệu sẽ không bao giờ hình thành nếu chúng ta tạo ra sản phẩm yếu kém. Thái Công là người luôn tin “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu sản phẩm tốt, tự động khách hàng, đối tác sẽ biết đến mình, tìm kiếm những sản phẩm do mình tạo nên. Sản phẩm đó chính là thương hiệu. Nhưng, trước tiên, chúng ta phải sản xuất ra sản phẩm đẹp, và khi đã đẹp, chất lượng thì tự động nó sẽ phát triển thành thương hiệu.
Người Việt thường trả tiền nhiều hơn cho thương hiệu quốc tế hơn là thương hiệu địa phương, Thái Công nghĩ sao về điều này?
Không đúng. Người ta sẵn sàng trả tiền nhiều hơn vì sản phẩm tốt chứ không vì thương hiệu. Người hoàn hảo có xu hướng tìm những thứ, những người làm tốt nhất cho mình. Cũng như khi chúng ta có bệnh, chúng ta sẽ tìm kiếm những bác sĩ tốt nhất, giỏi nhất. Ví dụ, ở Việt Nam, bác sĩ đó không chữa được bệnh thì chúng ta qua bên Đức, Pháp, Mỹ… chữa bệnh. Nếu đồng hồ Thuỵ Sỹ đẹp nhất thế giới thì tại sao trong điều kiện cho phép, chúng ta không dùng đồng hồ Thuỵ Sỹ mà bắt buộc phải xài đồng hồ Việt Nam?
Nếu Việt Nam sản xuất ra những sản phẩm hoàn hảo, thì không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài cũng sẵn sàng sử dụng. Người ta chấp nhận bỏ ra 25.000 đô la mua cái sofa, bởi người ta hiểu được giá trị của nó. Nếu Việt Nam sản xuất được sản phẩm tốt như vậy, vậy ok, sản xuất đi. Người Việt có tiền rất thông minh và họ xài tiền rất thông minh. Họ thà mua đồ mắc tiền xài được lâu còn hơn mua đồ rẻ và chỉ xài được trong thời gian ngắn. Vì những người đó tập trung vào những sản phẩm hoàn hảo nhất, họ yêu cầu tính duy mỹ cao, gần như tuyệt đối.
Anh định nghĩa như thế nào về thương hiệu Quách Thái Công?
Thương hiệu của tôi là của cá nhân tôi – một nhà thiết kế và trang trí nội thất. Mấy chục năm nay, tôi không ngừng tìm kiếm và đưa những sản phẩm đẹp nhất thế giới tới gần hơn người Việt. Giống như đầu bếp, nơi nào có thực phẩm ngon nhất, nơi nào có cách chế biến sáng tạo độc đáo nhất, tôi tỉ mỉ tìm hiểu. Tôi đi tìm những chiếc bàn, chiếc ghế, cái ly, cái tách… đẹp nhất, ở những nơi sản xuất ra những sản phẩm hoàn hảo nhất thế giới, và mang về đây, phối lại với nhau và sáng tạo nên những không gian và những ngôi nhà sang trọng, quý phái.
Lần đầu tiên găp khách hàng, Thái Công thường bắt đầu câu chuyện với họ bằng những câu hỏi gì?
Anh chị đã đi du lịch ở đâu? Thường đi bao nhiêu ngày, ở khách sạn nào? Anh chị thức dậy lúc mấy giờ? Anh chị thích ăn món gì, ăn với ai? Anh chị thích đọc sách gì? Thích nghe thể loại nhạc gì – Opera, hay Rock? Anh chị thích kiểu thời trang nào?... Tất cả những điều đó hình thành nên phong cách. Tôi tìm hiểu phong cách của họ hoặc có thể nếu họ chưa nhận ra, tôi sẽ đánh thức sở thích, phong cách của khách hàng!
Làm thế nào Thái Công hiểu được phong cách của khách hàng?
Tôi sẽ tiếp xúc họ, trò chuyện với họ, cùng đi ăn, cùng nghe nhạc… Nói chung tìm hiểu rất nhiều. Sau những trò chuyện ban đầu đó, tôi bắt đầu tìm hiểu điều quan trọng nhất, là công năng sử dụng ngôi nhà khách hàng hướng tới. Ví như, họ có nhiều bạn bè, khách khứa thường xuyên lui tới, rõ ràng họ cần tới một chiếc bàn ăn thiệt bự. Ngược lại, người nào thích ăn hàng, ít ăn nhà thì sẽ không cần tới một chiếc bàn hoành tráng.
Công năng sử dụng là yếu tố đầu tiên trong thiết kế nội thất chứ không phải lựa chọn màu sắc, hay cân nhắc về phong cách cổ điển, tân cổ điển, hiện đại… Công năng sử dụng của các ngôi nhà cũng dần thay đổi, một cái phòng tắm không chỉ dùng để tắm, mà chúng ta có thể đọc sách trong đó. Vậy tại sao chúng ta không đặt thêm một cái bồn tắm trong phòng thư viện của nhà mình – vừa đọc sách, vừa nghe nhạc, vừa tắm chẳng phải rất tuyệt hay sao! Rồi, phòng ngủ không chỉ dùng để ngủ, mà trước khi đi ngủ có thể xem tivi, đọc sách… Vậy có thể làm thêm một không gian thư giãn trong phòng ngủ nữa.
Công năng sử dụng sẽ thay đổi theo thời gian, nhà thiết kế nội thất phải nhìn được tiến trình thay đổi đó, mục tiêu cuối cùng là sáng tạo cho khách hàng không gian sử dụng hoàn hảo, tối ưu. Tiêu chí đó buộc tôi phải tìm hiểu kỹ càng, không ngừng đặt câu hỏi: “Khách hàng cần gì trong ngôi nhà của họ?”
Phong cách thiết kế nội thất sẽ thay đổi theo sự phát triển của thành thị, văn hoá, tư duy. Thái Công nghĩ sao về quan điểm này?
Dĩ nhiên sẽ thay đổi, tuỳ thuộc vào công năng sử dụng của con người tại mỗi thời điểm. Chưa kể, trình độ sản xuất ngày nay cũng khác ngày xưa. Thẩm mỹ ngày nay cũng khác ngày xưa.
Ví dụ, phòng làm việc của Thái Công ko nhất thiết phải có một cái bàn họp vì tôi nhận thấy sự vô lý rằng tại sao phải có một cái bàn họp trong phòng làm việc. Những người khách tới đây để trò chuyện, hưởng thụ cuộc sống chứ không phải để họp hành căng thẳng. Họ đã bận rộn cả ngày, tới đây chẳng lẽ lại bắt họ ngồi họp tiếp? Tại sao không mời họ ngồi trên một chiếc sofa mềm mại, được tận hưởng những dịch vụ tốt nhất, thưởng thức những món ngon, xem những bản vẽ trình chiếu trên tivi…
Vì sao bản thân đang là một nhà thiết kế nội thất, Thái Công lại muốn thổi một luồng gió mới vào kiến trúc?
Tôi muốn truyền cảm hứng cho người trẻ - những người đang theo đuổi ngành nghề này. Chúng ta có quyền tự hào về một thành phố Sài Gòn, Hà Nội có thẩm mỹ, được thế giới khen ngợi; Và chúng ta có thể dựng xây nên những công trình đẹp, có gu riêng, có phong cách riêng mà không phải đi copy sến súa ở bất cứ đâu.
Thái Công anh thích công trình kiến trúc nào của Việt Nam nhất?
Những công trình được xây thập niên 1960s, đơn cử như Dinh Độc Lập mang lại cho tôi rất nhiều cảm hứng. Hồi nhỏ, tôi đã từng kinh ngạc, trầm trồ không ngớt khi đứng trước công trình này bởi nhìn bên ngoài hay nội thất, kiến trúc bên trong quá đẹp. Cực kỳ đẹp! Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao mình không lấy những ý tưởng đó để vận dụng, sáng tạo vào những công trình mới hôm nay!
Theo Thái Công, thế nào là một nhà thiết kế tử tế?
Khi bắt đầu bắt tay làm một công trình nào đó, luôn nghĩ tới xung quanh, nghĩ tới người kế bên, thành phố mình ở, đất nước mình đang sinh sống. Chúng ta không sống một mình mà bao quanh là những con người khác nữa. Mình xây dựng sao cho không làm phiền người khác, không xây cái nhà nhằm mục đích “hù doạ” người ta vì sự giàu có, ngược lại khiến người sống kế bên tự hào, làm tăng giá trị cho những người sống kế bên nữa.
Thái Công có phải nhà thiết kế tử tế?
Có! Tôi tin mình là một nhà thiết kế tử tế. Tôi là người sáng tạo ra cái chữ này (“tử tế” – PV) luôn. Chưa ai dùng nhà thiết kế tử tế hay kiến trúc sư tử tế. Sự tử tế của mỗi người rất quan trọng đối với đất nước chúng ta trong thời điểm hiện tại. Đất nước đang đà phát triển nhanh, mạnh, nếu trí tuệ chúng ta không phát triển nhanh bằng tốc độ phát triển kinh tế thì dễ dẫn tới việc làm những điều sai trái, mai mốt sẽ phải hối hận, tiếc nuối và không cách gì sửa được. Ví dụ như những công trình cổ bị đập phá, một ngày nào đó chúng ta sẽ hối hận và không bao giờ có thể lấy lại kiến trúc lộng lẫy đó.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!