Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu thu thuế nhà ở
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa phê duyệt Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 nhằm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý.
Cụ thể, Bộ Tài chính được giao chủ trì chiến lược cải cách thuế theo hướng đảm bảo khả năng duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu thu thuế nhà ở.
Trong đó, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp) sẽ tiếp tục được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.
Sau khi tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế với nhà, từ đó khuyến khích sử dụng hiệu quả, hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Trước đó, nội dung này từng được đề cập tại Chiến lược tài chính đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 3.
Bên cạnh đó, đầu tháng 3, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương góp ý trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Ngoài ra, Bộ còn lấy ý kiến về chính sách thu hiện hành trong quá trình sử dụng tài sản, bao gồm Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Ủy ban Chứng khoán nói về hoàn tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo về việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư liên quan đến 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để giải quyết.
Theo cơ quan quản lý, hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Ngôi Sao Việt; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Khách sạn Soleil; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cung điện Mùa Đông để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Vụ việc này liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn của các nhà đầu tư tại 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 bị hủy bỏ theo Quyết định 181 ngày 3/4 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
"Do đó, về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư liên quan đến việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để giải quyết", cơ quan này thông báo.
Đồng thời, Ủy ban đề nghị các nhà đầu tư liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Phản đối đề xuất xin miễn, giảm thuế của các hãng hàng không
Thời gian qua, một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm nay, giảm thuế VAT xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, Bộ Tài chính cho biết trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ này đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp ngành hàng không), tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Riêng đối với ngành hàng không, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 3 nghị quyết quy định giảm 30% đến 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Trong đó, mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng trong năm 2022 là 50%.
Như vậy, so với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung còn được áp dụng chính sách hỗ trợ về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ngay từ khi thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Theo cơ quan này, trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo nhiều nhiệm vụ chi quan trọng, việc đặt vấn đề bổ sung thêm các giải pháp để hỗ trợ cho ngành hàng không cần được cân nhắc, tính toán cẩn trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước.
Doanh nghiệp thành lập mới tháng 4 đạt kỷ lục
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 4 này, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 doanh nghiệp.
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.
Cụ thể, theo Tổng Cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 49.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 635.300 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 348.200 lao động, tăng 12,3% về số doanh nghiệp, tăng 1,2% về vốn đăng ký và tăng 2,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 12,8 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả hơn 1,34 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 17.100 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay là hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
4 tháng đầu năm, gần 11 tỷ USD "chảy" vào Việt Nam
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài 4 tháng qua đạt hơn 10,8 tỷ USD.
Cụ thể, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vốn đăng ký mới giảm 56,3% nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tăng mạnh lần lượt là 92,5% và 74,5%.
4 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vốn đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, Bình Dương là địa phương dẫn đầu với tổng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký gần 2,35 tỷ USD, chiếm 21,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,57 tỷ USD. TPHCM vượt lên xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 1,28 tỷ USD.
Xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TPHCM, Hà Nội. Trong đó, TPHCM dẫn đầu về số dự án mới (39,9%); số lượt góp vốn, mua cổ phần (70,4%) và đứng thứ 2 về số lượt dự án điều chỉnh vốn (13,6%, sau Hà Nội là 16,1%).