Công nghệ

Nỗi sợ bị AI "loại từ vòng gửi xe"

Ngày càng nhiều công ty ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tìm kiếm, chọn lọc hồ sơ, thậm chí dùng AI để phỏng vấn ứng viên. Nhưng thay vì mang lại cảm giác mới lạ, các thuật toán lại khiến nhiều người cảm thấy áp lực, lo lắng. Chủ đề "những cách để chiều lòng AI" đang trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Nỗi sợ AI

Trong video trên Weibo tuần trước, Wang Shuang, sống ở Bắc Kinh, kể lại trải nghiệm phỏng vấn của mình tại một ngân hàng ở Hà Nam. Thay vì đối mặt với nhân sự công ty, Shuang được sắp xếp phỏng vấn qua màn hình với một AI. Có tổng cộng bốn câu hỏi và với mỗi câu, ứng viên có 30 giây suy nghĩ và hai phút để trả lời. Các câu hỏi được AI chọn ngẫu nhiên, có thể về kinh nghiệm hoặc về một bài kiểm tra tính kiên nhẫn. Cô nói không lo lắng về nội dung vì đa số đã có đáp án trên các hội nhóm nhưng vẫn thấy hồi hộp khi đối mặt AI.

"Nó khó chịu hơn cả một cuộc phỏng vấn trực tiếp với người thật. Bạn gần như độc thoại, không có tương tác, chỉ ngồi chờ AI hỏi và phải thể hiện cho thật tốt", cô nói.

Ngày càng nhiều công ty dùng AI để lọc hồ sơ ứng viên. Ảnh: Ismguide

Ngày càng nhiều công ty dùng AI để lọc hồ sơ ứng viên. Ảnh: Ismguide

Shuang đã tham khảo trước kinh nghiệm của nhiều người. Đa số nhắc cô chú ý đến từng cử động nhỏ, luôn nhìn trực diện, không né tránh, nói lắp... Nếu có bất kỳ biểu hiện nào, AI có thể cho rằng ứng viên đang lo lắng và trừ điểm dù nội dung trả lời tốt đến đâu. Khi đang phỏng vấn, một trang quảng cáo bất ngờ bật lên trên màn hình của Shuang, cô vội tắt đi và kết quả là bị AI đánh rớt vì hành động "không nghiêm túc".

Xing Xing, một người dùng Weibo, cho biết ứng viên nên đọc kỹ các câu trả lời trong ngân hàng câu hỏi của AI. Tuy nhiên, thể hiện thế nào để làm hài lòng trí tuệ nhân tạo còn quan trọng hơn. Lần đầu, Xing Xing "đối mặt" với AI của một công ty dược. Trước khi phỏng vấn, cô đã dành ra nửa tiếng để trang điểm, làm tóc cẩn thận nhưng câu hỏi đầu tiên làm cô mất cảnh giác. "Tôi không chuẩn bị cho câu hỏi này nên hơi hoảng. Kết thúc vòng một, tôi nghĩ mình đã quá 'ngây thơ' trước máy móc và quên các thủ thuật để làm hài lòng AI", cô kể.

Nhiều người xác nhận đa số các kinh nghiệm phỏng vấn thông thường không áp dụng được với máy móc. "Chúng không tạo cảm giác giao tiếp giữa người với người. AI thật tàn nhẫn, tôi đã phỏng vấn hai lần với máy vào ban đêm và trầm cảm đến mức rụng tóc", một nam nhân viên văn phòng nói.

Tìm cách lấy lòng trí tuệ nhân tạo

Dù đã chuẩn bị kỹ kiến thức liên quan đến công việc, Xing Xing vẫn bị AI đánh trượt ba lần. Cô đặt ra một loạt câu hỏi: Liệu mình có cười quá ít không? Ngồi thẳng lưng chưa? Cười thế nào không bị xem là "cười đểu"?... Cô cho rằng có thể có một "phép thuật" nào đó để đánh bại sự cứng nhắc của AI.

Cô quyết định đi tìm bí kíp để lấy lòng AI và phát hiện nhiều người cũng như mình. Họ cho rằng trí tuệ nhân tạo rất giỏi nắm bắt các biểu cảm tinh vi của con người, nhưng chúng là máy móc nên vẫn có cách vượt qua. Ví dụ, cần nhìn thẳng vào màn hình, phát âm to, rõ ràng, tránh căng thẳng... Tuy nhiên, không ai biết chắc đâu là điều AI thật sự hài lòng về một ứng viên.

Một số chuyên gia khuyên ứng viên không nên quá căng thẳng khi đối mặt AI. Trước kỳ phỏng vấn họ nên chuẩn bị và thực hành trả lời câu hỏi nhiều lần. Chủ đề phỏng vấn do AI đưa ra thường là kiến thức nền tảng và liên quan đến công ty,. Ứng viên nên duy trì giọng điệu ổn định, chú ý đến cử động cơ thể và ánh mắt. Một số thao tác vô thức như sờ mũi, vuốt tóc có thể bị AI cho là đang căng thẳng. Đặc biệt, ứng viên không nên trả lời trống không, kể cả phía đối diện chỉ là một cỗ máy.

Yang Baoquan, đối tác cấp cao của công ty luật Zhongyin, cho rằng AI hiện chủ yếu đánh giá ứng viên qua phân tích câu trả lời, biểu cảm, biểu hiện và cảm xúc. Nhiều tổ chức Trung Quốc như Viện nghiên cứu tuyển dụng Zhaopin đã đưa mô hình phỏng vấn AI ra thị trường để mọi người có thể luyện tập. Các nhà cung cấp dịch vụ AI phỏng vấn của Trung Quốc ngày càng nhiều, trong đó có Difu Technology, Echeng Technology, Magic Mirror và Jinyu Intelligence.

Tranh cãi

Việc dùng AI để phỏng vấn ngày càng phổ biến, nhưng nhiều người cho biết họ vẫn chưa sẵn sàng cho thay đổi này. Nhiều người lo ngại nhóm nhân sự hướng nội sẽ gặp bất lợi. Không phải vị trí công việc nào cũng phù hợp với hình thức phỏng vấn AI. Theo Tian Juanjuan, các vị trí chính đang được tuyển dụng bằng trí tuệ nhân tạo chủ yếu là công việc cơ bản như dịch vụ khách hàng, nhân viên giao cuộc hẹn trực tuyến, tiếp thị qua điện thoại, tài xế...

Kết quả phỏng vấn AI không phải là kết quả tuyển dụng cuối cùng. Một số công ty Internet cho biết khâu này chỉ để sàng lọc hồ sơ nhằm tìm nhân sự phù hợp. Các công ty lớn có quá nhiều ứng viên nên họ cần AI để giảm bớt công việc cho nhân sự nội bộ. Tuy nhiên, nhiều ứng viên cho rằng máy học không đáng tin cậy và doanh nghiệp không nên dựa vào AI để quyết định loại một ứng viên nào đó từ "vòng gửi xe" trước khi tiếp xúc trực tiếp.

Tian Juanjuan phân tích, phỏng vấn xin việc xét cho cùng là sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau. Máy móc chỉ nên cung cấp thông tin tham khảo, việc đánh giá cuối cùng vẫn cần do con người. Các AI phỏng vấn hiện tại chỉ có thể giải quyết một số tình huống, xử lý nhanh nguồn hồ sơ đầu vào, không thể thay thế con người. Trong lĩnh vực nhân sự, AI cần đóng vai trò kiến tạo cơ hội nhiều hơn là quyết định loại ứng viên.

(theo Sina)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm