Theo tin từ Sở Giao dịch TP Hồ Chí Minh (HOSE), nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán bớt 457.300 cổ phiếu FPT vào ngày 21/10. Sau giao dịch, Dragon Capital hạ tỷ lệ sở hữu tại FPT còn 4,9643%, tương đương 54,46 triệu cổ phiếu.
Ngày thay đổi tỷ lệ sở hữu là 25/10. Do tỷ lệ nắm giữ nhỏ hơn 5% nên Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của FPT.
Hôm 3/10, Dragon Capital đã bán 700.000 cổ phiếu FPT để giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,0446% xuống còn 4,9807% và rời ghế cổ đông lớn của tập đoàn công nghệ của Chủ tịch Trương Gia Bình.
Sau đó, nhóm quỹ ngoại này mua hàng trăm nghìn cổ phiếu FPT và quay lại làm cổ đông lớn vào ngày 21/10 với tỷ lệ sở hữu 5,006%, tương đương 54,92 triệu đơn vị. Đến ngày hôm nay 25/10, Dragon Capital lại không còn là cổ đông lớn của FPT như đã nói ở trên.
Kết phiên hôm nay, giá FPT dừng ở 73.200 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 80.302 tỷ đồng. Số cổ phiếu FPT mà Dragon Capital đang sở hữu có giá trị thị trường khoảng 4.000 tỷ đồng.
So với đầu năm 2022, giá cổ phiếu FPT hiện nay thấp hơn 5%. Biểu đồ bên dưới cho thấy nếu so với đầu năm 2020 hay 2021, giá FPT hiện nay vẫn cao hơn đáng kể.
Hiện nay, FPT là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 15 thị trường chứng khoán Việt Nam, sau các tập đoàn khổng lồ như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM), Novaland (NVL), ... đồng thời đứng trên nhiều tên tuổi khác như Thế Giới Di Động (MWG), Techcombank (TCB), Vietjet (VJC), ...
Ngày 20/10 vừa qua, FPT công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 3.731 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 579 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của FPT đạt 10.807 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với 9 tháng 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.740 tỷ, tăng 22%.
Khối công nghệ (bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp 57% doanh thu và 47% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn. Cụ thể, khối công nghệ ghi nhận 17.742 tỷ đồng doanh thu và 2.635 tỷ đồng lãi trước thuế trong ba quý vừa qua, tăng trưởng lần lượt 24% và 26% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 13.479 tỷ đồng, tăng 29%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2021. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 42%) và châu Á - Thái Bình Dương (tăng 56%). Thị trường Nhật Bản chịu tác động của việc đồng yen mất giá nhưng vẫn tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.