"Nghe tin thời tiết mấy ngày Tết mưa phùn và lạnh, tôi tính sắm máy sấy do quần áo phải sử dụng nhiều hơn mà không thể phơi như bình thường", chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) nói. Tuy nhiên, chị đang lăn tăn vì tham khảo trên các hội nhóm, một số người bình luận là dùng máy sấy tiện nhưng quần áo không thơm như phơi dưới nắng và nhất là rất tốn điện.
Anh Thành Trung, quản lý một cửa hàng điện máy ở thành phố Nam Định, cho biết mấy ngày nay lượng người quan tâm đến máy sấy tăng đột biến. Lý do là năm nay Tết được dự báo mưa lạnh, các gia đình lại có con cháu ở xa về hội tụ một lần mỗi năm vào dịp này. "Đông người và có trẻ nhỏ, kết hợp thời tiết mưa phùn nên cần máy sấy. Tuy nhiên, cũng vì vậy một số sợ lãng phí nếu chỉ sử dụng máy trong thời gian ngắn", anh nói.
Đã xuất hiện trên thị trường nhiều năm, chủ đề về máy sấy vẫn tiếp tục tạo ra tranh luận trên các diễn đàn. Có người cho biết dùng máy sấy dễ "gây nghiện" bởi sự đơn giản và tiện dụng, trong khi một số khác cho rằng chỉ nên dùng vào những ngày thời tiết không thuận lợi, mùa nồm ẩm để tránh lãng phí.
Theo chuyên gia công nghệ Minh Tiến, người dùng nên nắm được chi phí sử dụng thực tế của từng loại máy để cân nhắc so với thu nhập, mức độ chi tiêu trong gia đình. Về tính tiện dụng, rõ ràng máy sấy có ưu thế hơn khi tiết kiệm thời gian, công sức cho người dùng. "Nếu tạo thói quen phân loại vải, đặc tính để chọn chế độ sấy, thời gian sấy phù hợp, quần áo cũng rất ít khi bị nhăn, thơm lâu hơn và không bám bụi như khi phơi", ông Tiến phân tích.
Máy sấy quần áo bán tại Việt Nam hiện có ba công nghệ chính gồm thông hơi, ngưng tụ và bơm nhiệt ngưng tụ (heatpump). Trong đó, hai loại đầu tốn điện nhất và gần tương đương nhau với giá khoảng 5-10 triệu đồng. Loại tiết kiệm hơn cả là máy sấy bơm nhiệt ngưng tụ nhưng giá lại cao hơn, từ 15 đến hơn 20 triệu đồng. Các kết quả đo thực tế cho thấy khi dùng cùng một công nghệ, mức tiêu thụ điện giữa các hãng khác nhau là không đáng kể.
Xem chỉ số tiêu thụ điện thực tế của một số loại máy sấy
Với máy sấy giá rẻ như thông hơi hoặc cao hơn một chút là ngưng tụ, mỗi lần sấy ở chế độ hỗn hợp hoặc chế độ vải cotton trung bình tốn khoảng 2,6 số điện, tương đương 6.500 đồng (lấy giá điện 2.500 đồng/số). Thực tế sử dụng nếu sấy liên tục trong 30 ngày, một tháng tốn khoảng gần 200.000 đồng tiền điện. Ông Tiến cho biết đo thực tế với máy heatpump cho thấy tốn chưa bằng một nửa so với máy thông hơi. Nếu sử dụng liên tục trong tháng, máy sấy bơm nhiệt tốn chưa tới 100.000 đồng. Các kết quả thử nghiệm được thực hiện với máy sấy 8-9 kg.
Theo ông Tiến, tiền điện tiêu thụ của máy sấy thực ra thấp hơn nhiều các thiết bị quan trọng khác trong nhà như điều hòa, máy nước nóng, máy sưởi, nhưng tốn hơn gấp rưỡi so với một mẫu tủ lạnh thông thường (tiêu thụ khoảng 50 số điện cho tủ khoảng 300 lít mỗi tháng).
"Ngoại trừ chi phí mua thiết bị ban đầu, tiền điện tiêu thụ theo tôi không lớn so với những ích lợi mà máy sấy có thể mang lại. Sản phẩm này có thể dùng thường xuyên, hiệu quả nếu sử dụng đúng cách thay vì chỉ dùng trong những ngày mưa ẩm", ông Tiến kết luận.