Trước đây, ngôi vị Hoa hậu và chiếc vương miện là ước mơ to lớn, thậm chí có phần xa xỉ, bởi giữa hàng trăm nghìn, hàng triệu cô gái thì chỉ một hoặc vài người đạt được nó. Nhưng giờ đây, giấc mơ trở thành Hoa hậu dường như đã được kéo gần lại hơn bao giờ hết khi hàng chục cuộc thi được tổ chức chỉ trong vòng một năm.
Sự "bùng nổ" các cuộc thi nhan sắc và "nở rộ" về số lượng Hoa - Á hậu đó phải chăng là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành cường quốc Hoa hậu mới, hay là báo hiệu đã đến lúc thị trường sắc đẹp cần phải "thanh lọc" để những chiếc vương miện không còn bị "tuột giá"?
Khán giả ngơ ngác: Hoa hậu đăng quang cuộc thi gì? Lúc nào?
Năm 2022 quả thực là thời điểm thị trường nhan sắc trong nước vô cùng sôi động. Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022 cả nước có tổng cộng khoảng 22 cuộc thi người đẹp, người mẫu. Nhưng trên thực tế, số cuộc thi đã diễn ra lớn hơn khá nhiều bởi có những cuộc thi tổ chức trong quy mô nhỏ, thậm chí là tổ chức khi chưa được cấp phép, chưa ai biết đến.
Ngoài những cuộc thi lớn, có uy tín lâu năm như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Vietnam), thì các cuộc thi được đặt tên theo từng lĩnh vực cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể kể tới Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (Miss Grand Vietnam), Miss Peace Vietnam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam (Miss Fitness Viet Nam), Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam…
Chưa kể, có những cuộc thi tổ chức quy mô nhỏ, thậm chí khi công bố Hoa hậu khán giả mới ngơ ngác đặt câu hỏi: Đây là cuộc thi gì, diễn ra khi nào, ở đâu?
Thống kê các cuộc thi Hoa hậu tổ chức trong năm 2022
Sau mỗi cuộc thi, có ít nhất 1 Hoa hậu và 2 - 4 Á hậu. Nhân lên hàng chục cuộc thi được tổ chức trong vòng một năm, cộng với các Hoa - Á hậu từ trước, công chúng không phân biệt nổi cô nào là Hoa hậu, đăng quang cuộc thi gì cũng là điều dễ hiểu. Giữa một loạt những cô gái mang danh hiệu của năm 2022, đọng lại trong trí nhớ của khán giả đại chúng cũng chỉ có vài cái tên như Thiên Ân (Miss Grand Vietnam), Bảo Ngọc (Hoa hậu Liên lục địa), Ngọc Châu (Miss Universe Vietnam)...
Một trong những hiện thực tại làng giải trí Việt Nam là danh hiệu Hoa hậu có năng lực thay đổi cuộc đời một ai đó, giúp họ có được vị trí hạng A mà nhiều người hoạt động nghệ thuật hàng chục năm trời vẫn chưa thể chạm tới. Đó là lý do nhiều cô gái trẻ quyết tâm tham gia hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, từ năm này qua năm khác chỉ để tìm kiếm một danh hiệu.
Và không chỉ các cô gái trẻ, những “quý bà” ngày nay cũng khát khao hiện thực hóa ước mơ trở thành Hoa hậu dù đã quá tuổi so với các cuộc thi chính thống. Nào là Hoa hậu Quý bà Việt Nam, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân, Hoa hậu Doanh nhân châu Á,... Thậm chí các quý bà sẵn sàng chi tiền để tổ chức cuộc thi chỉ vài người tham dự với nhau, không quan trọng quá trình tổ chức ra sao, miễn sao mỗi người đều có “quà” mang về là những danh hiệu Hoa hậu, Á hậu, Người đẹp, Nữ hoàng…
Chính vì thế, các cuộc thi cứ ngày càng được sản sinh, không chỉ để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm biểu tượng sắc đẹp cho xã hội, mà còn để thỏa mãn mong ước danh hiệu của người đi thi.
Thời bão hòa Hoa hậu, đến “chánh cung” cũng bị “flop”
Cái gì càng hiếm thì càng có giá trị - đó là quy luật xưa nay. Danh xưng Hoa hậu và vương miện ngày càng nhiều thì hiển nhiên “sức nóng” và giá trị của nó cũng ngày càng giảm. Hơn thế, những cuộc thi “ao làng” mang mác “Hoa hậu” với chất lượng kém từ khâu tổ chức đến thí sinh dễ khiến khán giả đánh đồng và định kiến, gây ảnh hưởng đến các cuộc thi uy tín cũng như các Hoa - Á hậu chân chính.
Ngay cả cuộc thi có lịch sử lâu đời và uy tín nhất hiện nay - Hoa hậu Việt Nam cũng không tránh khỏi hệ lụy từ tình trạng “bão hòa Hoa hậu”. Người ta vẫn mong chờ, nhưng không có nhiều sự háo hức như trước. Công thức chọn Hoa hậu vẫn là một cô gái trẻ, mới toanh, có nhan sắc - học thức, hiền lành, lý lịch đẹp - không có gì bất ngờ. Sau khi đăng quang, Hoa hậu chưa đủ sức nóng truyền thông để được nhắc đến trong một cộng đồng lớn hay tạo được sức hút thực sự bùng nổ theo quy mô “quốc dân” - nhà nhà, người người đều biết như các kỳ Hoa hậu Việt Nam nhiều năm trước. Bởi vì cái người ta quan tâm nhiều hơn hiện nay là Hoa hậu có phát ngôn gì, có “phốt” gì trong quá khứ không…
Mục đích chính của các cuộc thi Hoa hậu là tìm ra người đại diện cho nhan sắc, vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam, thực hiện những hoạt động vì cộng đồng, tạo ra những giá trị đẹp đẽ cho xã hội. Những năm gần đây, lựa chọn người phù hợp để đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng được đưa lên làm một trong những tiêu chí hàng đầu.
Trước tiên, nói đến việc tìm kiếm một vẻ đẹp mang tính biểu tượng thì hiện nay mỗi cuộc thi đều đưa ra các tiêu chí riêng cho người được chọn làm Hoa hậu. Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát thì hầu như cuộc thi nào cũng có chung một công thức tìm ra Hoa hậu là gương mặt - thân hình đẹp, có trí tuệ, nhân cách.
Nếu làm đúng công thức đó, ta sẽ có một thế hệ những người đẹp trẻ tuổi tài sắc vẹn toàn, truyền được cảm hứng và nguồn năng lượng tích cực đến với cộng đồng. Nhưng trên thực tế, có những Hoa hậu vừa đăng quang liền bị phơi bày một loạt tai tiếng, thị phi đời tư trong quá khứ, chưa kịp bày tỏ kế hoạch thực hiện sứ mệnh Hoa hậu đã phải đi xử lý khủng hoảng truyền thông, đính chính hết tin đồn này đến nghi vấn nọ, vài tháng trời đăng quang vẫn chưa thấy có hoạt động gì nổi bật vì cứ ngoi lên là bị lôi lại “phốt” cũ.
Bên cạnh đó, hiện nay công chúng cũng chưa thấy những đóng góp rõ ràng, cụ thể và thực sự gây dấu ấn của nhiều Hoa hậu. Không khó để nhận thấy nhiều nhan sắc sau khi đăng quang chỉ tập trung đi sự kiện, lấy danh để kiếm thêm các hợp đồng quảng cáo hay làm bàn đạp để tiến vào showbiz. Trong khi đó, những hoạt động, dự án cộng đồng hoàn toàn mờ nhạt hoặc bị phớt lờ.
Cách đây vài tháng, Hoa hậu Thể thao Việt Nam - Đoàn Thu Thủy ngay trong đêm đăng quang đã bị lan truyền clip trong một khu giải trí và nghi vấn sử dụng chất kích thích. Hay như Hoa hậu các dân tộc Việt Nam - Nông Thúy Hằng bị khui từng quảng cáo trang web 18+ và những tin đồn đời tư trong quá khứ. Cho đến nay, những Hoa hậu này chưa để lại dấu ấn gì trong các hoạt động xã hội, đương nhiên cũng không nằm trong danh sách đại diện Việt Nam thi quốc tế.
Mặt khác, sau những thành tích ấn tượng của H’Hen Niê tại Hoa hậu Hoàn vũ, Thùy Tiên tại Miss Grand International, Phương Khánh tại Miss Earth, fan sắc đẹp Việt luôn khao khát về một “cường quốc Hoa hậu Việt Nam”, về một vị trí cao trên bản đồ nhan sắc thế giới. Điều đó khiến chúng ta cứ mải mê tìm kiếm đại diện, mở ra hàng loạt cuộc thi. Nhưng chúng ta quên mất rằng, các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới không nhiều, bản quyền Việt Nam sở hữu cũng có hạn.
Vậy thì, việc mở ra hàng loạt cuộc thi nội địa là chưa cần thiết so với nhu cầu lựa chọn nhan sắc đại diện Việt Nam tại quốc tế, đồng thời cũng chưa tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng như mục đích ban đầu.
Có lẽ, đã đến lúc xem xét lại rằng chúng ta có thực sự cần nhiều Hoa hậu - Á hậu - người đẹp đến thế không? Thay vì tập trung vào số lượng thì tổ chức ít cuộc thi, nhưng mỗi cuộc thi đều được đầu tư đủ “chất và lượng” sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.