Sáng 9/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết, thực hiện Nghị quyết 53 và Kết luận số 27, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và Vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã có những chuyển biến hết sức tích cực, qua đánh giá sơ bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng, tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ, năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước.
Năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước. Kinh tế tư nhân của Vùng phát triển năng động, mạnh mẽ; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển khá và đạt trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cao ở mức hàng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Lĩnh vực y tế được cải thiện, nhất là y tế chuyên sâu đã có những thành tựu ngang tầm khu vực và thế giới.
Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đạt được một số thành tựu nổi bật. TPHCM dần trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin của Vùng và cả nước.
Còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được.
Công nghiệp của vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn. Tình trạng ngập úng thường xuyên.
Hạ tầng xã hội chưa theo kịp sự phát triển. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Liên kết giữa các địa phương trong Vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội Vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài để nâng cao năng lực cạnh tranh vùng…
Để đạt được các mục tiêu đề ra trong phát triển vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Theo đó, phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng quy hoạch, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Cùng với đó, tập trung phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.