Anh H.T.T (33 tuổi, một thợ hồ tại TPHCM) luôn tự tin vào sức khỏe của mình. Với vóc dáng khỏe khoắn và tuổi còn trẻ, anh chưa từng nghĩ đến việc khám sức khỏe định kỳ. Hút thuốc lá hơn một thập kỷ, người đàn ông này cho rằng đột quỵ chỉ là câu chuyện xa xôi trên báo chí hay truyền hình. Nhưng một buổi trưa định mệnh cách đây hơn một tuần đã thay đổi tất cả.
Cơn đột quỵ bất ngờ
Trong lúc đang làm việc tại công trường, anh T. bất ngờ ngã quỵ, nửa người bên trái gần như liệt hoàn toàn, miệng ú ớ không nói được. Đồng nghiệp hoảng loạn đưa anh đến bệnh viện.
Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán anh bị đột quỵ. May mắn, anh được đưa đến viện sớm, khoảng thời gian “vàng” quan trọng để cứu sống và giảm thiểu di chứng.
Chị N. (vợ bệnh nhân) kể lại khoảnh khắc nhận được cuộc gọi báo chồng nhập viện. Chị vội vã đến bệnh viện, lòng đầy lo lắng khi bác sĩ thông báo chồng cần tiêm thuốc tiêu sợi huyết, một phương pháp điều trị khẩn cấp giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Chi phí điều trị lên đến 12 triệu đồng nếu không có bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi có BHYT, con số thanh toán chỉ còn hơn 2 triệu đồng.

Bản thân chị N. không khỏi bàng hoàng khi biết người chồng vốn khỏe mạnh lại đối mặt với tình trạng nguy kịch như vậy.
Những ngày đầu nằm viện, anh T. chỉ có thể ú ớ, giao tiếp khó khăn. Sau một tuần điều trị, sức cơ tay chân của anh cải thiện đáng kể, khả năng nói chuyện cũng dần lưu loát. Dù được xuất viện, anh vẫn cần thời gian phục hồi chức năng và tuân thủ nghiêm ngặt thuốc điều trị để phòng ngừa tái phát. Các bác sĩ dặn dò anh phải tái khám định kỳ, bởi nguy cơ đột quỵ lần hai luôn rình rập nếu chủ quan.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhản, chuyên khoa Nội Thần kinh tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, anh T. may mắn được đưa đến viện ngay trong giờ đầu tiên, là thời điểm vàng để cấp cứu đột quỵ.
Kết quả chụp CT não cho thấy không có xuất huyết nên bệnh nhân được tiêm thuốc tiêu sợi huyết ngay tại phòng chụp. Thuốc này giúp làm tan cục máu đông, khôi phục lưu thông máu. Sau đó, anh được chụp CT mạch máu não để đánh giá lại, các mạch máu lớn không bị tắc nghẽn chỉ cần điều trị nội khoa mà không phải can thiệp phẫu thuật.

Bác sĩ Nhản nhấn mạnh, mỗi phút trôi qua trong cơn đột quỵ, khoảng 2 triệu tế bào não sẽ chết đi, để lại di chứng nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, việc nhận biết và đưa bệnh nhân đến viện sớm là yếu tố sống còn.
Bài học chủ quan
Dù còn trẻ, anh T. nhập viện với huyết áp cao bất thường (150/80 mmHg) nhưng bệnh nhân không hề biết mình tăng huyết áp vì chưa từng khám sức khỏe.
Bác sĩ Nhản cảnh báo, nếu không duy trì uống thuốc kiểm soát huyết áp, nguy cơ tái phát đột quỵ là rất cao. Nhiều bệnh nhân trẻ, sau khi xuất viện, thường chủ quan, chỉ dùng thuốc vài tháng rồi bỏ, dẫn đến đột quỵ tái phát chỉ sau 1-2 tháng.
Trải qua cơn đột quỵ, người đàn ông trẻ này đã thấm thía bài học đắt giá không quan tâm tới sức khỏe, lạm dụng thuốc lá và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.
Để tránh những trường hợp đáng tiếc như anh T, bác sĩ Nhản khuyến cáo mọi người cần nhận biết dấu hiệu đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T:
Face (Khuôn mặt): Méo miệng, một bên mặt bị xệ.
Arm (Tay): Yếu hoặc liệt tay, không thể giơ tay lên.
Speech (Lời nói): Nói khó, nói ngọng hoặc không nói được.
Time (Thời gian): Ghi nhớ thời điểm bắt đầu triệu chứng và đưa bệnh nhân đến viện ngay lập tức.
Qua trường hợp của anh T, bác sĩ Nhản khuyến cáo đây là hồi chuông cảnh báo cho những người trẻ chủ quan với sức khỏe. Đột quỵ không còn là bệnh của người già, mà ngày càng xuất hiện ở người trẻ do lối sống thiếu lành mạnh, stress, và các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường không được kiểm soát.
Việc khám sức khỏe định kỳ, bỏ thuốc lá, duy trì lối sống lành mạnh và tuân thủ điều trị là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân.