Như Thanh Niên đã thông tin, một bạn đọc (BĐ) có thắc mắc: "Tôi thuê trọ tại TP.HCM. Trong 5 năm sống tại đây, tôi đang phải trả tiền điện mức giá dao động từ 3.800 - 5.000 đồng mỗi kWh, tiền nước từ 20.000 - 25.000 đồng/m3. Tôi muốn hỏi chủ trọ thu tiền điện, nước cao hơn giá nhà nước quy định thì có vi phạm pháp luật không? Mức xử phạt như thế nào?".

Nhiều người thuê trọ đang phải trả tiền điện từ 3.800 - 5.000 đồng mỗi kWh, tiền nước từ 20.000 - 25.000 đồng/m3
ẢNH: XUÂN PHƯƠNG
Trả lời BĐ, luật sư Trần Văn Thành (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết chủ trọ không được thu tiền điện, nước theo giá cao hơn giá nhà nước ấn định.
Theo luật sư Thành, căn cứ Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, giá điện và nước sinh hoạt được quy định rõ ràng cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân thuê nhà và các cơ sở lưu trú. Còn Thông tư 44/2021/TT-BTC quy định giá nước sạch do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định phải đảm bảo phù hợp với khung giá nước sạch quy định tại điều 3 thông tư này.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm áp dụng mức giá điện, nước theo đúng quy định pháp luật về giá điện, giá nước. Không được thu tiền điện, nước theo giá cao hơn giá nhà nước ấn định. Từ đó, luật sư Thành cho rằng pháp luật đã quy định rõ ràng về giá điện, giá nước nên trường hợp thu cao hơn mức quy định đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật.
Về chế tài xử phạt, đối với điện, căn cứ khoản 6, điểm b khoản 11 điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP), trường hợp chủ nhà trọ tính tiền điện cao hơn giá nhà nước quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Đối với nước, điều 10 Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá cụ thể; hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do nhà nước ban hành; hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do nhà nước ban hành; hành vi bán cao hơn giá tối đa do nhà nước ban hành; hành vi bán thấp hơn giá tối thiểu do nhà nước ban hành.
Phải công bằng
"Xưa nay mỗi lần đóng tiền điện, nước là tôi thấy xót. Giờ đọc trả lời của luật sư trên Báo Thanh Niên, thấy cách tính của chủ trọ cao hơn mức quy định, nghĩa là vi phạm pháp luật. Tôi đưa cho chủ trọ đọc bài báo trên điện thoại, bà chủ lướt qua rồi nói: Nếu em không muốn xài điện, nước như giá thỏa thuận nữa thì thôi, từ tháng này chị không mở điện, nước nữa. Như vậy cũng khỏe cho chị. Còn wifi nữa, chị cho em xài miễn phí, nếu em không thích thì đừng xài nữa", BĐ Hoang Ha kể.
Cùng bức xúc, BĐ Thanh The cho biết: "Người ở trọ (có phòng riêng, lối đi riêng, ở chung nhà với chủ) như tôi mỗi tháng tốn đủ thứ tiền: tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước (điện nước thì xài bao nhiêu trả bấy nhiêu, giá do chủ trọ đưa ra), tiền ăn, tiền học, cũng may chủ trọ cho miễn phí wifi, giữ xe, tiền rác… Cũng có lúc mình phàn nàn tiền điện, nước cao, nhưng chủ bảo: Giờ cái gì cũng lên giá. Em xài máy lạnh nữa, rồi lò vi sóng, bàn ủi, laptop, máy tính bảng… nên tiền điện mỗi tháng như vậy là không cao đâu. Cứ mấy tháng là chị còn phải bỏ tiền túi làm vệ sinh máy lạnh cho đỡ tốn tiền điện đó em".
"Tôi thì muốn đâu ra đó, cứ căn cứ theo đồng hồ mà trả tiền theo quy định của nhà nước, như vậy mới công bằng, xài nhiều trả nhiều, xài ít trả ít. Chứ cứ trả như hiện nay, nhiều lúc thấy không thoải mái mà nói ra thì ngại quá", BĐ The Hung chia sẻ.
Hài hòa lợi ích của hai bên
Trong khi đó, một số BĐ là chủ nhà trọ cũng than khổ. BĐ Hung Bui viết: "Nhà tôi dùng bình thường không bị tính giá lũy tiến, giờ cho thuê phòng, giá tăng lên nhiều mức, phải chịu giá cao. Khoản này ai trả? Chưa kể phí thắp sáng hành lang, an ninh... Người thuê trả luôn có chịu không? Muốn giá điện như bảng giá quy định thì mua hoặc thuê nguyên căn đi. Ở không hết thì đi cho thuê lại mới biết khổ". Cùng nỗi niềm, BĐ Thư Minh viết: "Mấy bạn chê đắt thì có thể đi chỗ khác thuê, hoặc nói với chủ là cho tự kéo dây vào, tự kêu bên điện lực xuống gắn công tơ, tự trả phí".
"Nhà tôi dư 2 phòng để cho sinh viên thuê nhằm kiếm thêm chút tiền chợ. Đọc báo thấy nói lấy tiền điện nước cao hơn quy định là vi phạm pháp luật, phải bị xử phạt mà hoảng quá. Thôi, cái gì sai thì mình sửa. Từ tháng này tiền thuê nhà sẽ tính luôn cả tiền điện nước vào, hai bên thỏa thuận với nhau, có hợp đồng. Thật ra tính tiền điện, nước riêng hay hơn, người thuê sẽ ý thức tiết kiệm hơn. Còn tính "một gói" thì có người xài rất lãng phí. Thử hỏi máy lạnh mà bật cả ngày thì tiền điện nào chịu cho nổi? Quan trọng là hai bên chủ trọ - người thuê cùng thông cảm, chia sẻ những khó khăn, hài hòa lợi ích", BĐ Kieu Oanh chia sẻ.
* Mong cơ quan chức năng đi kiểm tra những khu có nhà trọ để biết chủ trọ thu tiền điện, nước như thế nào và xử lý...
Nguyên Nguyễn
* Kiện chủ nhà trọ về tiền điện, nước? Cuối cùng rồi người đi thuê cũng phải tìm nhà trọ mới, mà chưa biết chủ trọ mới người thế nào. Cũng như không...
Bạn Đọc Mới