Tài chính

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022, xuất hiện con số tỷ lệ nợ xấu trên 17%

Năm 2022, tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng. Đồng thời các nhà băng cũng phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2022, dư nợ xấu tại thời điểm 31/12/2022 của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên thị trường chứng khoán đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Số ngân hàng có nợ xấu tăng chiếm xấp xỉ 2/3 nhóm thống kê.

Trong đó, NCB là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất với mức tăng gấp 6,8 lần cùng kỳ, từ 1.249 tỷ đồng lên 8.556 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ nhóm 3 đến nhóm 5) lên mức 17,93% - cao nhất hệ thống. Ngân hàng cũng còn 5.918 tỷ đồng số dư trái phiếu VAMC. 

Lý giải về việc số dư nợ xấu tăng cao trong năm qua, NCB cho biết do ngân hàng đã thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID -19 hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Trong năm, ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN. 

Những ngân hàng có mức tăng trưởng nợ xấu cao ngoài NCB phải kể đến OCB (tăng 98%); Techcombank (tăng 66%) và có 5 ngân hàng khác có nợ xấu tăng trên 30%.

 

Xét về số dư tuyệt đối, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với hơn 25.100 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng tăng 250% từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 7.160 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 33%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 4,57% lên 5,73%.

Dù vậy, phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ công ty con FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tính đến cuối năm 2022 chỉ hơn 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo thông tư 11 của ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.

Tiếp sau về quy mô nợ xấu nội bảng lần lượt là hai ông lớn BIDV và VietinBank với số dư nợ xấu lần lượt là 17.662 tỷ đồng (tăng 30%) và 15.796 tỷ đồng (tăng 10%).

Nợ xấu vẫn là một rủi ro lớn cần theo dõi

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và những rủi ro từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ khiến nợ xấu ngành ngân hàng gia tăng trong năm 2023.

Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng 2023 của CTCP Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng 0,26 điểm % lên 1,71% tại các ngân hàng chúng tôi phân tích, với tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng lên 1,3% (từ khoảng 1% trong giai đoạn 2020-2022) dưới tác động của lãi suất cho vay cao hơn.

Tuy nhiên, chi phí tín dụng vẫn đang có xu hướng thấp hơn khi giảm xuống 1,3% (từ 1,5% trong năm 2022) do bộ đệm dự phòng tín dụng vững chắc. Trong kịch bản cơ sở, nhóm phân tích cho rằng khi Nghị định 65 sửa đổi được ban hành, nợ xấu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ không xuất hiện ngay trong năm 2023, nhưng vẫn là một rủi ro lớn cần theo dõi trong cả năm.

Còn theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua.

Theo đó, nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Dù vậy, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng. 

Các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác, VDSC cho hay.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã chỉ ra những cơn gió ngược có thể làm suy giảm chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong năm 2023. Cụ thể, mặt bằng lãi suất ở mức cao làm ảnh hưởng tới khả năng thanh toán gốc và lãi của cá nhân cũng như doanh nghiệp vay vốn.

Tiếp đó, nhà đầu tư nhìn chung đã giảm sự quan tâm đáng kể lên tác động trái chiều từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng khó khăn thì vẫn còn ở đó.

Thị trường bất động sản suy yếu cũng có thể làm giảm khả năng thanh toán của những doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản cũng như nhóm khách hàng cá nhân vay nợ để đầu tư bất động sản. 

Ngoài ra, việc các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể suy thoái sẽ làm giảm các đơn hàng tại Việt Nam làm ảnh hưởng tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và làm giảm hoặc mất khả năng thanh toán nợ vay của doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm