Bất động sản

Nợ phải trả của Novaland tăng thêm hơn 52.000 tỷ đồng trong năm 2022

Nợ phải trả của Novaland tăng thêm hơn 52.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 1.

Hoạt động kinh doanh kém sắc, nợ phải trả của Novaland tăng thêm hơn 52.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (HoSE: NVL) ghi nhận doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 11.134,2 tỷ đồng, giảm 25,29% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản là 9.222,5 tỷ đồng (bao gồm 778,3 tỷ đồng doanh thu xây dựng và chuyển nhượng nhà ở tại phân khu I, V dự án Aqua City); Doanh thu từ dịch vụ tư vấn quản lý, phát triển dự án, tư vấn bán hàng và dịch vụ khác là 1.758 tỷ đồng,..

Sau khi trừ giá vốn, Novaland thu về 4.251,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 30,71% so với năm ngoái. Trong năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của Novaland Group đạt gần 5.004,8 tỷ đồng, tăng 37,32%.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế Novaland chỉ đạt 2.181,5 tỷ đồng, giảm 36,85% so với năm 2021 và chỉ đạt hơn 33% mục tiêu đề ra.

Năm 2022, dòng tiền thuần của Novaland Group ghi nhận âm gần 8.648,9 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3.046,7 tỷ đồng; Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 7.965,3 tỷ đồng.

Riêng về dòng tiền tài chính, Novaland ghi nhận dương 2.363,1 tỷ đồng khi doanh nghiệp đi vay 30.149,6 tỷ đồng; Chi trả nợ gốc vay 28.037,5 tỷ đồng; Tiền thu từ phát hành cổ phiếu và tăng vốn từ công ty con gần 251 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Novaland đạt gần 257.734,9 tỷ đồng, tăng 27,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 50,14% xuống mức 8.600,2 tỷ đồng. Đồng thời, hàng tồn kho và các khoản phải thu của Novaland lại tăng mạnh trong năm 2022.

Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn của Novaland tăng 98,21% so với hồi đầu năm lên hơn 52.345,6 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn của doanh nghiệp đạt 44.082 tỷ đồng, tăng 31,27%. Kết thúc năm 2022, các khoản phải thu của Novaland đạt 96.427,5 tỷ đồng, tăng 60,73% so với năm 2021.

Như vậy, phần lớn tài sản của Novaland nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn.

Đáng chú ý, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 22,51% lên mức 134.955,7 tỷ đồng. Các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm gần 90% khối tài sản của Novaland với mức 231.383,3 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Novaland tăng thêm hơn 52.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 2.

Nợ phải trả của Novaland tăng mạnh cả nhóm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

Đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Novaland đó là khối nợ khủng 212.917,1 tỷ đồng tính tại thời điểm cuối năm 2022, tăng 32,53% so với năm ngoái, chiếm 82,61% tổng nguồn vốn. Như vậy, doanh nghiệp này lệ thuộc lớn vào vay nợ, bao gồm các khoản nợ ngắn hạn tăng 23.298 tỷ đồng lên mức 78.174,1 tỷ đồng; Các khoản nợ dài hạn tăng 23.298 tỷ đồng lên mức 134.743 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Novaland chỉ tăng 8,85% lên mức 44.817,7 tỷ đồng, chỉ chiếm 17,39% tổng nguồn vốn. Do đó, Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức 4,75 lần.

Đặc biệt, khối nợ tăng mạnh, đang là một vấn đề của Novaland. Kết thúc năm 2022, tổng nợ vay của doanh nghiệp đạt gần 64.868,9 tỷ đồng, tăng thêm gần 4.350,5 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 7,19%. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Novaland đạt 29.202,4 tỷ đồng, tăng 53%; Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm 13,91% xuống còn 35.666,5 tỷ đồng.

Nợ quá lớn nên Novaland phải dành rất nhiều ngân sách để trả lãi. Chi phí lãi vay trong năm tăng mạnh từ 514,3 tỷ đồng lên 844,3 tỷ đồng, đương đương tăng 64,16%. Chi phí tài chính chung tăng 7,69% lên mức 4.148,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, với mục đích tăng đòn bẩy tài chính, dòng tiền huy động từ trái phiếu tại Novaland cũng rất lớn. Trong năm 2022, nợ trái phiếu của Novaland tăng khoảng 7.280 tỷ đồng lên mức 44.170 tỷ đồng, bao gồm hơn 20.640 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 23.530 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.

Trên sàn chứng khoán, dù xuất hiện nhiều thông tin tốt như Phó Thủ tướng chỉ đạo lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland; Dự án của Novaland ở TP.HCM được gỡ pháp lý .. Tuy nhiên, giá cổ phiếu NVL đang phản ánh những khó khăn của Novaland, đặc biệt là vấn đề liên quan đến trái phiếu trong thời gian gần đây. Chốt phiên giao dịch ngày 25/4/2023, cổ phiếu NVL đang được giao dịch với mức 13.750 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng so với phiên giao dịch trước đó. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất, nhà cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản này ghi nhận tới 4/5 phiên giảm giá. Như vậy, tính từ đỉnh hồi giữa năm 2021, cổ phiếu NVL hiện đã “bốc hơi” hơn 80% thị giá.

Đáng chú ý, cổ phiếu NVL đang rơi vào diện bị cảnh báo. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này đã chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm