Doanh nghiệp

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam

Hành trình huyền thoại của cá tra VN 

Còn nhớ giai đoạn 1997 - 1998, sản phẩm cá tra khi ấy được kỳ vọng mang một làn gió mới, đưa thủy sản Việt ra thế giới; nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 1,7 triệu USD, tương ứng 425 tấn. Các doanh nghiệp (DN) thời kỳ đó chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường láng giềng châu Á như Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… Kết quả ban đầu khiêm tốn nhưng nhờ nhận phản hồi tốt từ phía khách hàng về sản phẩm cá tra thơm ngon, thịt trắng, sạch sẽ và bổ dưỡng, các DN quyết tâm phát triển mặt hàng này. Một yếu tố nữa không thể không nói đến, đó là mức giá xuất khẩu thời kỳ đầu rất cao, trung bình từ 3,9 - 4,1 USD/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất mà nhiều năm về sau ngành cá tra vẫn chưa nhìn thấy lại được.

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam- Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu

ẢNH: CÔNG HÂN

Có được bước khởi đầu thuận lợi, ngành nuôi cá tra ở ĐBSCL bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất công nghiệp với diện tích nuôi vượt mốc 5.000 ha. Nếu như trong 5 năm đầu (1997 - 2001), kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt hơn 25 triệu USD (tương đương 7.000 tấn) thì 5 năm tiếp theo (2002 - 2006), con số này đã tăng vọt lên gần 1,5 tỉ USD với gần 600.000 tấn cá tra. Đặc biệt, giai đoạn 2007 - 2011 chứng kiến bước "đại nhảy vọt" khi xuất khẩu cá tra đạt tổng giá trị 7 tỉ USD, khối lượng vượt 2,9 triệu tấn - một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ của cá tra VN trên bản đồ thủy sản toàn cầu.

"Kể từ thời điểm "lột xác" đó, ngành cá tra VN đã luôn duy trì vị thế dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến. Tùy theo biến động thị trường, sản lượng cá tra thương phẩm VN mỗi năm đạt khoảng 1,5 - 1,7 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu trung bình từ 1,6 - 2,3 tỉ USD/năm, cung ứng hơn 90% cá tra phi lê đông lạnh cho toàn thế giới. Trong khi đó, sản lượng của các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh hay Ai Cập cũng khá lớn nhưng chủ yếu phục vụ thị trường nội địa hoặc xuất thô sang các thị trường dễ tính; còn trở thành một ngành công nghiệp vươn mình đến hơn 150 thị trường khắp thế giới thì chỉ có một mình VN làm được", một DN thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) nhìn nhận.

Từ hệ sinh thái nuôi trồng hiện đại, khả năng chế biến sâu, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đến chính sách quốc gia thuận lợi, tất cả đã tạo nên một thương hiệu "Cá tra VN" không thể thay thế trên bản đồ thủy sản thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà thị trường thế giới vẫn đặt niềm tin vào cá tra VN suốt gần 3 thập niên qua và tôi tin rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch VN

Tuy nhiên, sự thành công cũng đi kèm với thách thức, cá tra VN với chất lượng và giá cả cạnh tranh đã khiến ngành cá da trơn bản địa tại Mỹ lo ngại. Từ năm 2008 đến nay, cá tra VN phải liên tục đối mặt với các hàng rào kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cùng với chiến dịch truyền thông tiêu cực từ một số thị trường châu Âu. Điều lạ lùng là dù phải chịu nhiều "kiếp nạn" nhưng cá tra VN luôn vượt qua một cách nhẹ nhàng và những thử thách chỉ góp phần tôn vinh thêm vị thế độc tôn của cá tra Việt. Năm 2008, dù gặp khủng hoảng truyền thông từ thị trường phương Tây nhưng đó cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỉ USD, mở màn cho kỷ nguyên "tỉ USD" kéo dài hơn một thập niên.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng vọt, nhưng thị trường này đã nhanh chóng áp thuế chống bán phá giá, khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh. Những tưởng đòn thuế này sẽ khiến cá tra VN ngã gục, nhưng hoàn toàn ngược lại, năm 2018 - 2019 là giai đoạn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ khi kim ngạch xuất khẩu cá tra vượt mốc 2 tỉ USD, bất chấp thị trường Mỹ vẫn tiếp tục duy trì mức thuế cao vô lý. Vĩnh Hoàn, DN xuất khẩu cá tra lớn nhất vào Mỹ, cũng đã bật dậy phục hồi vào năm 2024, đạt kim ngạch 345 triệu USD. Mặc dù chưa thể trở lại mức cao như trước, sự phục hồi này cho thấy triển vọng tích cực.

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam- Ảnh 2.

Cá tra VN chiếm hơn 95% thị phần thế giới

ẢNH: CÔNG HÂN

Đại dịch Covid-19 năm 2020 - 2021 lại khiến xuất khẩu cá tra rơi vào trầm lắng, tổng giá trị năm 2020 và 2021 lần lượt chỉ đạt 1,49 và 1,61 tỉ USD. Thế nhưng ngay sau khi dịch bệnh qua đi, ngành đã chứng kiến cú bật mạnh mẽ: Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 2,4 tỉ USD, một kỷ lục mới. Điều này cho thấy nội lực của ngành và khả năng thích ứng, phục hồi nhanh chóng. Năm 2025, Mỹ công bố áp thuế đối ứng đối với một loạt mặt hàng từ VN, trong đó có cá tra, gây ra những biến động bất lợi. Mức thuế này tác động trực tiếp đến nhóm sản phẩm phi lê đông lạnh, vốn đang chiếm tỷ trọng lớn. Với biên lợi nhuận gộp ngành trung bình chỉ 8 - 12%, thuế đối ứng có thể khiến nhiều đơn hàng trở nên không còn hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo VASEP chia sẻ: "Đối với các lô hàng phi lê đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ với giá FOB trung bình 2,6 - 2,8 USD/kg, thuế đối ứng sẽ khiến giá sau thuế bị đội lên trong khi giá bán tại thị trường Mỹ không thể điều chỉnh tương ứng ngay. Nếu DN phải tự "gánh" toàn bộ phần chênh lệch, nhiều hợp đồng sẽ không còn đạt điểm hòa vốn".

Mặc dù cú sốc thuế đối ứng gây chao đảo thị trường, nhưng vị thế của mặt hàng cá tra VN vẫn gần như không suy suyển. Theo số liệu của Hải quan VN, tính đến tháng 6.2025, xuất khẩu cá tra VN đã đạt gần 1 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này một lần nữa khẳng định vị trí và nhu cầu tiêu thụ cá tra đã "bám rễ" trong lòng người tiêu dùng Mỹ và khó thay đổi dù chính sách thị trường biến động.

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam- Ảnh 3.

Nuôi cá tra tại ĐBSCL

ẢNH: TRẦN NGỌC

Ngành công nghiệp cá tra bài bản nhất thế giới

Theo VASEP, kết quả xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận nhóm sản phẩm phi lê đông lạnh tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điểm sáng nằm ở nhóm sản phẩm chế biến sâu thuộc mã HS16, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này tính đến tháng 6.2025 đã đạt 24 triệu USD, tăng 59%. Dù chỉ chiếm 2,6% tỷ trọng trong nhóm cá tra nhưng xu hướng này đang ngày một tăng lên, thể hiện sự linh động chuyển mình để thích ứng yêu cầu của thị trường. Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm… là những nét nổi trội đưa ngành cá tra có được kết quả vững vàng trên thị trường toàn cầu.

Đại diện truyền thông Công ty CP Vĩnh Hoàn cho biết việc đa dạng sản phẩm là một phần trong chiến lược nhằm nỗ lực tối ưu hóa hoàn toàn chuỗi giá trị cá tra của công ty. Sau khi bổ sung dây chuyền sản xuất nguyên liệu surimi tại nhà máy ở Đồng Tháp vào năm 2023, công ty có công suất chế biến sâu hằng năm là 5.000 tấn. Các sản phẩm surimi, cả nguyên liệu và thành phẩm, đều đạt được chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council). Block surimi cá tra của Vĩnh Hoàn được đóng thùng 10 kg có nhiều phẩm cấp khác nhau tùy theo độ gel như 500 - 700 và 1.000 trở lên. Với sản phẩm mì đi kèm với thịt cá tra hấp và tôm chân trắng, Vĩnh Hoàn mong muốn nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe…

Bà Lê Hằng, Tổng thư ký VASEP, phân tích một trong những lý do then chốt khiến cá tra VN có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới là chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến đến phân phối và truy xuất nguồn gốc. Các DN lớn như Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI, Biển Đông Seafoods… đều đã đầu tư hệ sinh thái toàn diện, giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. Chính mô hình liên kết chuỗi đã giúp VN giữ ổn định nguồn cung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng đồng đều các yêu cầu về size cá, màu thịt, kết cấu phi lê…, điều mà các nước khác như Bangladesh hay Indonesia vẫn chưa làm được. Hàng trăm vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra tại VN đã được cấp chứng nhận ASC, BAP (Best Aquaculture Practices), GlobalG.A.P, ISO 22000, HACCP, BRC..., giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính và các hệ thống siêu thị quốc tế như Carrefour, Costco, Metro, Whole Foods...

Hay việc tận dụng phụ phẩm đã giúp tăng thêm 15 - 20% giá trị gia tăng cho mỗi tấn cá tra chế biến, đây là một lợi thế rõ ràng so với các nước đối thủ vốn vẫn còn bán thô hoặc chưa tận dụng hết tiềm năng từ một con cá. Giá thành sản xuất cá tra từ các nước đối thủ có thể rẻ hơn do chi phí lao động thấp, nhưng chất lượng thịt không đồng đều, kích cỡ không chuẩn hóa, màu sắc không đẹp, đây là lý do khiến cá tra của các nước khác khó thâm nhập thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Thị trường thế giới hiện đang hướng đến an toàn thực phẩm, phát triển xanh và truy xuất rõ ràng; ngành công nghiệp chế biến cá tra VN đang thực hiện rất tốt điều đó, giúp duy trì vị thế "cửa ngõ thủy sản" châu Á ra thế giới.

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam- Ảnh 4.

Nguồn: VASEP

Nỗ lực phi thường của cá tra Việt Nam- Ảnh 5.

Nguồn: VASEP

Xây dựng ngành công nghiệp bền vững

Nhìn nhận về hành trình của cá tra VN, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch VN, chia sẻ: ĐBSCL là vựa cá tra lớn nhất toàn cầu với diện tích nuôi chuyên canh hàng chục nghìn héc ta, tập trung tại các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… Nơi đây có hệ thống thủy văn phong phú, nguồn nước ổn định và khí hậu thuận lợi quanh năm, điều kiện mà nhiều quốc gia nuôi cá tra khác không thể có được. VN cũng đang đi đầu trong kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào, nhờ việc áp dụng các công nghệ giám sát môi trường và hệ thống cảnh báo sớm nhằm hạn chế rủi ro bệnh tật trong nuôi cá.

Không bó hẹp trong sản phẩm phi lê đông lạnh, VN đã phát triển danh mục sản phẩm từ cá tra cực kỳ đa dạng: cá tra cắt khúc, viên cá, chả cá, cá tra cuộn, cá nướng đóng gói, cá hấp đông lạnh, dầu cá tra, collagen cá tra... Các phụ phẩm như da cá, bong bóng, mỡ cá cũng được tận dụng tối đa để phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và mỹ phẩm.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, cá tra VN không chỉ giữ vững vị thế mà còn liên tục nâng tầm. Đây là kết quả của một nền công nghiệp được đầu tư bài bản, có tầm nhìn dài hạn và cam kết chất lượng rõ ràng. "Từ hệ sinh thái nuôi trồng hiện đại, khả năng chế biến sâu, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt đến chính sách quốc gia thuận lợi, tất cả đã tạo nên một thương hiệu "Cá tra VN" không thể thay thế trên bản đồ thủy sản thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà thị trường thế giới vẫn đặt niềm tin vào cá tra VN suốt gần 3 thập niên qua và tôi tin rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục", bà Hồng Minh nói.

Ngành cá tra VN đã giữ vững "ngôi vương" bất chấp nhiều quốc gia cũng đã đẩy mạnh nuôi cá tra như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và thậm chí Trung Quốc - nước vẫn nhập khẩu nhiều cá tra từ VN. Nhờ quy trình nuôi thâm canh, kiểm soát thức ăn chặt chẽ, công nghệ hiện đại và quy mô sản xuất lớn, giá thành sản xuất cá tra VN ổn định ở mức rất cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Ngược lại, cá tra từ Ấn Độ có thể rẻ hơn do chi phí lao động thấp, nhưng chất lượng thịt không đồng đều, kích cỡ không chuẩn hóa, màu sắc không đẹp, đây là lý do khiến cá tra Ấn Độ khó thâm nhập thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Đại diện VASEP nhấn mạnh, cá tra VN vẫn là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới. Đây không chỉ là sự lựa chọn từ thói quen, mà là kết quả của một chuỗi giá trị hoàn thiện, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và sự đồng bộ trong chiến lược ngành hàng.

TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đánh giá ngành cá tra VN đã có quá trình phát triển mạnh mẽ, vượt qua nhiều khó khăn và xây dựng được quy trình sản xuất chuẩn hóa. Chẳng hạn, đối diện với cú sốc thuế đối ứng sắp tới, không chỉ riêng ngành cá tra mà với nhiều ngành nghề khác, đây cũng sẽ là giai đoạn tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, xây dựng và phát triển mạnh hơn đối với các ngành kinh tế mà VN có lợi thế so sánh thật sự như lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. 

Những biến động khó lường của thị trường thế giới luôn diễn ra và khó lường, chẳng hạn như đại dịch Covid-19 hay thuế đối ứng. Nhưng trong dài hạn, người nông dân VN vẫn có thể vượt qua nhiều gian khó. Ngành nông nghiệp VN có lợi thế lớn nên khả năng thích nghi và vượt qua được các biến động rất tốt. Nhưng bản thân DN vẫn chủ động tái cơ cấu lại hoạt động để gia tăng năng lực cạnh tranh.

TS Đặng Kim Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

7 DN hưởng thuế chống bán phá giá vào Mỹ 0%

Ngày 18.6, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả chính thức về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) trong kỳ rà soát hành chính lần thứ 20 (POR20) đối với phi lê cá tra đông lạnh VN vào Mỹ. Theo đó, 7 DN có thuế suất bằng 0% gồm: Công ty TNHH thủy sản Biển Đông/Công ty CP thủy sản Biển Đông Hậu Giang, Công ty CP XNK thủy sản Cần Thơ, Công ty TNHH thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH MTV hải sản Đông Á, Công ty CP Hùng Cá 6, Công ty Nam Việt, Công ty CP thủy sản NTSF.

Các tin khác

Đề nghị điều tra vụ án tranh chấp đất đai "khủng" tại Long An

Thụ lý phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại liên quan đến dự án cụm công nghiệp Nhựt Chánh 2 (Tây Ninh, trước thuộc tỉnh Long An cũ) do Công ty CP Liên Minh làm chủ đầu tư, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM khẳng định vụ án có dấu hiệu tội phạm.

Áo dài Việt Nam ở Nhà Quốc hội Hungary

Khoảnh khắc mặc áo dài VN, bước lên bậc cầu thang để vào Phòng thượng viện Nhà Quốc hội Hungary, chị Hoàng Thị Kim Oanh, 38 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tại các bảo tàng tại Paris (Pháp), rất xúc động.

CSGT sẽ gửi thông báo phạt nguội sau 2 tiếng

Những vi phạm được phát hiện thông qua hệ thống giám sát thuộc thẩm quyền của Cục CSGT sẽ thông báo tới người vi phạm trong vòng 2 tiếng, kể cả phương tiện vi phạm là xe máy.

3 không khi ăn thịt ngan

Thịt ngan là thực phẩm phổ biến nhưng bạn không nên ăn quá nhiều, đặc biệt là phần da. Ngoài ra, một số người cần tránh xa món ăn này.

4 thói quen buổi sáng vô tình hại gan

Ngoài uống rượu, một số thói quen buổi sáng như nhịn ăn, dùng nhiều món ngọt, lạm dụng thuốc có thể âm thầm gây hại cho gan.