Thời sự

Niềm vui đi cùng nỗi lo khi lương tăng

Từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng 30%, từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương của người lao động trong khu vực doanh nghiệp tăng 6%; cùng với đó, Chính phủ điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt được mục tiêu đồng thời tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Nỗi lo khi lương tăng

Chưa kịp mừng vì được tăng lương, người lao động lại phải đối diện với nhiều nỗi lo bởi ngoài giá cả hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ biến động theo lương, thì những bất cập của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tiếp tục khiến người lao động quan ngại.

Là một cán bộ đơn vị sự nghiệp công lập, chị Diệu Huyền tính toán, khi lương cơ sở tăng 30%, với hệ số lương 2,34 tiền lương đã tăng thêm gần 1,3 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền lương, cơ quan còn chi trả khoản lương tăng theo hiệu quả công việc nên tổng thu nhập một tháng lên gần 11,3 triệu đồng/tháng từ gần 10 triệu đồng tháng trước. Như vậy, từ người chưa phải đóng thuế TNCN, nay với mức lương mới chị đã thuộc diện phải đóng.

Theo chị Huyền, dù số tiền phải đóng không nhiều, khoảng 30 nghìn đồng/tháng song khi mọi chi phí sinh hoạt đều cao, vẫn phải tiết kiệm chi tiêu thì việc phải nộp thuế thu nhập cá nhân thì thật sự rất bất cập.

“Đóng thuế là trách nhiệm của người dân, tuy nhiên trên thực tế giá cả hàng hóa tiêu dùng đều đã tăng cao, thu nhập không đủ chi tiêu. Vì vậy, thuế thu nhập cá nhân sẽ trở thành gánh nặng của gia đình tôi”, chị Huyền chia sẻ.

Tương tự, chị Bích Hồng, chuyên gia cấp cao của cơ quan sự nghiệp cũng cho biết, kể từ ngày 1/7, thu nhập của chị đã tăng từ hơn 15,8 triệu đồng lên hơn 20,5 triệu đồng. Với mức giảm trừ người phụ thuộc cho một con là 4,4 triệu đồng/tháng thì số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân là 255 nghìn đồng/tháng thay vì 20 nghìn đồng trước đó. Song điều đáng buồn, trong khi mức tăng lương chưa bù đắp được phần nào giá cả hàng hóa tăng thì số tiền đóng thuế đã tăng lên nhiều lần.

"Chi phí sinh hoạt không ngừng tăng lên. Dù tiết kiệm hết mức nhưng hàng tháng tôi cũng không có dư. Sau khi giảm trừ cho bản thân và con, tôi vẫn phải đóng thuế TNCN. Như vậy là quá bất hợp lý", chị Hồng lo lắng.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù việc tăng lương được thực hiện nhiều năm qua, nhưng mức tính thuế và mức giảm trừ gia cảnh chưa thay đổi thì sẽ có nhiều người thuộc diện chưa đóng thuế thì sẽ phải vào diện đóng thuế, nhiều người ở bậc dưới sẽ phải chuyển lên bậc trên.

“Đây cũng là một trong nhiều lý do giải thích vì sao khi người dân đang phải “còng lưng” gánh thuế thì số thu thuế TNCN lại ngày càng tăng”, ông Phong nêu rõ.

Theo Bộ Tài chính, quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009 là 14.318 tỷ đồng; năm 2022 là 162.790 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng thu nội địa, gấp 11,4 lần số quyết toán năm 2009.

Năm 2023 là trên 155.421 tỷ đồng, chiếm 10,6% so với tổng số thu nội địa. Trong đó thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là 108.228 tỷ đồng, đạt 108,7% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 70% trong tổng số thu thuế TNCN. Ước tính sau nửa năm 2024, số thu thuế TNCN đã đạt gần 98.500 tỷ đồng. So với năm liền trước, dự toán thu ngân sách từ thuế TNCN là 159.124 tỷ đồng, tăng 3%. 

Lo ngại tình trạng kéo dài 

Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc chưa đề nghị giảm trừ gia cảnh là thực hiện đúng luật vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính từ năm 2020 tới nay mới tăng 11,47%, còn theo luật là trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Thuế TNCN và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Bởi lẽ các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của đại đa số người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng.

Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng mạnh trên thị trường, ngay cả ở khu vực công, như y tế, giáo dục, thậm chí, nhiều hàng hóa thiết yếu tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập.

“Nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Còn tiền chi cho một trẻ dưới 6 tuổi đi nhà trẻ tư ở các đô thị như Hà Nội hiện không dưới 6 - 8 triệu đồng/tháng. Nhiều gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu, thậm chí vượt quá mức lương danh nghĩa của các gia đình", ông Phong nêu thực tế.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: Nguyễn Ngọc).

Trong khi đó, mức khởi điểm tính thuế và giảm trừ gia cảnh không tương xứng với mức tăng thu nhập quốc gia của Việt Nam suốt thời gian qua. Cụ thể, năm 2007, quy mô nền kinh tế khoảng 77,4 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người là 13,5 triệu đồng/người/năm (840 USD/người/năm).

Năm 2023, quy mô nền kinh tế đã tăng lên 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người gần 101,9 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 7,5 lần so với năm 2007. Trong khi đó, cả mức ngưỡng tính thuế thu nhập cá nhân và mức chiết trừ gia cảnh lại tăng chậm hơn nhiều chỉ  khoảng là 2,75 lần.

Cũng theo ông Phong, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay đã là trên 4% cho thấy khả năng lạm phát cả năm khó giữ được mức dưới 4 % theo kế hoạch Quốc hội đã thông qua. Dự báo, đến năm 2025, mức CPI bình quân cũng khó dưới 4%... Nghĩa là, chỉ ngay trong năm 2025 tổng mức CPI cộng dồn danh nghĩa của Việt Nam cũng không thấp hơn 20% so với năm 2020.

Trong khi đó, theo kế hoạch của Bộ Tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa Luật Thuế TNCN (sửa đổi) vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10/2025, và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy, đến giữa năm 2026, Luật Thuế TNCN với các điều chỉnh (nếu có) về mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thu nhập chịu thuế và cách phân chia bậc thuế… mới được ban hành.

Và để có thể đi vào cuộc sống, người nộp thuế sẽ phải chờ Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn, theo đó, nếu đúng lộ trình người nộp thuế sẽ vẫn phải tiếp tục tình trạng “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN gần ba năm nữa.

Điều này đồng nghĩa với kéo dài tình trạng nghịch lý là nhiều người dân phải vừa thắt lưng, buộc bụng, vừa phải nộp thuế thu nhập cá nhân oan vì chậm sửa luật. "Cần thiết điều chỉnh cách tính thuế thu nhập cá nhân, nhất là cần sớm sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh là cách thức hỗ trợ chính sách tài chính cho người dân tốt nhất, ông Phong nhấn mạnh. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm