Giáo sư Park Inkyu, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) đưa ra gợi ý cho Việt Nam khi tham gia hội thảo "Hệ thống bán dẫn tiên tiến cho thế giới bền vững". Sự kiện trong chuỗi InnovaConnect do Quỹ VinFuture phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chiều 17/4 với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới và Việt Nam.
Tại sự kiện, GS Park Inkyu giới thiệu về hệ thống giám sát môi trường thông minh bằng cảm biến không khí năng lượng thấp hoặc tự cấp nguồn và trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng hiện nay việc sử dụng Internet vạn vật (IoT) và các cảm biến tiên tiến trong các nhà máy thông minh, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, môi trường và giải trí đã gia tăng đáng kể.
Số lượng cảm biến ngày càng tăng trong các hệ thống IoT đã khiến việc giảm kích thước và mức tiêu thụ điện năng của chúng trở nên thách thức. Do đó, nhu cầu về các cảm biến thu nhỏ, tiêu thụ điện năng thấp hoặc tự cấp nguồn ngày càng tăng. Bên cạnh đó các cảm biến cũng cần nâng cao hiệu suất, như độ nhạy, độ chọn lọc và tốc độ phản hồi.
Theo GS Park Inkyu hiện có nhiều xu hướng quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng có hai lĩnh vực tiềm năng nhất. Một là thiết bị bán dẫn cho xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) đang tăng nhanh chóng, đòi hỏi cần có những thiết bị bán dẫn chuyên dụng để xử lý các thuật toán AI.
Hai là bộ xử lý đồ họa với tốc độ và bộ nhớ dung lượng cao. Hiện việc xử lý dữ liệu lớn (big data) và học máy (machine learning) ngày càng phổ biến trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, sản xuất... đòi hỏi cần có các bộ xử lý đồ họa có hiệu suất tính toán cao hơn và bộ nhớ dung lượng lớn để lưu trữ và truy cập dữ liệu nhanh chóng.
"Đây là những lĩnh vực Việt Nam nên tập trung nghiên cứu và đầu tư để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai", ông nói.
GS Lee Young Hee, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KAST), Giám đốc Trung tâm Vật lý Cấu trúc Nano Tích hợp tại Đại học Sungkyunkwan, nhận định "để xây dựng và phát triển nền công nghiệp mới này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực".
Ông cho biết thời gian qua đã theo sát và tìm hiểu về ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. "Việt Nam tập trung vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn.
Bên cạnh đó, cần "thành lập một cơ quan như Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Quốc gia tập trung vào ngành công nghiệp bán dẫn". Phòng thí nghiệm này sẽ đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Trong phiên hội thảo sáng cùng ngày do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, hầu hết công ty làm về kiểm tra và thiết kế vật lý vi mạch đang cần tuyển nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch cho phần frontend và backend.
Song thực tế kỹ sư Việt chỉ giỏi trong một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip. Do đó mục tiêu đào tạo hướng tới kỹ sư Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế các vi mạch phức tạp, thiết kế thành công các vi mạch.
Dự đoán nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra. Để có đội ngũ nhân lực kinh nghiệm, PGS Vũ cho rằng cần xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, doanh nghiệp về bán dẫn.