Xã hội

Những xóm nghề tha hương: “Chạy dây” mưu sinh

Hơn 20 năm trước, một số gia đình nghèo khó ở An Giang rủ nhau khăn gói lên TPHCM làm nghề bện dây thừng. Họ thuê những mảnh đất trống ở ngoại ô để làm và dần dần hình thành xóm mưu sinh bằng nghề “chạy dây”.

Chạy ra tiền

Đến khu vực đường liên khu 4-5 Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) hỏi xóm chạy dây ai cũng biết. Theo hướng dẫn, chúng tôi đi hết đường nhựa, gặp bãi đất trống rộng mênh mông, thấy dây nhợ ngang dọc là đúng nơi cần tìm. Tôi như lạc vào “động bàn tơ” trong bộ phim Tây du ký. Trước mắt, những hàng dây đủ màu sắc vàng, trắng, xanh chăng ngang dọc, đều tăm tắp…

Hơn 12 giờ trưa, tiếng máy rì rì vẫn phát ra từ bãi đất trống ấy do một người điều khiển, một người khác bắt đầu cầm dụng cụ có mắc những sợi dây, lấy sức vừa chạy vừa kéo. Thấy tôi “rối” chẳng khác mớ dây, ông Võ Văn Le (63 tuổi) cười hiền lành, giải thích: “Đây là công đoạn se dây, các sợi mảnh, rời rạc được se tròn và bện lại với nhau thành những sợi dây lớn và mức độ lớn bao nhiêu sẽ tùy thuộc theo đơn hàng. Dây càng lớn, người kéo sợi càng phải chạy nhiều. Nhìn thấy rối nhưng các công đoạn cũng không khó lắm đâu, cô nhìn một lần là biết”.

Nói rồi, ông Le chia những sợi dây vào các kẽ lược. Sau khi buộc chúng cố định vào cái cào, ông lấy sức kéo cái cào vừa chạy vừa mắc dây lên các “ngựa” đặt sẵn trong sân. Mỗi sa được tính bằng một lượt chạy ra, chạy vào tổng cộng hơn 400m. Bình quân mỗi ngày người đàn ông này chạy 15-16 km dưới nắng chang chang. Chạy xong, ông khởi động máy điện để bện các sợi dây nhựa vừa kéo vào nhau và cho ra lò những sợi dây búi to, chắc chắn. Công đoạn cuối cùng là buộc các dây đã bện xong thành bó trước khi giao cho mối.

Nhấp ngụm trà, ông Le trầm tư kể về cái nghề mình đã gắn với nó gần nửa đời người. “Cách đây 20 năm, không biết cơ duyên nào mà người dân An Giang quê tôi lại đem cái nghề ở dưới quê này lên TPHCM mưu sinh và lập thành cả xóm nghề như hiện nay. Nhưng rõ ràng nghề đã cho chúng tôi chén cơm, nuôi các con ăn học thành người…” - ông Le nói, giọng đầy tự hào.

Đa số người làm nghề chạy dây ở khu vực Bình Tân, Bình Chánh đều là dân An Giang, tuy nhiên số người theo nghề ngày càng ít, hiện khu vực Bình Hưng Hòa B này chỉ còn 4 gia đình bám nghề. Muốn chạy được dây đòi hỏi phải có mặt bằng rộng rãi, bằng phẳng. Những người “xóm chạy dây” hùn tiền thuê khu đất trống rộng cả trăm m2 và dựng nhà tạm bợ ngay tại chỗ. Công việc của người chạy dây bắt đầu từ 4 giờ sáng đến chiều muộn. Họ bảo, cực bao nhiêu cũng không sợ bằng lúc trời mưa. Cả khu đất lênh láng; dây thấm nước cũng không thể kéo... Dù tốn sức đi bộ nhiều nhưng bù lại, nghề se dây mang đến thu nhập ổn định và cao hơn so với một số nghề khác.

Những xóm nghề tha hương: “Chạy dây” mưu sinh - 1

Gia đình ông Le đem cái nghề chạy dây ở quê lên sài Gòn mưu sinh gần hơn 20 năm qua

Nhẹ nhàng đặt đứa cháu ngoại vào võng để chuẩn bị xắn tay vào làm việc, bà Huỳnh Thị Mà (58 tuổi) chia sẻ, gia đình lên thành phố làm nghề hơn 20 năm có lẻ, từ lúc các con còn nhỏ, nay đã dựng vợ gả chồng. “Ở quê mần lúa không có ăn. Ông anh lên TPHCM được vài năm, gọi về kêu cả hai vợ chồng lên cùng bện dây. Vợ chồng tôi mất vài ngày chỉ để học cách chia dây, cầm cào, se dây, quấn dây… “Thời gian đầu thấy khó quá, dây động chút là rối, gỡ mãi không được. Nản lắm nhưng làm riết thành quen rồi theo nghề luôn từ đó. Mỗi ngày, gia đình 4 người se chừng 80kg dây, kiếm được tầm 400.000-500.000 đồng” - bà Mà nói.

Nhấp nhổm

“Điều dân xóm chạy dây lo nhất là bị đuổi” - bà Bùi Thị Tùng (61 tuổi) nói.

Đã không biết bao lần, bà Tùng phải gom hết đồ nghề để chuyển đi nơi khác vì chủ đất lấy lại để sử dụng vào mục đích khác. Khi một người chạy, cả xóm chạy theo, rồi cùng thuê chỗ mới, cùng làm nghề… Xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau. “Lúc đầu tôi ở ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân), rồi chuyển lên huyện Hóc Môn, sau mới về nơi đây. Chỗ nào người ta đòi đất thì mình cuốn gói chạy đến nơi khác và hơn 20 năm qua, không nhớ đã bao nhiêu lần chạy như vậy. Bây giờ lớn tuổi, sức mòn lực kiệt, muốn tiếp tục làm nghề cũng khó” - bà Tùng thở dài.

Những người làm nghề này đều huy động các thành viên trong nhà tham gia chứ không thuê mướn người ngoài. Lý do là thu nhập bọt bèo nên chẳng dám thuê ai, mà có thuê cũng không ai làm. Hơn nữa, nghề yêu cầu tính tỉ mỉ và kiên trì. Bởi, nếu vội vàng, những sợi dây sẽ vướng lại với nhau rối tung lên. “Do đó, vợ chồng, con cái ngoài phối hợp nhịp nhàng còn phải hiểu ý nhau. Chỉ cần một người bực bội, cáu gắt là coi như ngày đó khỏi làm việc; còn hôm nào mọi người vui vẻ thì dây cũng chạy trơn tru” - ông Le giải thích.

Những xóm nghề tha hương: “Chạy dây” mưu sinh - 2

Xóm chạy dây ở Sài Gòn giờ chỉ còn khoảng chục hộ bám nghề

Vì có thể bị đuổi bất cứ lúc nào nên những người “xóm chạy dây” thường dựng tạm túp lều lấy chỗ che mưa nắng ngay trên bãi đất trống bằng các loại phế liệu có được, từ tôn, tre, ván ép đến bạt cũ…, chắp vá tứ phía. Trên vách nhà treo lủng lẳng quần áo, xoong nồi… Nền đất, xung quanh lại đầy cỏ dại nên chuột, rắn vào “dạo chơi” là chuyện thường ngày. Bởi cuộc sống nay đây mai đó nên họ chẳng có vật dụng gì đáng giá.

Vô tình luồn qua mớ dây khi máy đang chạy, tóc tôi bất chợt bện chặt vào sợi dây cứ tưởng lột cả mảng da đầu. May mắn, ông Le đã kịp dừng máy, quay ngược dây rồi dùng kéo “hy sinh” luôn sợi dây đang se. “Chúng tôi vẫn hay bị cuốn tóc vậy lắm, sơ suất một chút là tai nạn ngay nhất là trong nhà có trẻ nhỏ nên càng chú tâm hơn” – ông Le nói.

Năm qua dịch bệnh hoành hành, dân xóm chạy dây gần như “chết đứng” vì không có hàng. May mắn, từ sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, xóm chạy dây cũng nhộn nhịp hơn. Dưới cái nắng oi ả, những khuôn mặt lam lũ vẫn miệt mài với công việc. Dù là đàn ông, phụ nữ hay người già... khi gắn bó lâu năm với nghề này đôi bàn tay đều chai sần, chẳng thấy nổi vân tay.

“Các con tôi đã lớn và muốn theo đuổi nghề nghiệp riêng. Con gái đã lập gia đình, hai vợ chồng làm công nhân ở nhà máy. Con trai đang học pha chế, sẽ ra trường trong năm nay. Nhà chỉ còn hai vợ chồng già, cũng không còn sức để kéo dây, se dây nổi nữa…” - bà Tùng vuốt từng sợi dây, bàn tay run run khi nghĩ về ngày “giải nghệ” không còn xa…

(còn nữa)

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (11/5), giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 122 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc mưa đến bao giờ?

Sáng nay (1/5), mưa lớn đã bao trùm nhiều khu vực ở miền Bắc. Dự báo trong ngày hôm nay, mưa lớn tiếp tục ở khu vực miền Bắc, từ chiều tối và đêm nay mưa giảm dần. Bắc Trung Bộ hôm nay cũng có mưa rải rác. Nam Bộ và Nam Tây Nguyên mưa dông vào chiều tối. Các khu vực khác ít mưa, ngày nắng.

Giá vàng đồng loạt giảm

Lúc 9h sáng nay (28/4), các doanh nghiệp kinh doanh vàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá vàng SJC và vàng nhẫn.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm

Mở cửa với lực bán tháo mạnh, VN-Index mất mốc 1.200 điểm nhưng sau đó dần cải thiện nhờ VIC, VHM, LPB, VNM… và chốt phiên giảm hơn 19 điểm.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Bamboo Airways có tổng giám đốc mới

Ông Nguyễn Minh Hải từng là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air, nay chuyển sang làm Tổng giám đốc Bamboo Airways.

Tỷ giá USD/VND đột ngột tăng mạnh

Các ngân hàng đồng loạt nâng giá USD trên biểu niêm yết, khi chỉ số đồng USD duy trì trên đỉnh 20 năm qua nhờ kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Làm sao để "săn" được biển "vô cực" tại Thái Bình mà... không cực?

Những hình ảnh về biển “vô cực” tại Thái Bình được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người háo hức đi để trải nghiệm. Tuy nhiên để 'săn' được khoảnh khắc tuyệt đẹp này đòi hỏi du khách nắm bắt những kinh nghiệm để tránh bị thất vọng.

Những "tay ngang" độc đáo của thể thao Việt Nam

Tài năng và quyến rũ, nhiều ngôi sao của thể thao Việt Nam cho thấy họ không chỉ biết cách tỏa sáng trên sàn đấu mà còn lấn sân sang cả những lĩnh vực khác. Ðó thực sự là những “của hiếm” của làng thể thao Việt Nam.

Nikkei: Các khoản đầu tư lớn đang dần chuyển sang KCN ở các địa phương này thay vì Hà Nội, TP HCM

Các khoản đầu tư lớn đang dần chuyển sang các khu công nghiệp ở các địa phương hạng hai hơn do giá đất cạnh tranh, ưu đãi thuế và lực lượng lao động dư thừa. Đồng thời, các nhà phát triển các nhà máy xây sẵn cũng đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của họ ở các khu vực hạng hai do quỹ đất khan hiếm.