Dưới đây là bốn thứ mà các triệu phú tự thân từ chối trả tiền:
Thời trang rẻ tiền
Jonathan Sanchez, một triệu phú tự thân, người sáng lập Parent Portfolio (một trang web giúp các gia đình học cách làm giàu và nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm về tài chính) duy trì ngân sách mua sắm quần áo bằng cách sử dụng những trang phục đơn giản. "Tôi không nghĩ quá nhiều về trang phục. Tôi chỉ có một tủ nhỏ đựng quần áo đơn giản, dùng nhiều năm", anh nói.
Nếu đi chơi bình thường, anh kết hợp quần jean xanh với áo phông hoặc áo polo. Dự sự kiện trang trọng, anh mặc vest và đeo cà vạt.
Mặc định này cho phép anh tránh những cám dỗ cho việc chi nhiều cho những trang phục mới hào nhoáng hoặc thời trang rẻ tiền, dùng một lần. "Tôi chỉ mua đồ mới khi cần thay quần áo đã thủng lỗ, không thể mặc được nữa do hao mòn thông thường", anh cho biết.
Một trong những điều quan trọng nhất anh dạy con mình là cách chăm sóc đồ đạc của chúng và bảo quản chúng lâu dài.
Bảo hành kéo dài
Steve Adcock xuất bản bản tin Millionaire Habits (Thói quen triệu phú) như một phần trong nỗ lực hướng dẫn mọi người có thể độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm theo cách ông làm được: thành công trong sự nghiệp, đầu tư khôn ngoan và sống tiết kiệm.
Ông không bao giờ chi tiền bảo hành kéo dài cho các thiết bị gia dụng, đồ điện tử ở các cửa hàng lớn. "Có thể bạn không dùng đến đâu. Nó chỉ mang lại lợi nhuận bổ sung cho cửa hàng", triệu phú nói.
Thay vì chạy theo bảo hành, Adcock bỏ ít tiền mặt vào quỹ khẩn cấp mỗi tháng để chi trả cho sửa chữa. Khi một món đồ bị hỏng, ông có tiền trang trải. Nếu sản phẩm bền, ông có thể dùng tiền đó chi tiêu việc khác.
Rượu đắt tiền
Jim Cramer, người dẫn chương trình "Mad Money", cựu quản lý quỹ phòng hộ người Mỹ cho biết ông được nuôi dưỡng theo kiểu tằn tiện. Ngày Cramer còn nhỏ, cha mẹ không bao giờ cho gọi nước ngọt ở nhà hàng cho đến khi đồ ăn được mang đến để tránh phải trả thêm phí.
Khi trưởng thành, Cramer áp dụng cách tiết kiệm tương tự khi mua đồ uống. "Nhìn thấy chai rượu vang giá 500 USD tôi sẽ nói 'thật lãng phí'", ông kể.
Đồ thể thao
Với quan điểm không chi nhiều tiền cho thứ gì đó có thể miễn phí mà có tác dụng tương tự, Bernadette Joy, người sáng lập chương trình đào tạo về chi tiêu Crush Your Money Goals, không chi tiền cho đồ thể thao không cần thiết.
Theo cô, sự phát triển của ngành thể thao khiến đôi khi đến phòng tập giống với buổi trình diễn thời trang hơn thói quen tập thể dục. Cô sẵn sàng mặc những chiếc áo phông miễn phí ở các sự kiện đến lớp khiêu vũ yoga, thay vì chi tiền cho quần áo tập luyện hàng hiệu.
(Theo CNBC)