Một thời, khắp các con đường làng Trung An, nhà nhà, người người đan lờ. Những chiếc lờ tre chắc chắn, bền bỉ theo chân người dân đi khắp các vùng sông nước.
Thời gian trôi qua, vật liệu hiện đại thay thế, nghề đan lờ dần lui về quá khứ, chỉ còn lại một số ít người vẫn miệt mài với nan tre và đôi bàn tay chai sạn.

Thời vàng son nghề đan lờ đã qua, giờ chỉ còn lại những người thợ lớn tuổi kiên trì giữ nghề (Ảnh: Kim Duyên).
Ông Nguyễn Ưng, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, có gần 50 năm sống với nghề đan lờ cá truyền thống.
"Trước kia, cả làng sống nhờ nghề đan lờ, tiếng dao vót tre, tiếng cười nói rộn ràng khắp nơi. Nhưng rồi, cuộc sống đổi thay, nhiều người rời bỏ nghề để tìm những công việc khác ổn định hơn, thu nhập cao hơn. Dần dà, chỉ còn những người lớn tuổi bám trụ lại với nghề", ông Ưng chia sẻ.
Không chỉ có ông Ưng, ông Nguyễn Văn Trường, thị trấn Ái Nghĩa cũng là một trong số ít người còn giữ nghề. Ông cho biết, bây giờ người trẻ không còn mặn mà với nghề đan lờ, phần vì thu nhập bấp bênh, phần vì công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo.
"Bọn trẻ giờ thích công việc nhàn hơn, lương cao hơn. Chứ ngồi cả ngày với tre, với dao, chẳng mấy ai chịu nổi", ông Trường chia sẻ.

Tre được vót thật mỏng rồi mang phơi khô trước khi đan thành lờ cá (Ảnh: Kim Duyên).
Theo người dân, mỗi chiếc lờ cá được bán với giá 30.000-100.000 đồng, tùy kích cỡ, nhưng chỉ thực sự đắt hàng vào mùa mưa (khoảng tháng 9 âm lịch). Sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu, người thợ chỉ thu về hơn 100.000 đồng mỗi ngày, số tiền không thấm vào đâu so với công sức bỏ ra.
Công việc vất vả, đôi tay lúc nào cũng lấm lem, chai sạn vì những nan tre sắc nhọn, thế nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Cũng vì thế mà nhiều người đành ngậm ngùi rời xa làng nghề, tìm kiếm một công việc ổn định hơn để lo cho cuộc sống, cả làng hiện nay chỉ còn khoảng 20 người thợ bám nghề này.
Dẫu nghề đan lờ dần mai một, nhưng với những người như ông Ưng, ông Trường, họ không chỉ giữ nghề vì kế sinh nhai mà còn bởi một nỗi nhớ da diết về quá khứ, về những ngày rộn ràng tiếng dao vót tre, tiếng cười nói bên những ụ lờ xếp chồng.

Ông Nguyễn Ưng bên những chiếc lờ cá vừa hoàn thiện (Ảnh: Kim Duyên).
"Từ nhỏ, tôi đã theo người lớn học vót tre, đan lờ, rồi gắn bó với nghề lúc nào chẳng hay. Giờ đây, còn sức thì còn làm, không chỉ để mưu sinh mà còn để gìn giữ một cái nghề truyền thống của ông cha ta để lại", ông Trường chia sẻ.
Những chiếc lờ tre từng là vật dụng không thể thiếu trong đời sống mưu sinh của biết bao thế hệ, giờ đây chỉ còn lác đác xuất hiện trong ký ức của những người già, trong góc sân nhỏ của những ngôi nhà còn bám trụ với nghề.
Ngày mai, có thể tiếng dao vót tre sẽ thưa dần, những đôi bàn tay chai sạn rồi cũng yếu đi. Nhưng đâu đó, trong từng chiếc lờ tre còn sót lại, vẫn vang vọng hơi thở của một làng nghề, của những con người trọn đời gắn bó với từng mảnh ký ức quê hương.
Kim Duyên