Năm 2019, trong khi nghiên cứu, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) thống kê được có 90 văn bản ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) tại năm hang động ở ngọn Thủy Sơn của Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Sự bí ẩn của những ký tự đặc biệt do tiền nhân tạo ra dần được hé lộ.
Dồn tâm sức kiếm tìm bút tích tiền nhân
Thượng tọa Thích Không Nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết khi tiếp cận thì đa số mai nhai không còn nguyên vẹn do bị phong hóa. Một số bị đục xóa nội dung, bồi lấp bằng sơn và xi măng, bị viết chữ chồng lên không đọc được.
Suốt một tháng trời, nhóm đã dành nhiều tâm sức để gia công khắc phục. Đối với ma nhai bị bôi trát, để không ảnh hưởng đến kết cấu văn bản, nhóm không dùng hóa chất mà dùng nước cho mềm ra, sau đó dùng bàn chải cạo lớp xi măng, rêu bám xung quanh. “Nhóm tám người, có hôm làm liên tục từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Có những ma nhai trên cao phải dùng đến giàn giáo, chúng tôi được ban quản lý khu di tích và các chùa hỗ trợ nên mọi việc tiến hành thuận lợi” - Thượng tọa Thích Không Nhiên kể.
Cũng theo thượng tọa này, nhiều ma nhai bị khuất lấp sau lớp xi măng, rêu phủ đầy, nếu nhìn bằng mắt rất khó phát hiện vào ban ngày mà phải chờ đêm đến dùng đèn pin soi ngược lên vách đá để tìm. Những ma nhai bị khuất lấp thường có những đường viền hình vuông hoặc hình chữ nhật, sau khi phát hiện nhóm đánh dấu vị trí để hôm sau gia công làm xuất lộ. Trong số 90 ma nhai được thống kê có 60 văn bản còn nội dung, 30 văn bản đã bị phong hóa, mất chữ, không thể khắc phục. Đáng tiếc nhất là trong số tám bia ký thời chúa Nguyễn hiện có đến năm tấm đã bị đục hết chữ dù họa tiết hoa văn tinh xảo quanh diềm và trán bia còn khá nguyên vẹn.
Các ma nhai trải dài từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (thế kỷ XVII kéo dài đến cuối thế kỷ XX) với nhiều thể loại như bia ký, thơ, phú, hát nói, đề từ, câu đối. Thành phần tác giả cũng rất phong phú, từ cao tăng trong và ngoài nước, vua chúa, các đại thần triều Nguyễn, văn nhân thi sĩ, văn nhân nước ngoài… khi đến Ngũ Hành Sơn đều lưu lại dấu tích ma nhai. Nội dung phản ánh đời sống tinh thần và các sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng truyền thống tại quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn qua các thời kỳ. Nhiều bài thơ còn mang tâm tư, tình cảm và cả những hoài vọng mà tiền nhân gửi lại cho hậu thế.
Sau khi gia công làm bong tróc lớp xi măng và sơn bôi lấp bên ngoài, nhóm nghiên cứu đã chụp ảnh, sao dịch và sơ đồ hóa hệ thống ma nhai đã xuất lộ để phục vụ công tác nghiên cứu sau này. Trong đó, động Huyền Không và Tàng Chơn là hai khu vực có số lượng ma nhai nhiều và quan trọng nhất.
Các thành viên của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) nghiên cứu ma nhai Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TTLQ
90 là số lượng ma nhai được thống kê tại Ngũ Hành Sơn.Trong đó, 60 văn bản còn nội dung, 30 văn bản đã bị phong hóa, mất chữ, không thể khắc phục.
Ngũ Hành Sơn có số lượng ma nhai lớn nhất nước
Thượng tọa Thích Không Nhiên cho biết Ngũ Hành Sơn là trung tâm Phật giáo lớn của Đàng Trong, lưu dấu nhiều bậc cao tăng danh tiếng trong và ngoài nước tới hành đạo. Đây cũng là trung tâm hành hương của Phật tử, thương nhân nước ngoài qua kinh doanh buôn bán. So với các địa chỉ lưu dấu ma nhai ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, ma nhai Ngũ Hành Sơn vượt trội về số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, đặc biệt phong phú về thể loại.
“Tuy là nguồn tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin giá trị liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất nhưng hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn đang xuống cấp. Lý do bởi với nhiều người thì đó chỉ là các văn bản trên vách núi, có thể sau khi chúng tôi gia công làm xuất lộ thì rêu lại phủ lên và không ai thấy. Do đó cần sớm có biện pháp bảo vệ nguồn tư liệu quý này” - Thượng tọa Thích Không Nhiên nói thêm.
Người dân trong và ngoài nước hứng thú theo dõi, tìm hiểu về ma nhai Ngũ Hành Sơn. Ảnh: TTLQ
Ông Lê Ngọc Nhất, Phó Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhận định hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn là nguồn tư liệu rất quý giá. Nhiều năm qua ban quản lý đã có các biện pháp quản lý, bảo vệ chúng trước tác động của tự nhiên và con người. Ông Nhất cũng chia sẻ sau khi hệ thống ma nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thế giới, việc bảo tồn chắc chắn sẽ thuận lợi hơn. Các ngành liên quan cũng sẽ tính toán phát huy giá trị của hệ thống ma nhai đã xuất lộ, đưa nơi này trở thành sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết ma nhai tại Ngũ Hành Sơn là nguồn cứ liệu lịch sử phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản.
Hiện hồ sơ khoa học di sản tư liệu “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” đã được gửi Ban thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Ký ức thế giới của Việt Nam xem xét, thẩm định và đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu không có gì thay đổi thì có thể trong tháng 5 này hồ sơ sẽ được thông qua. Ông HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng |