Là một người sống ở Sài Gòn và thường bay ra Hà Nội thì thứ tôi nhìn thấy nhiều nhất ở nơi này chính là các quán chè ven đường. Ở nơi đó mọi người, đủ các tầng lớp, địa vị xã hội, giàu hay nghèo, tụ tập và tán gẫu những câu chuyện trên trời dưới đất. Mỗi ly trà nóng be bé cũng phải 10.000-15.000 đồng, thậm chí những hàng ở phố cổ còn đắt hơn.
Những quán tí ti như thế lại chứa đựng đằng sau cả một cơ đồ. Tôi từng nghe một cô chủ quán chè ở trung tâm bảo mỗi ngày kiếm được từ nửa đến cả 1 triệu đồng. Con số tưởng chừng như không thể nhưng chắc chắn có thể vì ai mỗi lần vào cũng uống vài ly, nhất là vào mùa hè.
Một quán kitli tại miền Tây Ấn Độ. Ảnh: Dy Khoa.
Tương tự, ở Ấn Độ cũng có những sạp nhỏ bán kitli rải rác khắp đất nước 1,5 tỷ dân. Muốn hóng chuyện Hà Nội thì ra hàng chè xanh. Còn muốn nghe dân địa phương bàn tán thì ra kitli. Kitli trở thành điểm tập trung, thậm chí hẹn hò của người Ấn Độ. Tôi nhớ thay vì người Việt hay hẹn bạn bè ra quán cà phê nói chuyện thì bạn bè bản xứ lại chọn quán kitli quen thuộc làm nơi chuyện trò.
Kitli ở Ấn Độ có muôn hình vạn trạng, có quán to, quán nhỏ, có quán ở ven đường lớn, có quán lại chỉ nép mình trong một hẻm nhỏ thưa người qua lại. Nó dần trở thành văn hóa công cộng không thể thiếu của đất nước này.
Nhiều chủ quán kitli trở thành tri kỷ của một bộ phận khách hàng. Đa số các hàng quán này đều không có biển hiệu, khách nhớ tên chủ quán và địa điểm để đến. Mọi người nói chuyện với nhau rôm rả như người nhà.
Không gian một quán kitli điển hình, đây là nơi tập trung nhiều người dân địa phương. Ảnh: Dy Khoa.
Hình hài của kitli như một tiệm tạp hóa nhỏ, bán đủ thứ nho nhỏ, dễ mua và dễ mang đi hoặc dùng tại chỗ như bánh snack, cốm, kẹo... Loại thức uống chính được phục vụ tại các kitli chính là chai. Thứ uống đặc trưng của Ấn Độ với sữa, trà đen có thêm các vị quế, hồi...
Tất cả được đun nóng trong một chiếc nồi vừa phải, đặt trên bếp dầu. Món này duy chỉ bán nóng dù cho thời tiết bên ngoài có hơn 50 độ C thì người ta vẫn uống nóng. Mỗi chai được bán với giá quy tiền Việt khoảng 10.000 đồng. Một số chỗ bán ly to hơn với giá cao hơn, có khi lên đến 30.000 đồng.
Kitli gồm một nồi, bếp dầu hoặc bếp ga và dụng cụ khuấy sữa, trà và gia vị. Ảnh: Dy Khoa.
Mỗi ngày kiếm 800.000 đồng từ bán trà sữa
Chú Dal (Delhi) có quầy kitli bán chai từ khi còn thanh niên, nay cũng hơn 30 năm gắn bó với công việc này. "Tôi ở bên cạnh nó còn nhiều hơn ở với vợ mình. Mỗi ngày từ tờ mờ sáng tôi đã mở quán đến tối muộn mới về. Ngày nào cũng diễn ra như vậy. Có nhiều khách hàng uống chai của tôi từ nhỏ, giờ đã có con. Con của họ vẫn uống quán tôi", chú tâm sự.
Hàng của chú Dal chỉ bán mỗi chai, nằm tại một ngôi chợ lớn thuộc trung tâm của Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia Delhi. Xung quanh đó không ai bán món giống chú cả, chú gần như trở thành độc quyền trên một con đường dài cả 2km.
Chú bảo mỗi ngày đóng phí cho quản lý chợ một chút, còn lại thì mình hưởng. Mỗi ngày chú kiếm được 700.000-800.000 đồng (đã quy tiền Việt). Tuy nhiên, cũng có những ngày nhiều hơn hoặc ít hơn con số này.
"Hầu như những người đi chợ ngày nào cũng ghé đây uống chai. Hai vợ chồng thì bốn ly. Chú thấy mình bán cũng khá", chú vừa cười và nói. Mỗi ly của chú giá gần 10.000 đồng.
Một gian kitli đặt bên trong một chung cư. Ảnh: Dy Khoa.
Tuy nhiên, do lượng quán bán chai tại Ấn Độ là rất nhiều nên không phải hàng nào cũng kinh doanh khả quan như của chú Dal.
Cách đền Hoa Sen (Dehli) khoảng vài km, nơi có lượng khách du lịch đông đảo, chị chủ trạc 30 tuổi nói: "Trước khi có dịch thì quán của mình bán khá ổn. Còn giờ thì chỉ kiếm được ít". Trên thực tế, số ít của chị là khoảng 300.000-500.000 đồng/ngày; tương đương chị bán được 1.000 ly mỗi ngày. Mỗi ngày đón 500 khách, mỗi người hai ly, thì chỉ mới đạt được con số trên.
Ở TP Ahmedabad (bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ), kitli cũng phổ biến không kém thủ đô Delhi. Lời lỗ của quán phụ thuộc rất lớn vào lượng khách hàng mỗi ngày. "Tôi bán ở đây gần 20 năm. Tôi cũng đã ước lượng được khách mỗi ngày nên cũng không lo lắng nhiều", anh Kin, chủ quán kitli gần tòa nhà tờ báo địa phương, nói qua người bạn địa phương của tôi.
Ly chai thành phẩm có giá bán tùy theo khu vực, với khoảng giá khá rộng: 10.000-50.000 đồng. Ảnh: Dy Khoa.
Khách hàng của anh Kin đa số là dân văn phòng và khách vãng lai . Mỗi ly anh bán khoảng 15.000 đồng. Đây là mức giá khá cao so với mặt bằng chung của nước này. Mỗi ngày anh ước đón tiếp 50-100 khách.
Đồ uống đóng chai do cấu thành từ các thành phần riêng biệt và chỉ nấu khi có khách đến nên các chủ quán không quá lo về tồn kho. Nhiều người cũng mong muốn mở một kitli để kinh doanh, một phương kế sinh nhai không quá cực nhọc nhưng lại có thu nhập khá ổn so với mặt bằng chung.
Trước đó, theo thông tin trên báo địa phương, một vận động viên thể hình sau khi không theo nghề nữa đã mở quán bán chai. Mỗi tháng anh này kiếm được 15-20 triệu đồng.