Ngày 22/3, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã thúc giục các thẩm phán liên bang kiểm soát việc sử dụng Twitter của tỷ phú Elon Musk dựa trên thỏa thuận dàn xếp kiện tụng vào năm 2018. CEO Tesla trước đó đã yêu cầu dỡ bỏ quy định này, theo Reuters.
Trong một hồ sơ gửi lên tòa án liên bang ở Manhattan, SEC cho biết tỷ phú Elon Musk đã không đáp ứng được các thỏa thuận về sắc lệnh đề ra vào năm 2018. Theo đó, tỷ phú này lẽ ra phải để các luật sư duyệt một số dòng tweet trước khi đăng tải lên Twitter. Tuy nhiên, ông cho rằng một số thông báo mang tính chất đặc biệt quan trọng với hãng xe điện Tesla nên đã không thông qua luật sư.
Tỷ phú Elon Musk cho rằng việc phải chờ đợi xét duyệt thông qua các luật sư sẽ gây bất tiện và mong muốn SEC sẽ ngừng điều tra các thủ tục tiết lộ thông tin của Tesla.
"Khi nói đến dàn xếp dân sự, thỏa thuận vẫn là thỏa thuận, không có tình tiết mới so với những gì được trình bày tại đây. Khi Tesla sử dụng Twitter của Elon Musk để cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, SEC có quyền điều tra tính hợp pháp", đại diện SEC cho biết.
Phía SEC cũng thúc giục Thẩm phán Alison Nathan, người giám sát sắc lệnh, bỏ qua nỗ lực của Elon Musk nhằm hủy bỏ trát đòi hầu tòa, yêu cầu hồ sơ liên quan đến cuộc thăm dò trên Twitter của ông vào tháng 11/2021 về việc bán 10% cổ phiếu Tesla.
Alex Spiro, luật sư riêng của Elon Musk đã từ chối đưa ra bình luận. Phía Tesla cũng không trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ việc này. Các chuyên gia pháp lý cho biết tỷ phú Elon Musk khó có khả năng lách luật thêm một lần nữa.
Tranh cãi giữa Elon Musk với SEC bắt nguồn từ tuyên bố của cơ quan quản lý rằng CEO Tesla đã lừa dối các nhà đầu tư vào ngày 7/8/2018. Thời điểm đó, vị tỷ phú này đã đăng bài lên Twitter ghi rằng đã "đảm bảo nguồn vốn" để tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên trên thực tế, giao dịch vẫn chưa hoàn tất.
Tesla và Elon Musk đã giải quyết bằng cách mỗi người nộp phạt dân sự khoản tiền lên tới 20 triệu USD. Thậm chí, khi đó Elon Musk từ chức chủ tịch Tesla.
Kể từ đó, tỷ phú người Nam Phi đã cáo buộc SEC quấy rối ông bằng các cuộc điều tra "liên tục và không ràng buộc", trong một nỗ lực nhằm cố tình trừng phạt ông vì đã chỉ trích chính phủ và thực hiện quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội Twitter.
Tuy nhiên, phía SEC cho biết họ có thẩm quyền lớn và "mục đích hợp pháp" để điều tra cả Elon Musk lẫn Tesla.
"Elon Musk phàn nàn về số lượng "yêu cầu điều tra tuyệt đối" của SEC từ năm 2018 đến nay, thứ mà ông ta cho là hành vi quấy rối bản thân. Tuy nhiên, những gì Elon Musk phản ánh theo trình tự thời gian đã chỉ ra đúng những vi phạm tiềm tàng mà cả Elon Musk lẫn Tesla có thể mắc phải", đại diện SEC cho biết.
Về dòng tweet tham khảo ý kiến người theo dõi về việc liệu có nên bán 10% cổ phiếu Tesla của tỷ phú Elon Musk, đa số đã bình chọn "có". Kể từ đó, CEO Tesla đã bán khối lượng cổ phiếu Tesla có giá trị lên tới 16 tỷ USD.