Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, giảng viên Đại học Northeastern (Mỹ), cho hay, khi muốn nói về những phẩm chất, tài năng hay năng khiếu của bản thân, hãy chắc chắn những thứ đó khiến bạn cảm thấy tốt. Nếu không, "điểm mạnh" đó có thể giống khiếm khuyết.
Dưới đây là 5 thứ Morin cho rằng không nên khoe để tránh gây tác dụng ngược.
Tôi giỏi làm nhiều việc cùng lúc
Theo Morin, không ai giỏi làm nhiều việc cùng lúc. Nghiên cứu của Đại học Stanford, Mỹ, phát hiện làm nhiều việc cùng lúc làm giảm năng suất, suy giảm sự chú ý và trí nhớ của bạn, làm hỏng khả năng chuyển đổi từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác.
Trước khi quyết định mình là trường hợp ngoại lệ, bạn cần nhớ rằng những người làm nhiều việc cùng lúc cũng thiếu hiểu biết sâu sắc. Họ nghĩ làm tốt, nhưng thực tế kém hơn người khác.
Tôi ngủ rất ít
Nhiều người nổi tiếng và doanh nhân thành đạt ngủ ít để có thời gian làm việc. Nhưng ca ngợi việc thiếu nghỉ ngơi là việc không phù hợp. Não cần ngủ đủ giấc để duy trì hoạt động tốt.
Các nghiên cứu đã liên kết tình trạng thiếu ngủ với chức năng nhận thức kém. Tình trạng này làm giảm sự chú ý và trí nhớ, đồng thời làm suy yếu khả năng ra quyết định. Thiếu ngủ mãn tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn.
Vì vậy, đó không phải là điều mà người khác nên ấn tượng về bạn.
Tôi là người cầu toàn
Người cầu toàn đặt ra những tiêu chuẩn cao, không thực tế cho bản thân. Họ phải vật lộn để hoàn thành công việc vì hiệu suất không bao giờ đạt kỳ vọng.
Cầu toàn trong một số việc có thể chấp nhận được, nhưng những người cầu toàn thực sự mong đợi sự hoàn hảo trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Họ cũng đặt ra những kỳ vọng cao không thực tế cho người khác, biến mình thành những nhà lãnh đạo khắc nghiệt.
Họ không khoan dung với sai lầm và có tiêu chuẩn quá cao khiến cấp dưới che giấu sai lầm của mình, thay vì tìm cách khắc phục.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người cầu toàn có nguy cơ bị kiệt sức, gặp vấn đề về sức khỏe và thể chất cao hơn nhiều so với người bình thường.
Vì vậy, trước khi bạn sử dụng thuật ngữ này, hãy suy nghĩ kỹ xem liệu nó có thực sự đáng khoe hay không.
Tôi chưa bao giờ thất bại
Có khác biệt lớn giữa cố gắng thành công và cố gắng tránh thất bại. Nếu chỉ tập trung không thất bại, bạn không phát huy hết tiềm năng.
Các nghiên cứu cho thấy những người tránh thất bại không mang lại giá trị đáng kể nào. Họ đặt ra những mục tiêu giúp họ trông đẹp hơn và chỉ thử những điều mới khi chắc chắn thành công. Động lực của họ xuất phát từ mong muốn thỏa mãn cái tôi, thay vì sự quan tâm thực sự đến phát triển bản thân.
Những người quá tránh né thất bại có thể dùng những cách thức đạt được thành tích không mấy dễ chịu, như gian lận, vì họ không thực sự quan tâm đến việc học.
Thay vì phủ nhận lỗi lầm, hãy thừa nhận những gì bạn học được từ chúng. Thừa nhận bạn biến thất bại thành cơ hội học tập để tốt hơn trước.
Tôi làm việc liên tục 24/7
Rất nhiều người tin làm việc quần quật cả ngày, mỗi ngày là chìa khóa thành công. Nhưng nhà trị liệu tâm lý Morin dẫn một nghiên cứu cho thấy làm việc hơn 50 giờ một tuần thường gây hại nhiều hơn. Chất lượng cuộc sống của những người nghiện việc như vậy cũng giảm sút nghiêm trọng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, có mối liên kết giữa chứng nghiện công việc với nhiều rối loạn tâm thần, bao gồm ADHD, OCD, lo âu và trầm cảm. Làm việc nhiều ngày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và khả năng kiểm soát căng thẳng.
Vì vậy, thay vì tự hào khi làm việc 24/7 hoặc bỏ qua các hoạt động giải trí vì coi trọng công việc, hãy tập trung vào làm việc hiệu quả. Không thực sự quan trọng bạn làm việc bao nhiêu giờ; điều quan trọng là bạn hoàn thành được bao nhiêu trong giờ làm việc.
(Theo Forbes)